Độc đáo nghề chế tác đá mỹ nghệ ở Lục Yên

18/03/2019 02:33:00 PM
Từ lâu, địa danh “đất ngọc” Lục Yên (Yên Bái) được nhiều du khách biết đến là nơi có nhiều dấu ấn lịch sử văn hóa nằm bên dòng sông Chảy, cùng với những điệu hát then của đồng bào dân tộc Tày và nhiều sản vật độc đáo. Không những vậy, vùng đất ngọc này còn được thiên nhiên ban tặng những loại khoáng sản quý hiếm.

Để tạo ra tác phẩm đẹp nghệ nhân phải tỷ mỷ từ khâu chọn đá thô. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN 

Lục Yên không chỉ nổi tiếng thế giới bởi những viên đá ruby, nơi đây còn được nhiều người biết đến có trữ lượng đá hoa trắng độc đáo. Đây là nguồn khoáng sản có thể sản xuất ra rất nhiều sản phẩm từ đá như bột đá CaCo3, đá Block được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Không những vậy, nơi đây còn hình thành những cơ sở chế tác đá mỹ nghệ độc đáo, không thua kém những làng nghề chế tác đá nổi tiếng trong nước.

 

Thợ đá Làng Chuông, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên (Yên Bái) đang chế tác lọ lục bình khổng lồ bằng đá hoa trắng. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN 

Từ những tảng đá hoa trắng to xù xì, dưới bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của mình, những người thợ đá Lục Yên đã chế tác ra những sản phẩm đồ đá mỹ nghệ độc đáo được khách hàng ưa chuộng và có mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài nước.

 

 Những lọ lục bình bằng đá hoa trăng đang được các thợ đá mài giũa, đánh bóng tỉ mẩn. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Nằm ngay cửa ngõ vào thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, làng Chuông, xã Tân Lĩnh, giờ đây đã trở thành một địa chỉ quen thuộc với nhiều thợ điêu khắc đá mỹ nghệ. Hơn 15 năm trước, nơi đây đã bắt đầu hình thành những cơ sở chế tác đá mỹ nghệ đầu tiên.

 

Thợ đá Làng Chuông, xã Tân Lĩnh chế tác bức phù điêu từ đá trắng. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN 

Là một trong những người đầu tiên “khai sinh” làng đá mỹ nghệ này, anh Lưu Đình Hoành gắn bó với nghề tạo tác đá hơn 15 năm, đã tạo ra hàng trăm bức tượng đá độc đáo, đầy đủ kích cỡ. Chia sẻ về câu chuyện nghề điêu khắc đá mỹ nghệ, anh Lưu Đình Hoành bộc bạch: Những sản phẩm đá mỹ nghệ được chế tác, đặc biệt là đồ tâm linh cần có đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo và tâm hồn thật trong sáng. Theo đó, người thợ cần có trình độ cao về nghề mới tạo ra những sản phẩm hội tụ tinh hoa để đưa vào đình chùa. Nghề này vừa là lao động nghệ thuật, vừa lao động chân tay và lao động trí tuệ mới tạo ra sản phẩm đẹp, để lại tuyệt tác cho đời.

 

 Bàn tay khéo léo cùng sự hỗ trợ của máy móc tạo nên những tác phẩm nghệ thuật từ đá. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ được xem là một nghề cực nhọc, từ khai thác, chọn đá đến chế tác. Những người thợ cần mẫn như con ong thợ không lúc nào ngơi tay để làm ra những con linh vật nhỏ xinh đến những bức tượng phật hay những linh vật to nặng tới vài tấn, cao tới vài mét. Đây là sự tinh hoa kết hợp giữa lao động cơ bắp và lao động nghệ thuật, phải có con mắt nghệ sỹ thực thụ mới nhìn ra được tác phẩm trong từng khối đá thô ráp.

 Các sản phẩm đá mỹ nghệ được trưng bày tại cửa hàng của anh Nguyễn Vương Tú tại tổ 17, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Bên cạnh sức người, giờ đây dưới sự hỗ trợ của máy móc từ cách tạo hình khối đến tạo phôi, đục đẽo các chi tiết không phải tốn sức nhiều, phần lớn thời gian được dành cho sáng tạo ra sản phẩm. Tuy nhiên, để làm ra một sản phẩm nghệ thuật, những người thợ ở đây đều phải trải qua nhiều công đoạn với niềm đam mê, óc sáng tạo và rèn luyện nhiều năm mới có thể làm được. Từ công đoạn vẽ phác thảo trên đá, tạo hình khối tới đục thô, đục tinh và đánh bóng hoàn thiện sản phẩm; trong đó khâu đục tinh đều do những người thợ lâu năm đảm nhiệm, bởi những đường nét tinh xảo, cân đối hay thần thái bức tượng có thành công hay không đều đặt vào con mắt thẩm mỹ và bàn tay khéo léo của người thợ đá.

