Lên bản Sì Chooang xem người Dao đỏ kéo vợ

29/07/2020 11:05:00 AM
Ít người biết rằng, bản Sì Chooang ở xã Vàng Ma Chải (huyện Phong Thổ - Lai Châu) heo hút, biệt lập này còn lưu giữ nhiều tập tục kỳ lạ, huyền bí của tộc người Dao đỏ, trong đó có tục kéo vợ vào mùa Xuân là hội đông vui nhất, nô nức nhất, huyên náo cả một vùng biên cương ải Bắc.

 Khi kéo vợ, các cô gái thường thẹn thùng ra vẻ chống đối, còn các chàng trai thường thể hiện sự mạnh mẽ, dứt khoát để sau này có thể trở thành trụ cột trong gia đình

Nếu nhìn trên Bản đồ Việt Nam, địa danh xã Vàng Ma Chải là điểm cực Bắc của tỉnh Lai Châu. Cánh bộ đội biên phòng, giáo viên cắm bản của tỉnh miền biên viễn hay ví von địa danh này với cái tên “Vàng mắt phải” bởi đi đến được điểm cực bắc này phải băng qua địa danh nổi tiếng “ruồi vàng, bọ chó vùng Phong Thổ”, rồi ngược con dốc Dào San có độ cao 1600m, băng qua xứ lạnh mây mù quanh năm Mù Sang, rồi lại thụt xuống thung sâu Ma Li Chải, rồi lại ngược con dốc yên ngựa Mồ Sì San mới đến bản Sì Chooang xã Vàng Ma Chải thì cũng “vàng cả mắt” thật.
Nghe cánh bộ đội biên phòng về thủ phủ tỉnh Lai Châu kháo nhau, chúng tôi hành quân trong cái lạnh cắt da qua những cung núi của 8 xã biên giới khu vực Dào San, huyện Phong Thổ, đến bản Sì Chooang của xã Vàng Ma Chải để mục sở thị tục kéo vợ kỳ lạ và độc đáo của người Dao đỏ miền biên viễn.

“ÔNG TƠ, BÀ NGUYỆT” CỦA TRAI NGHÈO

Đến bản Sì Chooang hỏi chuyện ông thầy cúng Tẩn Phủ Nhiêu thì ông khề khà: “Từ xa xưa, người Dao đỏ ở Vàng Ma Chải có cái tục lệ, chàng trai muốn đến xin cưới người mình yêu để làm vợ phải nộp cho nhà gái và dân bản 70 đồng bạc trắng, 70 vò rượu và 2 con lợn”. Ông Nhiêu cho biết, số lễ vật này tương đương với một gia tài lớn mà một đời người làm lụng vất vả cũng không thể làm ra. Nếu chàng trai không nộp đủ số lễ vật trong đám cưới sẽ bị quan lang và dân bản bắt vạ, phải đi làm nô lệ, phục dịch nhà lang đến hết đời”.

Chính vì tục lệ này, nhiều đôi trai gái người Dao đỏ vùng Vàng Ma Chải phải lòng nhau nhưng không thành vợ thành chồng, truyền đời thành những bài ca ai oán, những chuyện cổ buồn còn lưu truyền đến tận bây giờ.

Nâng chén rượu ngô vui Xuân với khách phương xa, ông Nhiêu kể tiếp câu chuyện huyền sử của người Dao đỏ: Cũng tự xa xưa, người Dao đỏ lại lưu truyền một câu chuyện cổ tích rằng, có chàng trai nghèo người Dao đỏ ở Vàng Ma Chải đem lòng yêu con gái quan lang trong vùng. Đôi trai gái thề non hẹn biển rủ nhau đi trốn lên đỉnh núi Sì Lở Lầu (theo nghĩa tiếng Dao đỏ là nơi cao nhất của 13 tầng dốc núi, là nơi Bàn Vương (thần linh) của người Dao sinh sống). Đôi trai gái băng qua những thung núi sâu hun hút, những ngọn núi cao vút lởm chởm đá tai mèo thì đến đỉnh Sì Lở Lầu thì được Bàn Vương báo mộng, dạy cho cách kéo vợ, để lách luật lệ của nhà lang và dân bản.

 Các chàng trai, cô gái người Dao thường hẹn hò ở nương, ruộng để tiến hành cuộc kéo vợ

Từ đó, người Dao đỏ vùng Vàng Ma Chải hình thành tục kéo vợ ngày Xuân. Ông Nhiêu cho biết thêm, người Dao đỏ chỉ kéo vợ vào mùa Xuân. Những đám kéo rầm rộ nhất là bắt đầu từ ngày mùng 1 Tết âm lịch đến hết Rằm tháng Giêng. Kéo vợ ngày Tết thì không bị bắt vạ. Thủ tục kéo vợ cũng rất đơn giản. Những đôi trai gái phải lòng nhau rồi chỉ việc hẹn hò ở trên rừng, rồi chàng trai nhờ một vài người bạn lên điểm hẹn kéo về nhà mình. Theo phong tục, khi chàng trai kéo thì cô gái phải chống đối, càng chống đối thì gia đình sau này càng có nhiều con cái và hạnh phúc. Khi đám kéo vợ chỉ cần một người trong bản nhìn thấy rồi loan tin cho cả bản biết thì trong quan niệm của người Dao đỏ, đôi trai gái đó đã nên vợ nên chồng.

