Bánh dày ngũ sắc của người Tày

27/02/2020 09:53:00 AM
Mảnh đất Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) không chỉ níu chân du khách phương xa bởi những nếp nhà sàn truyền thống giữa mênh mông của đồi cọ, rừng quế, những tràn ruộng lúa thẳng cánh cò bay, dòng Nậm Luông thơ mộng uốn quanh như dải lụa. Tất cả tạo nên bức tranh phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, yên bình.

 Bánh dày ngũ sắc

Điều mà khiến rất nhiều người nếu một lần đến Nghĩa Đô nhớ mãi không quên đó là được thưởng thức những món ăn độc đáo trong kho tàng văn hóa ẩm thực của đồng bào Tày nơi đây. Hẳn nhắc đến văn hóa ẩm thực của đồng bào Tày ở Nghĩa Đô, nhiều người sẽ nhớ đến món vịt lam, xôi nhộng cọ, canh cá suối nấu lá vón vén, nộm thịt trâu sấy… Nhưng có một món ăn cũng làm nên nét riêng trong đời sống văn hóa của đồng bào Tày nơi đây. Đó là món bánh dày ngũ sắc.

Nghệ nhân dân gian Ma Thanh Sợi cho biết: Để làm được món bánh dày ngũ sắc, trước tiên người Tày phải tìm hái những lá cây dùng để nhuộm màu cho xôi. Sau đó, chuẩn bị gạo nếp ngâm sẵn và tự tay “pha chế” các loại phẩm màu tự nhiên từ lá cây rừng hoặc trồng trong vườn nhà. Để tạo ra các màu sắc khác nhau cho xôi, người Tày dùng những tri thức bản địa do người già trong bản lưu truyền lại qua nhiều thế hệ. Ngoài cây cẩm đỏ, cẩm tím dùng lá nấu thành nước để nhuộm xôi màu đỏ, màu tím, người Tày dùng tro của rơm nếp trộn với cây cẩm để tạo màu xanh cổ vịt, còn củ nghệ tươi giã lọc lấy nước để tạo ra màu vàng…

 Đồng bào Tày hái lá để nhuộm màu từ cây thuốc trong vườn nhà

Sau khi tạo ra các màu sắc khác nhau, ngâm gạo nếp với phẩm màu tự chiết xuất từ thiên nhiên trong một khoảng thời gian nhất định để ngấm đủ màu rồi mới đem đồ thành xôi. Xôi được đồ trong những chiếc chõ gỗ truyền thống trên bếp củi. Khi đã đồ được xôi với 5 màu khác nhau, người Tày bắt đầu đem giã bằng tay cho đến khi thành món bánh dày như ý. Từ hạt nếp dẻo thơm, với những cây lá, củ trong vườn nhà, tất cả đều mang màu sắc tự nhiên, qua bàn tày khéo léo đã làm nên một món bánh độc đáo, mang bản sắc riêng của đồng bào Tày.

Theo quan niệm của người Tày ở Nghĩa Đô, bánh dày ngũ sắc có 5 màu, tượng trưng cho “ngũ hành”. Người Tày làm bánh dày ngũ sắc vào dịp lễ tết, nhưng phổ biến nhất là vào dịp ăn mừng cơm mới, mừng vụ lúa mới thu hoạch. Hầu hết, trong bản, cứ vào mùa gặt lúa, nhà nhà lại rộn ràng trong tiếng giã bánh dày, trong niềm vui của ngày mùa. Các cô gái người Tày được các bà, các mẹ dạy cho cách làm bánh cố gắng trổ tài khéo léo “nữ công gia chánh” của mình để trong gia đình hôm ấy có những mâm bánh dày ngũ sắc dẻo thơm, ngon nhất với 5 màu sắc tươi sáng.

Sở dĩ, món bánh dày ngũ sắc được người Tày chế biến cầu kỳ bởi đây là món ẩm thực truyền thống dành để dâng cúng tổ tiên trong nghi lễ mừng cơm mới với khát vọng giản dị mong cho mùa màng năm sau sẽ tiếp tục bội thu, cuộc sống no ấm.


Cường Thanh/ langvietonline.vn