Chùa Linh Ẩn nơi lưu giữ nhiều kỷ lục ở miền cao nguyên

18/03/2021 09:43:00 AM
Cách trung tâm Đà Lạt khoảng 30km, chùa Linh Ẩn (Linh Ẩn Tự) tọa lạc ở thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng là một trong những ngôi chùa linh thiêng, thu hút khách du lịch ghé thăm mỗi khi có dịp đến với phố núi.

 Tượng Phật Di Lặc cao hơn 12,5m (Ảnh: IG @orangemuine)

Để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân Hà Nội vào Lâm Hà (Lâm Đồng) xây dựng vùng kinh tế mới, trụ trì Thích Tâm Vị đã xây dựng ngôi chùa này. Trước kia, chùa mang quy mô nhỏ, đến năm 1999, chùa đã được tu sửa lại và đổi tên từ Niệm Phật Đường thành Linh Ẩn Tự.

Chùa Linh Ẩn được ví như Thiền Viện Trúc Lâm thứ hai của Đà Lạt, được khởi công từ năm 1993 trên diện tích khoảng 4ha. Chùa nằm trên một ngọn đồi cao, hướng về phía thác Voi. Địa thế của chùa Linh Ẩn được xem là “toạ sơn ngoạ thuỷ”, với những rừng thông bao quanh, trước mặt là thác Voi. Bước vào cổng chùa ta sẽ cảm nhận được sự bình yên, thanh tịnh ở chốn thiền môn và sự giao thoa giữa vẻ đẹp trang nghiêm của chốn chùa chiền cùng với một không gian rừng núi đầy hoang sơ, hùng vĩ.

Bước vào cổng chùa, ấn tượng đầu tiên chính là khoảng sân rộng rãi. Trên sân trồng cây cảnh đều nhau giúp cho sân không bị trống trải. Phía cuối sân chính là chánh điện, công trình nổi bật tại Linh Ẩn Tự. Tòa chánh điện được xây dựng vào năm 1999 với diện tích trên 1400m2. Tòa chánh điện có phần mái hai tầng được uốn cong và lợp ngói đỏ như các kiến trúc chùa truyền thống, tạo nên nét ấn tượng trong kiến trúc của chùa. Trước sân là pho tượng Quan Âm được xây dựng vào năm 1994. Hai bên là cặp rồng, được đúc bằng xi măng dài hơn 20m. Bên trong chánh điện là không gian thờ 5 vị Phật gồm Phật Thích Ca, Phật Di Đà, Phật Dược Sư được đặt ở chính diện, bên trái là Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn và bên phải là tượng Phật Chuẩn Đề. Cả 5 tượng Phật đều được khắc trổ tinh xảo và đẹp mắt, mang đến một không gian thờ tự linh thiêng.

Khi ghé chùa, du khách cũng không nên bỏ lỡ 2 điểm độc đáo bậc nhất. Đó chính là: tượng Di Lặc và tượng Quan Âm. Tượng Di Lặc được xây dựng cao 12,5m, rộng 6,5m, bề ngang lên tới 9m. Theo quan niệm dân gian xưa, người ta tin rằng Phật Di Lặc là biểu tượng cho sự hạnh phúc tràn đầy. Chính vì vậy mà tượng được điêu khắc tỉ mỉ toát lên thần thái của sự tươi cười, hạnh phúc. Nụ cười của Ngài giúp hóa giải mọi căng thẳng áp lực trong cuộc sống hàng ngày, hướng con người ta về cõi Phật an yên. Bức tượng Di Lặc nằm trong khu vườn Tì Ni. Đây là khu vườn trồng nhiều loại hoa hiếm có, rực rỡ của Đà Lạt. Du khách vừa có thể thưởng ngoạn, vừa có thể cúng bái, lễ Phật.

Vào năm 2017, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bắt đầu được khởi công xây dựng với chiều cao lên đến hơn 70m. Tượng Quan Âm là công trình kiến trúc tiêu biểu và nổi bật nhất ở Linh Ẩn Tự Đà Lạt. Đây cũng là bức tượng Quan Thế Âm cao nhất tại Lâm Đồng tính đến thời điểm hiện tại. Du khách từ xa có thể nhìn thấy một cách rõ nét, giữa một không gian yên tĩnh của rừng núi hiện ra một bức tượng cao đồ sộ, được chạm khắc đẹp mắt. Ngoài ra, Linh Ẩn Tự còn sở hữu khu vườn Tịnh Thánh vô cùng đặc biệt với gần 500 bức tượng Phật Quan Âm. Mỗi bức tượng được sơn màu trắng tinh khôi có kích thước lẫn hình dáng đều giống hệt nhau và cao đến 3m. Tất cả đều được xếp thành từng hàng dài đặt uy nghiêm trên bệ đá. Trong vườn còn trồng rất nhiều các loại cây hoa khác nhau khiến cho khu vườn thêm phần tươi tắn và rực rỡ. Những công trình độc đáo này khiến cho Linh Ẩn Tự trở nên linh thiêng và uy nghiêm hơn bao giờ hết.

 Linh Ẩn Tự tọa lạc trên một ngọn đồi cao (Ảnh: Quý SG) 

Chùa bắt đầu đón khách vào lúc 5 giờ sáng. Nếu muốn tận hưởng không gian yên tĩnh, ngắm bình minh nơi cao nguyên, du khách có thể ghé chùa khi sáng sớm. Còn nếu muốn hòa mình cùng thiên nhiên tươi đẹp thì từ 8 giờ đến 10 giờ là khoảng thời gian thích hợp nhất để ghé thăm. Đến với Linh Ẩn Tự, du khách sẽ có những phút giây tĩnh tâm, tận hưởng cảm giác thanh tịnh nơi cửa Phật. Bên cạnh đó, còn có thể hít thở bầu không khí trong lành, chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng cao nguyên.

Huyền Nguyễn/ Báo Du lịch