Những bàn tay phép thuật của người làng Vị Khê

21/08/2020 03:38:00 PM
Đứng trước những vườn cây cảnh, cây thế, bosai… trong làng cây cảnh Vị Khê (Xã Điền Xá, huyện Nam Trực, Nam Định) được uốn tỉa công phu, trở thành những công trình nghệ thuật tuyệt tác, nhiều người không khỏi trầm trồ bởi sức mạnh của đôi bàn tay có thể làm nên những điều kỳ diệu.

 Cây cảnh làng Vị Khê

Làng cổ giữ nghề cổ

Mỗi dịp đầu xuân năm mới, con cháu làng Vị Khê dù buôn đâu bán đâu cũng nhớ về quê ngày lễ hội của làng – từ ngày 12 - 16 tháng Giêng (Âm lịch), cũng là dịp tưởng nhớ ông tổ nghề trồng hoa, cây cảnh Tô Trung Từ. Đây cũng là người dân làng cổ bên bờ sông Hồng giới thiệu vẻ đẹp của làng cổ, tôn vinh nghề cổ được các thế hệ trong làng giữ gìn suốt hơn 8 thế kỷ qua.
Là một phần không thể thiếu để bày tỏ lòng thành kính của các bậc hậu sinh với tiền bối, dân làng nghiêm trang thực hiện các nghi lễ như tế nam quan, tế nữ quan và đặc biệt là tục rước phẩm vật và các tác phẩm cây cảnh đẹp để dâng hương kính tổ tại Đình Vị Khê. Còn phần hội thì không thể nào thiếu không gian trưng bày những loài hoa quý, những cây cảnh độc đáo của bà con trong làng. Không chỉ nhắc nhớ con cháu về công lao của cha ông, người làng Vị Khê còn xem đây là dịp để khoe tài, giới thiệu thành quả lao động trong suốt một năm tới bạn bè và du khách.

Ông Đặng Ngọc Rung, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nam Định cho biết, làng cây cảnh Vị Khê từng là nơi cung cấp hoa, cây cảnh cho các vua quan và quý tộc thời Trần. Ngày nay, đến làng Vị Khê, du khách sẽ được chủ vườn giới thiệu rất nhiều loại cây cảnh có giá trị và đã trở thành thương hiệu nổi tiếng cả một vùng đồng bằng Bắc Bộ, đó là giống cây vạn tuế (trong số 18 cây trồng trước lăng Bác, có tới 14 cây do các lão nghệ nhân làng Vị Khê đóng góp); đó là giống trà bạch, lan hạc đính – loài cây quý hiếm xưa thường mang tiến vua; đó là cây la hán, cây tùng, cây cần thăng mới lấy giống từ Châu Đốc ra; cây hồng vàng được mang về từ xứ sương mù Đà Lạt; hay hàng chục loại cây quen thuộc khác như đào, mai, mộc, ngọc lan, thông, cau dẻ…

Trong làng hiện còn lưu giữ bộ cây thế 300 năm tuổi, đã từng đoạt giải thưởng cung đình Huế. Từ làng Vị Khê, các loại cây cảnh, cây thế, cây bonsai được cung cấp cho các công viên, các khu du lịch, thành phố và xuất khẩu ra nước ngoài. Bởi thế, làng Vị Khê đã được phong tặng danh hiệu là một trong 5 làng nghề tiêu biểu của toàn quốc. Ở vùng đồng bằng nhưng người làng trồng lúa là nghề phụ, làm giàu nhờ nghề trồng hoa, cây cảnh, có năm mang lại nguồn thu hàng tỷ đồng cho bà con. Dân trong vùng còn gọi làng Vị Khê là làng tỷ phú, với gia tài là những cây quý trị giá bạc tỷ được nhiều người săn đón.

Tôn vinh sự sáng tạo

Với người làng Vị Khê, mỗi một cành cây, chậu hoa đều có thể trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị, được chăm chút, tỉa tót kỹ lưỡng. Nhờ khiếu thẩm mỹ, óc sáng tạo cùng công sức mà từ những gốc cây tưởng như vô tri, các nghệ nhân đã tạo tác được thành những thế cây độc đáo. Nhưng người chăm cây cảnh đều hiểu sự công phu của nghề không phải chỉ cần tài năng là đủ. Họ vừa phải chăm cây vừa phải uốn tạo thế, có khi ròng rã hàng năm, thậm chí 5, 6 năm năm mới hoàn thành một tác phẩm, bỏ vào đó không ít mồ hôi, tâm sức.

Không phụ lòng người, ở làng Vị Khê cũng có nhiều kỷ lục độc đáo, nổi tiếng. Anh Nguyễn Xuân Đức, một trong những nghệ nhân trẻ của làng đã từng góp một kỷ lục - tạo ra hình ảnh Khuê Văn Các bằng cây cảnh, có chiều cao 8 m, chiều rộng là 6 m để góp cùng với Hà Nội trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long. TS. Lê Văn Minh (Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch) từng ấn tượng với khung cảnh làng Vị Khê: “Từ trên bờ đê sông Hồng nhìn xuống, cả làng, nhà nào cũng trồng cây cảnh, cây thế. Nhiều nhất là các loại cây sanh, si, tùng la hán, vạn tuế, cau vua... được uốn tỉa chăm sóc công phu thành các dáng, thế, ẩn chứa quan niệm triết học phương Đông tạo nên sự kỳ thú hấp dẫn du khách; có cây còn được uốn tỉa thành hình những tháp nổi tiếng như tháp Effel, tháp Phổ Minh, hình chim đại bàng, chim công, chim phượng hoàng...”.

Không chỉ bắt mắt, trong mỗi tác phẩm còn toát ra được thần thái, được đặt tên như Long Giáng, Trực Quân tử, Bạt phong hồi đầu, Long Thăng, Song Thụ… Lang thang trong những khu vườn rộng cả nghìn mét vuông giống như vườn thượng uyển, các nghệ nhân Vị Khê sẽ giới thiệu về từng thế cây, đặc tính của từng loài cây. Trong mỗi câu chuyện đều giải thích nhiều về cái đẹp, những giá trị nhân văn cao đẹp, cũng như tình cảm của người trồng.

Cùng với đó, bàn tay sáng tạo của người làng Vị Khê còn sáng tạo thêm nhiều thế cây mang dáng dấp hiện đại bên cạnh những dấu ấn truyền thống để đáp ứng được nhu cầu thị hiếu người chơi, đồng thời cũng khẳng định thương hiệu của nghệ nhân đất Thành Nam. Anh Nguyễn Văn Giang, một nghệ nhân trong làng chia sẻ, hiện nay nhu cầu làm đẹp từ cây xanh ở các khu đô thị, văn phòng, chung cư rất lớn. Người làng còn mở rộng nghề trồng cây cảnh, trồng hoa để thiết kế những vườn treo tường, giữ những giống hồng leo cổ hay lai tạo giống mới để trồng trong ban công chung cư, tạo ra những cây bonsai nhỏ để trong văn phòng…

Bảo Châu/ langvietonline.vn