Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ

02/02/2019 10:00:00 AM
Đờn ca tài tử là nghệ thuật của đờn (đàn) và ca, do những người bình dân, thanh niên nông thôn Nam bộ hát sau những giờ lao động. Năm 2013, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của Việt Nam, được hình thành và phát triển từ cuối thế kỉ 19. Đờn ca tài tử Nam bộ xuất xứ từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian; chữ “tài tử” có nghĩa là người chơi nhạc có biệt tài, giỏi về cổ nhạc; lúc đầu chỉ có đờn, sau xuất hiện thêm hình thức ca nên gọi là đờn ca.

 Biểu diễn Đờn ca tài tử trên sông

Đờn ca tài tử là loại hình diễn tấu có ban nhạc chơi 4 loại nhạc cụ (gọi là tứ tuyệt), gồm: đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu; sau này có cách tân bằng cách thay thế đàn bầu (độc huyền cầm) bằng cây guitar phím lõm. Những người tham gia đờn ca tài tử thường là bạn bè, chòm xóm tập trung lại để cùng chia sẻ thú vui tao nhã, nên thường không câu nệ về trang phục. 

Đờn ca tài tử đã ăn sâu vào máu thịt của người dân Nam bộ. Tiếng đờn, tiếng ca được cất lên từ các sân khấu khác nhau, trong các lễ hội linh đình, trang trọng đến những không gian bình dân, dưới những gốc dừa hay trên những con đò… một cách rất ngẫu hứng. Tiếng đàn thể hiện tính cách, tâm tư của con người và thấm sâu vào cốt cách của nông dân Nam bộ. 

Trong Đờn ca tài tử ta thấy tình yêu quê hương, đất nước; tình yêu đôi lứa; tình phụ tử, mẫu tử thiêng liêng; tình bạn tri kỷ gắn bó; tình anh, em máu mủ ruột rà…; giữa ca từ và nhạc điệu, giữa người ca và người đờn như hòa quyện vào nhau.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã đáp ứng được các tiêu chí của UNESCO như: được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giáo dục chính thức và không chính thức tại khắp 21 tỉnh phía Nam; liên tục được tái tạo thông qua trao đổi văn hóa với các dân tộc khác nhau, thể hiện sự hoà hợp và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc.

Sau khi được UNESCO công nhận, loại hình nghệ thuật này tiếp tục lan tỏa trong đời sống đương đại. Các địa phương ở Nam Bộ từ cấp xã, phường, thị trấn đến cấp tỉnh, thành đang có nhiều cố gắng để bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Nhiều câu lạc bộ, nhóm sinh hoạt đờn ca tài tử được thành lập. Các cuộc thi, liên hoan đờn ca tài tử thường xuyên được tổ chức. Festival Đờn ca tài tử hiện được tổ chức luân phiên ở 21 tỉnh thành phía Nam, là sân chơi cho các tỉnh, thành giao lưu, trao đổi và học hỏi. Đờn ca tài tử còn gắn liền với phát triển du lịch, hầu hết các khu du lịch, khu sinh thái… đều có sinh hoạt Đờn ca tài tử. 

Ở Nam Bộ có những gia đình không những 1 thế hệ mà đến 3, 4 thế hệ đều tham gia sinh hoạt thể loại âm nhạc này, đây là nơi nuôi dưỡng bộ môn nghệ thuật Đờn ca tài tử từ đời này sang đời khác. 

Năm 2016, để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bộ tem “Đờn ca tài tử - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” được phát hành, giới thiệu nét đặc trưng văn hóa dân gian vùng sông nước Tây Nam bộ.

Thuận Minh

(tổng hợp)