Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa - Điểm nhấn văn hoá tâm linh đất Tổ

29/07/2019 09:53:00 AM
Phục dựng Lễ hội Vua Hùng dậy dân cấy lúa vừa bảo tồn được di sản truyền thống của tiền nhân, đồng thời góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa của người dân.

Từ truyền thuyết xưa…

Phú Thọ được biết tới là mảnh đất thiêng liêng cội nguồn của dân tộc Việt Nam với hàng ngàn năm lịch sử, là mảnh đất gắn liền với huyền thoại về dòng giống Tiên Rồng của dân tộc Việt Nam cũng như lịch sử dựng và giữ nước. Đây cũng là nơi khởi đầu cho nền văn minh nông nghiệp từ thuở bình minh dựng nước của dân tộc ta. Một trong những truyền thuyết về thời đại Hùng Vương gắn với vùng đất khởi thủy của nghề nông đó là câu chuyện Vua Hùng về dạy dân cấy lúa tại Đồng Lú, thuộc làng Minh Nông (nay là phường Minh Nông), thành phố Việt Trì.
Tương truyền từ xa xưa, các vùng đất bãi ven sông hằng năm được phù sa bồi tụ màu mỡ, Vua Hùng thấy đất tốt mới gọi dân đến bảo cách đắp bờ giữ nước, gieo mạ rồi đem lúa cấy vào ruộng có nước. Lúc đầu dân không biết cấy, Vua Hùng nhổ mạ, lội xuống cấy cho dân xem và làm theo. Nhớ ơn Vua Hùng, nhân dân đã tôn Vua làm ông tổ nghề nông, thường gọi là Thần Nông và dựng đàn Tịch Điền quay lưng về hướng Tây Nam, nơi xưa kia Vua đã dạy dân cấy lúa. Hằng năm, vào dịp đầu xuân mới, nhân dân địa phương lại tổ chức thực hành tín ngưỡng và sinh hoạt lễ hội để tưởng nhớ ơn Vua.

Cũng vào triều đại Hùng Vương, nhà vua cho lập đàn cầu cúng bên bờ Đồng Lú, quan niệm chòm sao đó là ông Thần Nông ở trên trời hộ mệnh cho cây lúa. Vua lấy ngày mồng 1 tháng Giêng làm lễ cầu ở đàn Tịch Điền và mở đầu vụ cấy. Sau khi triều đại Hùng Vương kết thúc, nhân dân làng Lú tiếp tục duy trì tín ngưỡng thờ Thần Nông. Về sau, do nhu cầu lương thực tăng lên, dân làng Lú làm thêm vụ lúa mùa, cũng cầu Thần Nông ở đàn này và làm hèm Vua Hùng dạy dân cấy lúa vào ngày mồng 1 tháng 6 âm lịch.

 Lễ hội được tái hiện mỗi dịp Giỗ tổ Hùng Vương

Theo tục lệ, khoảng 9 giờ sáng, tất cả các quan viên chức sắc và dân làng đến tập trung tại khu vực đàn thần Nông, chuẩn bị vào tế thì chiêng trống nổi lên. Dân làng chọn cử một cụ cao niên, khỏe mạnh, thạo nghề nông nghiệp, gia đình phong quang, song toàn, hòa thuận làm chủ tế đồng chủ điền. Tế thần Nông tại đàn xây trên khu ruộng tịch điền. Lễ vật gồm: Xôi, gà, trầu cau, hương, hoa, rượu… vài bó mạ và 1 cây nêu. Sau khi nổi 3 hồi trống, chiêng, ông chủ tế vái Thần Nông và đọc bài văn cúng. Nội dung bài văn cúng nói lên công đức của Vua Hùng đã dạy dân nghề làm ruộng, cầu mong Thần Nông cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân khang vật thịnh… Tế xong thì làm lễ xuống đồng. Ông chủ tế kiêm chủ điền (đóng vai tượng trưng cho Vua Hùng) ra ruộng cấy lúa. Ông chủ điền lội xuống ruộng cấy bó mạ xong thì lên bờ. Dân làng cùng nhau ùa xuống cấy tiếp trong không khí náo nhiệt, vui vẻ với mong muốn người người thạo việc, mùa màng bội thu. Cấy xong thửa ruộng, dân làng cùng ông chủ tế làm lễ tạ Thần Nông rồi về đình làm lễ tạ thành hoàng, tới đây lễ hội kết thúc.

