Bỏng gạo về phố

07/01/2021 09:52:00 AM
Chiều nay, trên góc đường phố tấp nập người qua lại, nghe tiếng máy xình xịch đều đều vang lên, chợt giật mình dừng xe quay lại. Chao ôi! Là chiếc máy quay bỏng gạo.

 Giản dị món bỏng gạo

Thật lâu rồi, hôm nay mới gặp lại chiếc máy quay bỏng gạo và món quà quê tuổi thơ ngày ấy - món quà vặt tưởng đã lãng quên. Mặc cho từng cơn gió đông thổi nhẹ qua phố, người đàn ông vẫn chậm rãi, từ tốn từng công đoạn rồi vui vẻ chuyển từng bịch bỏng gạo cho khách hàng. Cầm từng chiếc bỏng gạo nóng hổi mà như được ngược về khoảng trời tuổi thơ thương nhớ...

Thời đó cách đây cũng hơn hai mươi năm rồi. Quê tôi cũng như các vùng quê nghèo ở nông thôn đang trong thời kỳ chuyển mình cùng đất nước qua thời kỳ khó khăn. Quà vặt cả một thời tuổi thơ chỉ là những quả ổi, xoài, cốc… loại trái cây không ai trồng, mọc nhan nhản trong vườn, sau hè, trên rừng. Bỏng gạo như một món quà xa xỉ mỗi năm đôi ba lần được thưởng thức. Tụi con nít xóm tôi thường đi làm bỏng gạo vào mùa gặt, vì lúc đó lúa gạo mới có nhiều. Cả nhóm gần năm đứa, đạp xe lên tận thị trấn đi tìm chỗ làm bỏng gạo. Mặt đứa nào đứa nấy hớn hở, háo hức vô cùng, quên đi quãng đường đất còn xa tít tắp mới đến được thị trấn nhỏ bé với bao điều mới lạ.

Điều thích thú nhất của bỏng gạo chính là trước khi thưởng thức, còn có thể trực tiếp nhìn cách chế biến. Nguyên liệu làm nên bỏng gạo đơn giản chỉ cần vài lon gạo lúa mới căng mẩy, trắng ngần kết hợp với đường là được. Đặc biệt đường phải canh đúng tỷ lệ, nếu lỡ tay bỏ nhiều đường thì bỏng gạo xay ra nhỏ tí, có khi còn bị cháy đen.

Trong tiếng máy nổ xình xịch, nhanh tay cho nguyên liệu vào máy. Phút chốc những bỏng gạo thuôn dài, màu đục được đẩy ra nghi ngút khói cùng với mùi thơm phức lan tỏa ngây ngất. Bọn trẻ chúng tôi ngày đó tranh nhau, tay cầm rổ, tay cầm kéo, cắt thành từng bỏng vừa tầm cái thước kẻ. Bỏng mới ra lò rất xốp, giòn, phải bỏ vào túi ny lon buộc chặt để khỏi bị mềm. Khi kinh tế khấm khá hơn, bên trong bịch gạo đeo lủng lẳng còn có thêm bắp, đậu xanh. Chỉ thêm một ít bắp, đậu xanh mà bỏng gạo nhiều màu sắc và hương thơm hơn. Nhiều bắp thì có màu vàng nhạt, nhiều đậu xanh thì bỏng lại có màu xanh dịu nhẹ nhàng.

Ngày xưa, món bỏng gạo khá quen thuộc với nhiều người, nhưng rồi cuộc sống ngày càng đi lên, món quà vặt này lại rơi vào quên lãng. Những tưởng bỏng gạo chỉ còn đọng lại nơi khoảng trời tuổi thơ mỗi khi nhớ về, ấy vậy mà bất chợt chiều đông nay, xuất hiện người chế biến món bỏng gạo. Họ thực hiện toàn bộ những khâu chế biến gạo thành món bỏng gạo nóng hổi thơm lừng, thú vị nhất là rất nhiều người đi đường dừng xe lại để mua và thưởng thức. Trong chiều đông lành lạnh, được nhâm nhi miếng bỏng gạo mới ra lò, mùi vị bỏng vẫn còn nguyên vẹn, cơ hồ như chưa bao giờ đánh rơi vị ngọt ngào hương quê năm nào.

Phan Thị Thanh Ly/ Báo Quảng Nam