Nghi lễ nghề nông của đồng bào Thổ

18/11/2019 09:13:00 AM
Người Thổ là cư dân bản địa mang nặng dấu ấn văn hóa Việt Mường xa xưa, được bảo tồn tới ngày nay. Nét độc đáo đậm đà bản sắc Thổ chính là tín ngưỡng dân gian về nghi lễ nông nghiệp.

 Tái hiện lễ bốc Mó của đồng bào Thổ tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (4/2017)

Lễ xuống giống cội nguồn của canh tác nương rẫy

Trong hệ thống quan niệm vạn vật hữu linh, người Thổ tồn tại bền vững tín ngưỡng thờ hồn lúa, vía lúa hay còn gọi là mẹ lúa. Coi cây lúa là loại cây trồng linh thiêng mang lại nguồn sống lớn nhất để cho con người tồn tại và phát triển.

Khi bông lúa ngả vàng óng ả trên nương, dưới ruộng, cũng là lúc người Thổ chọn lấy một vạt lúa trổ bông tốt nhất, hạt mẩy nhất ngắt dam ba bông đẹp nhất. Họ mang lúa về nhà coi đó là hồn vía của lúa là linh thiêng mẹ lúa treo cạnh bàn thờ gia tiên. Họ cho rằng hồn vía mẹ lúa trú ngụ nơi này sẽ giúp cho việc sinh sôi nảy nở của ruộng nương lúa mùa sau.

Người Thổ đặc biệt coi trọng lễ nghi xuống giống lúa, còn gọi là lễ tra hạt, lễ cầu mộm. Trước mùa gieo cấy người Thổ lựa chọn ngày tốt xuống giống. Bà con kiêng kỵ ngày gà, ngày chuột. Hai ngày này vía xấu mùa màng sẽ bị tàn phá, thất bát. Vào ngày tốt nhà nào cũng làm mâm cỗ đến đặt ở đám ruộng nương. Chủ nhà ngồi trước mâm, thầy mo thì cầu khấn bẩm báo với thổ địa cậy nhờ trông coi mùa vụ. Cúng xong thụ lộc tại ruộng nương và gieo trồng ngay vụ mới.

 Đồng bào Thổ coi cây lúa là cây trồng linh thiêng mang lại nguồn sống để con người tồn tại và phát triển


Đây là nghi thức cầu mùa, cầu cho trời đất mưa thuận gió hòa, ông bà tổ tiên phù hộ cây trồng tươi tốt mùa vụ bội thu. Tuy không rầm rộ như lễ hội xuống đồng, khai hạ Tày, Thái, Mường… nhưng truyền cảm hứng tới từng nóc nhà, từng vạt nương, mảnh ruộng.

Lễ báo ân, Tết cơm mới, nét cội nguồn văn hóa Thổ

Người Thổ có phong tục đẹp, sau mùa vụ, gia đình nào cũng làm lễ báo ân, trả ơn, trả nghĩa thần linh thổ địa ngự trị ruộng nương nhà mình. Nhà nào cũng mâm cao cỗ đầy dâng ra tận ruộng nương để cúng báo ân, trả ơn, trả lễ. Lời khấn bày tỏ lòng thành hàm ơn thần linh canh coi mùa lúa xua đuổi muông thú sâu bệnh làm cho cây lúa xanh tốt, vụ lúa bội thu. Cúng xong hóa vàng, gia chủ thụ lộc tại ruộng rẫy.

 Nét độc đáo đậm đà bản sắc Thổ chính là tín ngưỡng dân gian về nghi lễ nông nghiệp


Sau mùa vụ lễ cúng cơm mới tổ chức tại nhà. Đây là hình thức tín ngưỡng dân gian thờ cúng tổ tiên. Các gia đình chọn lấy thúng lúa ngon nhất mang đi xay giã dần sàng kỹ lưỡng. Số gạo đó được đồ xôi, thổi cơm làm vật cúng tế chính. Ngoài cơm gạo mới ra còn có gà, cá, vàng hương. Thầy mo cúng tế theo bài bản lễ tết cơm mới. Lời cúng ca ngợi công đức và mời tổ tiên ông bà cha mẹ đã khuất về ăn cơm mới phù hộ cho con cháu.

Tết cơm mới với người Thổ rất thiêng liêng bởi có ý nghĩa sâu sắc. Ngoài việc báo hiếu ra, tết cơm mới đánh dấu sự khép lại một chu kỳ sản xuất đã qua, đồng thời mở ra một chu kỳ mới với những khát khao mong ước may mắn thuận hòa, no đủ trọn vẹn cho gia đình và cộng đồng.

Tết cơm mới cũng là dịp xum họp gia đình dòng họ, tình làng nghĩa xóm làm phong phú thêm đời sống tình cảm, tinh thần của mỗi người, mỗi nhà. Đây cũng là dịp nhắc nhở cháu con không quên ơn nguồn cội, không quên bảo vệ rừng, đất rừng và thâm canh ruộng nương phù hợp với tập quán sản xuất truyền thống của người Thổ.

Ngô Quang Hưng/ langvietonline.vn