Nét đẹp cội nguồn độc đáo văn hóa núi cao ở người Mảng

07/10/2019 09:16:00 AM
Mảng là tộc danh do đồng bào tự đặt cho mình, một cộng đồng dân cư sinh sống ở thượng nguồn sông Đà trên địa bàn Lai Châu, Điện Biên của Tây Bắc bao la hùng vỹ. Tuy số dân chưa đầy 3 ngàn người, nhưng dân tộc Mảng lại mang trên mình những nét đẹp nguồn cội, bản địa độc đáo văn hóa núi cao.

Đồng bào Mảng ăn mừng lễ vào nhà mới . Ảnh: Phạm Lự 

Người Mảng cư trú theo dòng họ theo dạng cố kết cộng động làng bản. Mỗi điểm dân cư thường là vài chục hộ gia đình thân tộc gần gũi. Trong thế giới thần linh, bà con coi trời là đấng tối cao sáng tạo ra con người và vũ trụ. Tầng dưới là thế giới thần linh siêu nhiên mà mọi lễ hội con người phải cúng bái. Tầng mặt đất là thế giới của người sống và người chết trú ngụ. Tầng dưới đất là thế giới của những chú lùn tí hon, một xã hội bí ẩn cổ tích trong sự tưởng tượng kỳ diệu của con người.

Bắt nguồn từ những yếu tố tôn giáo sơ khai, người Mảng có quan niệm truyền thống về thế giới tâm linh độc đáo. Nơi đâu cũng có yếu tố siêu nhiên đó là ma dòng họ, ma nhà, ma núi, ma sông suối, ma bến nước, ma mặt trăng, ma mặt trời… các đấng siêu nhiên này là đức tin, yếu tố phù hộ con người đồng thời cũng thử thách con người trong cuộc sống khi họ phải vượt qua số phận và cảnh ngộ. Ma nhà, ma dòng họ có vị trí đặc biệt kết nối theo sát tình chồng vợ với các thành viên gia đình và huyết thống vì thế được bà con chăm lo, thờ cúng, lấy đó làm mực thước để răn dạy.

Người Mảng có 5 dòng họ, mỗi dòng họ lấy một con vật để cầm tinh làm vật tổ tô tem theo tín ngưỡng cổ truyền. Các lễ nghi nông nghiệp tập trung nhất là thờ cúng hồn lúa vào dịp thu hoạch mùa vụ hàng năm. Lễ hội này người phụ nữ có vai trò to lớn thể hiện dưới hình thức mẹ lúa được tôn vinh chủ tế, chủ lễ. Mùa gieo hạt và mùa gặt hái, cộng đồng Mảng chung vui trò chơi, hát, đối đáp ma nữ kéo dài suốt ngày đêm không dứt cuộc. Dịp này, các bậc cao niên thường kể sử thi Soỏng Muảng nói về chia đất của cộng đồng Mảng. Các nhạc cụ chiêng, đàn một dây, sáo, khèn cũng được nam thanh nữ tú phô diễn bộc lộ những nét tinh túy văn hóa Mảng trong lễ hội cộng đồng.

Đám cưới người Mảng tổ chức dung dị nhưng đề cao người vợ và đấng sinh thành của vợ. Sau khi ăn uống chúc mừng lễ cưới nhất thiết phải có trò diễn nhà trai, nhà gái giả vờ đánh nhau tranh giành cô dâu. Nhà trai muốn giữ, nhà gái muốn cướp dâu về. Tục lệ này gắn với truyền thống cướp vợ bản địa lâu đời của cư dân vùng núi cao Tây Bắc.

Điều mà cộng đồng các dân tộc Tây Bắc khâm phục ở người Mảng là khả năng đan lát mây tre. Nghề thủ công truyền thống này của người Mảng phát triển đạt đến trình độ tinh xảo khi đan lát vật dụng trong nhà. Với những sợi mây, nan giang được chẻ vót khéo léo tài tình họ đã đan thành những dụng cụ độc đáo. Nổi bật nhất là chiếc bem đựng quần áo vải vóc, cất giữ trang sức, trang phục quý hiếm. Sản phẩm này rất tiêu biểu về kỹ thuật mỹ thuật tạo hoa văn, đường nét tinh xảo, hài hòa được các dân tộc Mông, Dao, Tày, Thái trong vùng rất ưa dùng. Sản phẩm đan lát là thước đo bàn tay tài khéo của người đàn ông Mảng khi mà sản phẩm dệt chỉ thuộc về sở hữu của người đàn bà Mảng.

Sống ở vùng núi cao xa xôi tận nguồn sông ngọn suối, nhưng đồng bào Mảng vẫn giữ được nét đẹp bản sắc truyền thống quý giá của dân tộc mình. Đó cũng chính là sức mạnh tinh thần để cố kết cộng đồng, đoàn kết dân tộc góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước trên miền đất địa đầu phía Tây Bắc của Tổ quốc.

Ngô Quang Hưng/ langvietonline.vn