… đến việc phục dựng lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa

Hiện nay, dấu tích vật chất gắn với không gian thực hành lễ hội truyền thống trước đây vẫn còn tại ba khoảnh đất, nơi có đền Thượng (đầu xóm Giải Làng) thờ Cao Sơn đại vương; đền Trung (ở giữa xóm Giải Làng) thờ Ngọc Cảnh đại vương và đền Hạ (ở cuối xóm Giải Làng) thờ Nàng Nội - một nữ tướng thời Hai Bà Trưng. Trong phạm vi không gian đền Thượng, người dân xây dựng một ngôi chùa thờ Phật và thờ các nhân vật khác được dân làng tôn vinh, thờ phụng. Cách 3 ngôi đền khoảng 1km là đàn tế Vua, hay còn gọi là đàn Tịch Điền, được đặt trên khoảnh đất vua Hùng đến dạy dân cấy lúa năm xưa. Đây cũng là trung tâm tế lễ hàng năm của người dân làng Minh Nông khi mỗi kỳ bắt đầu thời vụ.

Lễ hội tại Kẻ Lú (Minh Nông) xưa thường được tổ chức hai kỳ trong một năm. Mỗi kỳ lễ hội đều được khai hội vào ngày đầu thời vụ cấy cày (ngày mùng 1 các tháng 6 và 11 âm lịch hàng năm). Từ 1945 trở về trước, đây là lễ hội thường niên vào loại có tiếng khắp vùng Hạc Trì. Sau mấy chục năm gián đoạn, chính quyền và nhân dân Minh Nông đã tiến hành phục dựng vào năm 1993 và năm 2000 tuy nhiên sau đó do nhiều nguyên nhân nên không được tổ chức tiếp.

Trước thực trạng nghi lễ và diễn xướng dân gian của lễ hội đang dần bị mai một, không gian văn hóa và tổ chức lễ hội dần mất đi, người nắm giữ các nghi lễ, kinh nghiệm tổ chức lễ hội không còn nên việc khôi phục lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa là rất cần thiết nhằm góp phần bảo tồn được di sản truyền thống của tiền nhân và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa của người dân.

Việc nghiên cứu và phục dựng lễ hội được chính quyền địa phương và thành phố Việt Trì tiến hành dựa trên cơ sở: Khảo sát, nghiên cứu thu thập tài liệu tại khu vực dân cư thuộc phường Minh Nông và các vùng phụ cận thuộc thành phố Việt Trì liên quan đến sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và lễ hội tại địa phương; Sưu tập, biên dịch các hệ thống văn bia, thần tích, thần phả và câu đối,… tại các di tích lịch sử văn hóa liên quan đến không gian thực hành lễ hội tại phường Minh Nông và các địa phương có lễ hội tương đồng thuộc thành phố Việt Trì. Sau nhiều năm nghiên cứu, lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa đã được UBND tỉnh Phú Thọ cho phép phục hồi lại vào đầu xuân Mậu Tuất (năm 2018). Nghi thức tế lễ, địa điểm tổ chức vẫn như cổ truyền, nhưng thời gian lui lại vào ngày 14, 15 tháng Giêng (chính hội là ngày 15 tháng Giêng) hàng năm.

Lễ hội được tổ chức đã thể hiện được hình thái văn hoá truyền thống với sự trang nghiêm, trọng thể, linh thiêng nhằm biểu thị tinh thần tôn kính của cộng đồng cư dân đối với các Vua Hùng cùng các bậc tiền nhân đã có công với nước với dân; đồng thời thể hiện được bản sắc văn hoá truyền thống của lễ hội vùng Hạc Trì. Đây cũng là sự khởi đầu cho chuỗi các hoạt động gắn với màu sắc linh thiêng của Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, tạo nên điểm nhấn văn hóa tâm linh cho thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc.

Ths. Bùi Thị Huyền/ langviettonlien.vn