Cũng trong bữa cơm đầu Xuân tại nhà thầy cúng Tẩn Phủ Nhiêu, có ông Tẩn Kim Vần là già bản Sì Chooang cũng khẳng định tục lệ này. Ông cho biết, từ khi ông lớn lên thì tục kéo vợ đã có rồi. Những chàng trai ở Vàng Ma Chải không ai là không đi kéo vợ. Bây giờ sau khi kéo cô gái về nhà 3 ngày rồi hỏi xem có đồng ý làm vợ mình không, nếu cô gái đồng ý thì chỉ việc mang con gà, chai rượu sang nhà bố mẹ vợ báo cáo rồi làm thủ tục đăng ký kết hôn. Còn nếu 3 ngày sau cô gái không đồng ý thì chàng trai phải thả cô gái về rồi đợi mùa Xuân năm sau đi kéo tiếp.

Ông Vần đã 82 tuổi và ông đi kéo vợ từ năm 19 tuổi, nhưng ông mới tổ chức đám cưới cho mình cách đây 10 năm. Tục lệ của người Dao đỏ ở Vàng Ma Chải quy định rằng, sau khi kéo cô gái về nhà thì nghiễm nhiên đôi trai gái đó đã nên vợ, thành chồng. Họ có thể sống với nhau, sinh con đẻ cái làm ăn đến khi của cái dư thừa rồi mới tổ chức đám cưới. Tục kéo vợ được người Dao đỏ ví như “ông tơ, bà nguyệt” để se duyên hạnh phúc cho đôi lứa.

HỘI KÉO VỢ MÙA XUÂN

Đêm ở bản Sì Chooang đậm đặc mây mù, và câu chuyện kể về những tập tục của người Dao đỏ nơi đây của thầy cúng Tẩn Phủ Nhiêu cũng đậm đặc màu huyền bí. Sáng hôm sau, đúng ngày Rằm tháng Giêng là ngày cuối cùng có thể tổ chức kéo vợ theo luật tục của người Dao đỏ. Theo chân chàng trai Tân Kim Hùng, con trai út của ông thầy cúng Tẩn Phủ Nhiêu lên rừng tìm bạn kéo thì thấy khắp bản Sì Chooang đông vui như ngày hội. Các chàng trai thì nô nức tìm bạn để kéo, dân bản thì mặc trang phục truyền thống rực rỡ ra đầu bản để chứng kiến những đám kéo của con em bản mình. Tẩn Kim Hùng cho biết: “Từ Tết đến giờ em bận giúp bạn kéo vợ, đếm hôm nay bạn bè mới giúp em đi kéo người yêu về làm vợ”.

  Chàng trai có thể một mình kéo người mình thương, hoặc có thể nhờ bạn bè giúp sức.

Người yêu của Hùng đang túm tụm cùng bạn bè trang lứa dưới tán rừng, nét mặt đỏ ửng. Hùng nhanh tay nắm lấy tay bạn gái rồi cùng với hai bạn trai khác kéo về đầu bản giữa tiếng hò reo của bà con trong khi cô bạn gái ra vẻ “quyết liệt” chống đối. Khi đưa bạn gái về đến nhà mình giao cho bố là ông Tẩn Phủ Nhiêu, Hùng mới hả hê khoe: “Bạn gái em “chống đối” quyết liệt lắm! Chắc sau này sẽ sinh nhiều con cái khỏe mạnh và sẽ hạnh phúc. Em phải mang rượu với gà sang chào bố mẹ vợ đây”.

Khi Hùng đi khỏi nhà thì ngay đầu bản lại huyên náo, bà con Dao đỏ đang cổ vũ cho một đám kéo vợ khác. Ông Tẩn Phủ Nhiêu cười khoe: “Không tính những đám kéo vợ mấy ngày trước, ngày Rằm hôm nay còn phải có 7 đám kéo vợ nữa. Những đôi trai gái nào trong bản Sì Chooang này “phải lòng nhau” dân bản chúng tôi đều đếm được hết. Ngày Rằm này phải kéo hết không thì phải đợi mùa Xuân sang năm”.

Khi những khối mù ập xuống thung lũng Vàng Ma Chải, trời tắt nắng thì đâu đó trên tán rừng đầu bản vẫn còn tiếng gọi bạn, tiếng người cổ vũ, tiếng bước chân thình thịch của những đám kéo vợ cuối cùng. Nâng chén rượu ngô thơm lừng đầu Xuân, ông Nhiêu móm mém hỏi: “Chú có thấy ngày hội kéo vợ ở quê ta vui không?”. Chén rượu ngô ngày Tết se lưỡi thơm lạ, lạ như chính cái phong tục kéo vợ đầy tính nhân văn của người Dao đỏ ở vùng sơn cước này.

Bài và ảnh: Trịnh Thông Thiện