 

 Từ viên đá thô ráp, tác phẩm rồng được hoàn thiện đầy tinh tế. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Anh Trần Văn Định, một thợ chế tác đá mỹ nghệ tại Làng Chuông, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, chia sẻ về cách làm ra một tác phẩm điêu khắc đẹp: “Khi chế tác, cần tập trung, thổi hồn vào khối đá thì mới ra sản phẩm tốt, như ý được. Những người thợ như tôi luôn mong muốn tạo ra những sản phẩm được khách hàng cảm thấy hài lòng đón nhận, thấy được vẻ đẹp nghệ thuật và chất lượng”.

 


 Mẫu tượng phật được nhiều khách hàng lựa chọn. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Có thể nói, mỗi tác phẩm điêu khắc là một thành quả lao động kỳ công của những bàn tay tài hoa và cần mẫn. Từng mũi khoan, nét đục đẽo của những nghệ nhân đều thể hiện tình yêu nghề và niềm say mê với những tảng đá vô tri, để có thể tạo ra những tác phẩm có giá trị nhất, giữ vững và phát huy nét đẹp của làng nghề.

 


 Một bức tượng phật được chế tác từ đá hoa trắng. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Ngắm nhìn những sản phẩm đá mỹ nghệ được trưng bày tại các cửa hàng trên địa bàn thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, ai cũng nhận thấy chất lượng, mẫu mã, độ tinh xảo ngày càng được nâng cao, không kém gì những sản phẩm điêu khắc đến từ các làng nghề nổi tiếng trong nước. Không chỉ có khách hàng ở gần, khách hàng ở phương xa cũng tìm đến những cơ sở chế tác đá này để đặt hàng bởi sản phẩm làm ra rất phong phú, đa dạng, hình thức lại đẹp, đặc biệt phù hợp với thị hiếu của nhiều khách hàng.

 

 Những viên đá quý lung linh sắc màu bày bán tại chợ. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Anh Nguyễn Vương Tú, chủ cửa hàng đá mỹ nghệ, tổ 17, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, cho biết trước đây các thợ chế tác đá tại huyện rất ít, một số có tay nghề giỏi thì đi làm ở các vùng miền khác. Sau này, Lục Yên phát triển nghề chế tác đá, các sản phẩm đá mỹ nghệ được bày bán ở cửa hàng đều là sản phẩm của những người thợ chế tác đá tại địa phương.

Nhiều sản phẩm đá mỹ nghệ, từ đá quý, đá bán quý đến đá trắng, dưới đôi bàn tay tài hoa và óc sáng tạo của những người thợ chế tác đá ở Lục Yên, đã thổi thêm sức sống tạo ra những sản phẩm đá mỹ nghệ độc đáo. Không ít sản phẩm đá mỹ nghệ đã được khách hàng lựa chọn sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, như trang sức, trang trí phong thủy, trưng bày, cũng như sắp đặt trong không gian kiến trúc sân vườn.

 

 Khách mua hàng kiểm tra chất lượng sản phẩm đá quý Lục Yên. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, huyện Lục Yên, cho biết tại Lục Yên hiện có trên 40 cơ sở chế tác đá mỹ nghệ, những cơ sở này nằm quanh các mỏ đá trắng như: Liễu Đô, Tân Lĩnh, Yên Thắng, thị trấn Yên Thế và dọc Quốc lộ 70. Thực hiện xây dựng nông thôn mới, huyện Lục Yên rất quan tâm tới việc xây dựng, phát triển các làng nghề, nhằm phát huy thế mạnh của địa phương như: Chế tác đá mỹ nghệ, làm tranh đá quý. Đặc biệt, nghề chế tác đá mỹ nghệ còn mang lại cho người dân địa phương một nguồn thu đáng kể, nhất là giải quyết được nhiều lao động cho vùng nông thôn.

Với sự đa dạng về chủng loại, mẫu mã, màu sắc, đá mỹ nghệ ở vùng đất ngọc này đã và đang hấp dẫn, thu hút được nhiều khách hàng trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm, góp phần giúp địa danh Lục Yên được biết đến là một trong những nơi có sản phẩm đá quý, đá mỹ nghệ độc đáo nhất ở Việt Nam.


Việt Dũngdantocmiennui.vn