Bí ẩn nhà cổ ở Há Súng

28/05/2021 08:00:00 AM
Khi nói về các kiệt tác kiến trúc nổi tiếng tại Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) du khách thường nghĩ tới Dinh thự vua Mèo hay dãy Phố cổ Đồng Văn và Phố Cáo. Nhưng căn nhà cổ của dòng họ Vừ ở thôn Há Súng, xã Lũng Táo là cái tên được dân đam mê du lịch, yêu khám phá nhắc tới nhiều nhất bởi còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn.

 Mặt trước của ngôi nhà cổ bí  ẩn ở Há Súng. Căn nhà cổ được dựng trên một khu đất hình mu rùa. Ảnh: Việt Cường/VNP

Thôn Há Sùng nằm khuất nẻo sau một dãy núi cách đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc không xa. Từ Dinh thự vua Mèo, đi theo đường lên Cột cờ Quốc gia Lũng Cú khoảng 4km thì rẻ phải, đi tiếp khoảng 1,5km trên con đường nhỏ trải bê tông vòng vèo, dốc đứng là đến được Há Súng.

Căn nhà cổ bề thế của dòng họ Vừ được dựng trên một gò đất hình mai rùa giữa bốn bề núi đá. Cửa hướng nhìn thẳng ra một võng núi hình mắt ngựa. Theo quan niệm truyền thống của người Mông, khu đất ấy rất đắc địa để dựng nhà.Trước nhà là một dãy bậc đá dài dẫn thẳng lên cửa chính. Đứng trước căn nhà cổ, ai cũng sẽ trầm trồ trước công trình kiến trúc đồ sộ, khác biệt với tất cả các căn nhà khác trong vùng. Bức tường mặt trước, phần dưới xây bằng những tảng đá lớn được gọt đẽo kỹ càng. Phần trên đá là tường trình đất dày. Chính giữa có cửa chính trang trí cầu kỳ, trên cao hai bên là hai cửa sổ nhỏ. Bức tường này là phần nhô cao nhất, như một lá chắn vững chắc bảo vệ cho toàn bộ căn nhà.

Bước qua cánh cửa chính bằng gỗ dày, ta sẽ lọt vào không gian giếng trời đồ sộ nằm chính giữa. Bao quanh chiếc sân đầy ánh sáng này là bức tường mặt trước và 3 dãy nhà hai tầng bằng gỗ, tường trình đất, mái lợp ngói âm dương. Các chi tiết gỗ, đá tại đây được trạm khắc tinh xảo, có tính thẩm mỹ cao.

 Ngôi nhà có tuổi đời hàng trăm năm hiện mang nhiều dấu viết hủy hoại của thời gian. Ảnh: Việt Cường/VNP

Như hầu hết các ngôi nhà truyền thống người Mông khác, nhà cổ Há Súng có cấu trúc theo quan niệm truyền thống. Chỉ khác ở chỗ không gian sinh hoạt của ngôi nhà cổ này có tổng diện tích rất lớn, lên đến vài trăm mét vuông. Khu vực thờ cúng tổ tiên và không gian chung là gian chính giữa, cửa hướng về phía trước nhà. Khu vực dãy bên phải từ cồng vào là nơi giữ lửa, có bếp lửa, cũng là buồng ngủ của chủ nhà. Khu vực đối diện là bếp nấu ăn và buồng ngủ của các con, cháu. Trong ngôi nhà cổ này hiện còn lưu giữ được hai vật dụng quý là chiếc bàn thờ cổ chân dê – vật dụng của nhà quý tộc Mông thời xưa, và chiếc bồn tắm bằng đá nguyên khối rất độc đáo.

Hiện có 4 gia đình với hơn chục nhân khẩu là hậu duệ của dòng họ Vừ vẫn sống tại không gian nhuốm màu thời gian này. Theo ông Vừ Vả Say 76 tuổi, một trong những người cao tuổi họ Vừ hiện sống tại Há Súng, ngôi nhà được xây dựng từ trước khi Dinh thự Nhà Vương được xây dựng tại xã Sà Phìn. Từ khi xây dựng đến nay, ngôi nhà chưa bao giờ được trùng tu, sửa chữa. Hiện con cháu họ Vừ thừa kế, sống trong căn nhà này là đời thứ sáu.

Ông Say cho biết, được bố kế về chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà là một người đàn ông Mông rất quyền lực. Trong thời kỳ hoàng kim, căn nhà lúc nào cũng có khoảng 50 người làm công chuyên lo việc buôn bán, đóng hàng hóa. Đó là thông tin ít ỏi, duy nhất được người đàn ông lớn tuổi họ Vừ tiết lộ.

Ngôi nhà tuyệt đẹp của họ Vừ ở Há Súng còn chứa rất nhiều bí ẩn. Nhất là những vấn đề lịch sử liên quan đến ngôi nhà chưa được làm sáng tỏ. Chỉ biết trong căn nhà cổ tuyệt đẹp, cổ kính này, cuộc sống của hậu duệ dòng họ Vừ vẫn sẽ tiếp diễn trên vùng cao nguyên đá phía sau cổng trời./.

Việt Cường/ Báo Ảnh Việt Nam