Chuyện cứu đói Ất Dậu 1945 - Kỳ 2: Lòng tốt của các nhân sĩ

13/09/2016 10:31:00 AM
Mùa rét đầu năm Ất Dậu 1945, bác sĩ Vũ Đình Tụng đang làm việc ở Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt Đức). Ông vẫn đi sớm về khuya, đắm chìm trong việc cứu người, nhưng trở nên u sầu một cách khác thường.

Bạn bè hỏi chuyện, ông ứa nước mắt trả lời: “Dân mình đang chết đói nhiều quá, ngày nào tôi cũng phải đi qua thi thể người. Tại sao đồng bào mình lại khốn cùng, tuyệt vọng như vậy?”. Nghe ông nói, mắt ai cũng đỏ hoe. Thảm kịch này đâu chỉ có ông thấy...

 Bác Hồ đến thăm xưởng sản xuất của ông Bùi Hưng Gia - Ảnh: BHB

Chuyện nhà bác sĩ Vũ Đình Tụng

Bây giờ thì bác sĩ Vũ Đình Tụng, người thầy thuốc thế hệ đầu tiên nổi tiếng tài đức của Việt Nam, không còn nữa. Nhưng con gái ông, bà Vũ Thị Vượng, vẫn vẹn nguyên ký ức đặc biệt về cha mình. Bà Vượng tâm sự: “Cha tôi quê làng Trình Xuyên, huyện Vụ Bản, Nam Định. Ông tốt nghiệp y sĩ Đông Dương tại Trường Y Hà Nội năm 1932 (hồi ấy chưa đào tạo bác sĩ), đến năm 1944 tiếp tục hoàn thành khóa học bác sĩ. Lẽ ra cha tôi có thể đi Pháp học tiếp hoặc tìm vị trí quyền quý, nhưng ông vẫn xin làm bác sĩ điều trị để giúp đỡ dân mình”.

Bà Vượng nhớ lại trận đói kinh hoàng năm Ất Dậu làm phát sinh nhiều dịch bệnh trầm trọng, đặc biệt là bệnh sốt chấy rận cũng giết chết thêm con người vốn đã quá suy kiệt vì thiếu ăn. Không chỉ cứu người ở bệnh viện, bác sĩ Tụng còn chữa trị bất cứ ai có “cơ duyên” gặp mình, kể cả những người đang nằm lay lắt trên đường hay đến trước cửa nhà ở phố Trần Xuân Soạn, Hà Nội để xin ăn. Hồi ấy cứ mỗi sáng ra, nhà bà Vượng mở cửa là lại thấy lếch thếch những người gầy trơ xương trước hè.

Có người còn run rẩy đi lại được, nhiều người chỉ nằm một chỗ thều thào xin miếng ăn. Thi thoảng họ nhóm lửa để luộc những con chuột cống trong ống bơ sắt. Cả đám người già, trẻ, con nít đói khát ngồi chầu chực. Ngay cả những con chuột cống hay cóc nhái vốn rất nhiều ở Hà Nội thuở nhiều ao vườn cũng sạch bóng khi nạn đói xảy ra. Người ta tranh nhau bắt bất cứ con gì có thể bỏ vào mồm được.

Trước cảnh dân tình khốn khổ, bác sĩ Tụng và vợ con nấu cháo phát cho người đói. Tuy nhiên, lương ông trong thời điểm chiến tranh, Nhật đảo chính Pháp cũng rất thiếu hụt để nuôi vợ con. Nhiều đêm ông Tụng và con trai cả phải dậy từ 3g sáng, xếp hàng mua từng giá gạo mốc meo. Cả nhà chỉ mỗi bà Vượng là con út được ăn cơm tạm đủ, còn cha mẹ và các anh lớn đều thiếu ăn.

Nhiều tối về đến nhà, bác sĩ Tụng kiệt sức gần lả đi vì phải làm việc quá sức để chữa trị cho người bệnh trong khi điều kiện sống của mình lại kham khổ, nhưng ông vẫn không hé răng than vãn. Vừa trực tiếp san sẻ số lương thực ít ỏi trong nhà, vợ chồng ông vừa quyên góp thêm để nấu cháo từ thiện ở sân nhà thờ Hàm Long. Chính vì thường xuyên tiếp xúc với người đói nhiều dịch bệnh, nên mẹ bà Vượng đã bị lây bệnh nặng đến suýt chết...

 
Ông Bùi Công Bội bên bàn thờ cha - Ảnh: Q.V

Nắm cơm chén cháo nghĩa tình

Hồi tưởng kỷ niệm buồn thảm một thời của dân tộc, bà Vượng tâm sự việc phát chẩn lúc ấy khó khăn lắm, vì số người đói quá đông trong khi quân Nhật vừa cấm vận chuyển lương thực lại thường xuyên đàn áp tụ tập đám đông. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tìm cách để đưa được miếng ăn đến người nghèo.

Chồng bà Vượng, tức bác sĩ Nguyễn Bửu Triều, sinh viên Việt Nam học xá lúc ấy, kể: “Cả sinh viên vốn có cuộc sống tương đối đầy đủ trước nạn đói cũng chịu khốn khổ khi thảm kịch này xảy ra. Họ bị cắt giảm nhiều thứ, kể cả khẩu phần ăn. Ai ở miền Bắc thì về nhà. Những người đàng trong như Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng... trở lại miền Nam để kêu gọi cứu đói đồng bào ngoài Bắc”.

Các sinh viên bám trụ lại ký túc xá như ông Bửu Triều thì ra đường quyên góp gạo để nấu cháo từ thiện. Học ngành y nên ông Triều còn tham gia chữa trị bệnh dịch miễn phí cho đồng bào.

“Những ngày ấy, trên đường cứ nơi nào đông người xúm lại là có việc nhường cơm sẻ áo. Người có điều kiện cho nhiều, người có ít cho ít. Nếu không có tấm lòng cưu mang đồng bào này thì chưa biết nạn đói sẽ còn trầm trọng đến mức nào” - tuổi gần 80, ông Bùi Công Bội ở phố Giang Văn Minh vẫn nhớ mãi hình ảnh xúc động này.

Cha ông, tức nhân sĩ Bùi Hưng Gia ngày nào, cũng nấu cháo đổ vào dãy chum sành đặt ở phía trước nhà để cho người đói lấy ăn. Anh em ông Bội lúc ấy còn nhỏ nhưng cũng giúp cha mẹ nắm cơm từ thiện. Mỗi nắm cơm khoảng một chén đủ để người đói cầm cự qua cơn khốn cùng.

Tâm sự về cha, ông Bội kể hồi còn nhỏ ông Bùi Hưng Gia chỉ là cậu bé nấu cơm, quét nhà cho một gia đình thợ bạc ở làng Đồng Sâm, Thái Bình. Sau nhiều năm chịu sai vặt, ông Gia mới được dạy nghề, thành thợ rồi dần tách riêng mở được tiệm hiệu Sư Tử Bạc nổi tiếng nhất miền Bắc thuở ấy. Từng trải thời khốn khổ nên ngay khi nạn đói xảy ra, ông Gia đã bỏ cả việc làm ăn để cứu đồng bào.

Ngoài số gạo nấu cơm cháo mỗi ngày nhiều không thể nhớ hết, ông Gia còn tìm về quê mình ở làng Mộ Lao, Hà Đông để trực tiếp phát thêm tiền, gạo cưu mang hàng xóm bị đói kém. Chính nhờ vậy, dân làng này hầu như không ai bị chết đói, và trước cổng làng họ đặt bia đá để ghi nhớ công ơn của ông.

Trước tình cảnh thảm thương của đồng bào, từ năm 1945 ông Gia đã phát tâm ăn chay trường, nghiên cứu kinh sách Phật, sống cực kỳ thanh bần cho chính bản thân mình. Tuy nhiên, khi Chính phủ Việt Minh kêu gọi tuần lễ vàng ông đã đóng góp toàn bộ số vàng còn lại của mình là 1.000 lượng.

Thấu hiểu tấm lòng thiết tha của nhân sĩ Bùi Hưng Gia với đồng bào, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã mời ông ra ứng cử Quốc hội và trở thành ủy viên ủy ban thường vụ Quốc hội suốt nhiều khóa liền cho đến tận năm 1975. Thắp nén hương trên bàn thờ người cha đã khuất, ông Bội ôn lại bài học nhân tình được dạy dỗ: “Cha tôi luôn dạy con rằng cái gì có lợi cho người khác thì cố làm, còn cái gì chỉ vì mình thì đừng làm”.

Tự cống hiến gia sản để cứu đói

Trong nạn đói của năm 1945 còn có rất nhiều tên tuổi khác cũng hết lòng vì đồng bào. Họ xuất thân là nhà buôn hoặc công chức, nhưng đã trở thành nhân sĩ trong lòng dân vì sự vị tha, sẵn sàng cống hiến tất cả để cứu đói như Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà, Nguyễn Thị Năm, Đỗ Đình Thiện, Vương Thị Lai...

Họ gắn kết với nhau không phải vì danh tiếng tư sản lừng lẫy, mà vì sự đồng tâm từ thiện cứu người trong nạn đói. Nhà sản xuất sơn dầu nổi tiếng Nguyễn Sơn Hà đã dành tất cả thóc gạo thu hoạch được từ 200 mẫu ruộng ở Kinh Môn, Hải Dương để cứu đói cho dân.

Chính gia đình ông Hà đã tổ chức đồng loạt bảy điểm phát chẩn để phân phát thức ăn cho hàng ngàn đồng bào đang bị đói. Sau nạn đói khủng khiếp, thấy quá nhiều trẻ em mồ côi cha mẹ, ông Nguyễn Sơn Hà đã phát tâm mở trường Dục Anh ở Hải Phòng để cưu mang các em.

(Theo Tuổi Trẻ)