Giải đáp về việc bồi hoàn chi phí đào tạo cho Nhà nước khi ra nước ngoài học tập, làm việc mà sau khi kết thúc không về nước hoặc về nước không đúng hạn

30/05/2008 07:50:33 AM
Hỏi: Tôi học đại học ở Đức trước năm 1970, hiện đã 60 tuổi. Tôi làm việc trong nước được 15 năm, sau đó đi quản lý lao động và làm việc tại Đức đến nay là trên 20 năm. Nay chuẩn bị nghỉ hưu và xin thôi Quốc tịch VN thì có phải nộp tiền bồi hoàn chi phí đào tạo không? Mức bồi hoàn là bao nhiêu? Có trường hợp nào được giảm, miễn chi phí bồi hoàn không (nhất là những đối tượng lao động chân chính nay đã già nghỉ hưu, ốm đau bệnh tật mãn tính...)? Mong nhận được giải đáp của quý báo! Xin trân trọng cảm ơn!

Trả lời:

­­Liên quan đến vấn đề mà bác nêu trên đây, Thông tư liên tịch số 75/2000/TTLT/BTC-GDĐT của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 20/07/2000 quy định: Kể từ năm 1999 trở đi, các cán bộ, công chức theo quy định tại Pháp lệnh cán bộ, công chức; các đối tượng được cử đi đào tạo theo các hình thức: học nghề, thực tập sinh, bồi dưỡng nâng cao trình độ tại nước ngoài do Nhà nước đảm bảo kinh phí hoặc được phía nước ngoài đài thọ theo Hiệp định và Thoả thuận với nước ta, sau khi kết thúc khoá học mà không về nước hoặc về nước không đúng hạn phải bồi hoàn một phần hay toàn bộ chi phí có liên quan đến quá trình đào tạo.

Đối tượng được xem xét miễn bồi hoàn chi phí đào tạo là những người về nước đúng hạn nhưng do các lý do khách quan do cơ quan, tổ chức chưa bố trí được việc làm hoặc do đơn vị sáp nhập, giải thể... phải chuyển công tác ngoài ý muốn. Đối tượng được xem xét giảm chi phí đào tạo là những trường hợp người đi học thuộc đối tượng chính sách hoặc gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (có xác nhận của chính quyền địa phương) có thể làm đơn xin giảm mức bồi hoàn, thông qua Hội đồng xét bồi thường của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Căn cứ để tính bồi hoàn kinh phí đào tạo như sau: Chi phí đào tạo do Nhà nước Việt Nam (hoặc các cơ quan, tổ chức của Việt Nam) phải trả cho phía nước ngoài hoặc chi phí đào tạo do phía nước ngoài đài thọ theo Hiệp định đã ký kết. Cụ thể là: Chi phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trong nước trong thời gian học tập tại trường và cơ sở đào tạo theo định mức chi đào tạo do Bộ Tài chính ban hành qua từng năm; Tiền vé máy bay đi về do nhà nước Việt Nam hoặc phía nước ngoài đài thọ; Tổng số học bổng do nhà nước Việt Nam hoặc phía nước ngoài đài thọ; Phụ cấp ngành nghề đặc biệt (nếu được cấp); Chi phí xuất, nhập cảnh đi học và các chi phí khác (nếu có).

Mức bồi hoàn: 100% tổng chi phí đào tạo nêu trên. Trường hợp được xét giảm thì mức giảm tối đa là 50% số tiền phải bồi hoàn.

Tuy nhiên, đối chiếu quy định trên đây với trường hợp của bác, theo dữ kiện bác nêu, bác đã học tập ở Đức trước năm 1970 và đã làm việc trong nước 15 năm thì không phải là đối tượng phải bồi thường phí đào tạo.

Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
Số 8, ngõ 7, phố Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội