Chuyện cứu đói năm Ất Dậu 1945 - Kỳ 1: Các nhà giàu tham gia cứu đói

08/09/2016 10:11:00 AM
Nạn đói năm Ất Dậu 1945 là thảm kịch lớn nhất lịch sử Việt Nam làm 2 triệu người chết. Sử sách đã viết nhiều về diễn biến bi thương này, nhưng việc cứu đói cụ thể đã diễn ra như thế nào?

 Người đói năm Ất Dậu - Ảnh: Võ An Ninh

Nếu không có sự nhường cơm sẻ áo của đồng bào, đặc biệt là nỗ lực cứu đói của Việt Minh, thảm nạn có thể còn khủng khiếp hơn…

“Đầu năm 1945, tôi mới 7 tuổi nhưng vẫn nhớ hình ảnh đồng bào chết đói như chuyện bi thảm mới xảy ra ngày hôm qua. Tôi và chị mình mới mua được cái bánh ở phố Hàng Lược, chưa kịp đưa lên miệng ăn thì bất ngờ một đứa bé đang nằm co quắp bên thi thể mẹ trên đường vụt dậy, vồ ngay lấy.

Tuy nhiên, hình như hành động này đã rút hết toàn bộ sức sống cuối cùng của nó. Hàm răng đã cứng rồi, đứa bé không thể nhai bánh nổi nữa, chỉ thèm thuồng lè lưỡi liếm vài cái và ngã lăn ra chết bên thi thể mẹ. Mắt nó không thể nhắm được, tay vẫn nắm khư khư miếng bánh như sợ người ta giật lấy”- mặc dù đã ở tuổi 78, ông Trịnh Đình Tiến vẫn không kìm được nước mắt khi hồi tưởng một thuở đau thương của đồng bào mình!

Lòng hảo tâm của một nhà tư sản

Cuối mùa rét năm Ất Dậu, tức tháng 3/1945, khi nạn đói xảy ra khốc liệt tại nhiều tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ làm 2 triệu người chết, ông Trịnh Đình Tiến đang là một cậu học sinh 7 tuổi sống cùng cha là nhà tư sản Trịnh Đình Kính ở Hà Nội. Còn trẻ thơ, nhưng hình ảnh đồng bào chết đói la liệt khắp nơi đã ăn sâu vào trí nhớ của ông Tiến và trở thành nỗi ám ảnh suốt đời.

“Ngay cả thời điểm chiến tranh nóng bỏng Hà Nội bị máy bay B52 rải thảm, tôi vẫn chưa bao giờ thấy cảnh tượng người ta chết nhiều như năm 1945. Từng đoàn, từng đoàn người quê gầy rộc như thây ma, thậm chí không còn một manh vải trên người, cố lê lết về đến Hà Nội xin ăn rồi gục chết vì đã quá suy kiệt.

Thi thể người đói nằm rải rác như lá cây chết khô ngoài phố, có người nằm liền nhau mà chết, có người nằm chồng lên nhau, ôm lấy nhau như người mẹ muốn truyền chút sức sống tàn lụi cuối cùng cho con thơ.

Cả Hà Nội nồng nặc mùi tử khí, không gian xám ngoét với hình ảnh tử thi gầy trơ xương”- ông Tiến vừa kể vừa gạt nước mắt. Lần tìm những tấm ảnh người chết đói năm xưa, tôi đã gợi lại những kỷ niệm đau thương của đời ông.

Khi nạn chết đói bi thảm nhất trong lịch sử Việt Nam xảy ra, tình nghĩa đồng bào trỗi dậy rất mạnh mẽ. Gia đình ông Tiến cùng với các nhà có điều kiện kinh tế khác tìm cách giúp đỡ những người đói.

Cha ông Tiến, ông Trịnh Đình Kính, được mệnh danh “ông hoàng thủy tinh xứ Đông Dương” thời đấy đã xuất số bạc khổng lồ đến 2 vạn đồng Đông Dương và rất nhiều gạo để cứu đói. Số lượng làm từ thiện này cực kỳ lớn, vì mức lương lúc ấy trung bình chỉ có vài chục đồng và giá gạo chính thức khoảng 50 - 60 đồng mỗi tạ.

Nhiều người khác cũng lòng hảo tâm, nhưng không phải ai cũng có điều kiện để cứu giúp đồng bào nhiều như ông Kính vì thiên tai, mất mùa, chiến tranh và quân luật hà khắc của Nhật đã làm sản nghiệp họ bị kiệt quệ.

Còn ông Kính từ một cậu bé 10 tuổi đi làm tài chạp (sai vặt) cho lò thủy tinh của người Hoa đã dần trở thành chủ xưởng Thanh Đức lớn nhất xứ Đông Dương ở phố Hàng Bồ, Hà Nội. Là người Việt đầu tiên làm được thủy tinh màu nhiều hoa văn đẹp, ông Kính còn chế tạo bóng đèn và nhiều sản phẩm cao cấp có thể cạnh tranh với hàng Pháp. Khi nạn đói xảy ra, nhiều cơ xưởng khác phải đóng cửa nhưng ông Kính vẫn duy trì được hoạt động, nuôi sống hơn 100 công nhân.

Ông Tiến cho biết cha mình ngoài ủng hộ nhiều tiền, gạo cứu tế, còn nấu cơm cháo để phát chẩn trực tiếp cho người đói. Thời nay có thể nghĩ việc làm này đơn giản, nhưng sự thật lại vô cùng khó khăn vào thời điểm ấy.

Số lượng người cho quá ít ỏi so với người xin ăn, đặc biệt là khi họ đã đói khát, tuyệt vọng, nên thường xuyên xảy ra cảnh vừa đem cơm ra đã bị cướp giật hết. Đàn ông còn chút sức lực giẫm đạp lên cả người già, phụ nữ, trẻ thơ đã kiệt sức, thậm chí người thực hiện cứu tế bị vạ lây, thương tích đầy mình...

 Nhà tư sản Trịnh Đình Kính - Ảnh: T.Đ.T

Lá lành đùm lá rách

Lần giở lại các tư liệu rời rạc, đặc biệt là ký ức của những người còn sống, tôi đã tìm được rất nhiều câu chuyện xúc động trong đêm đen ấy của nạn đói.

Ở các nhà bảo tàng lịch sử, người ta dễ lướt qua một bức ảnh mờ nhạt về một ông cụ cao tuổi, vận áo dài the đen, còng lưng kéo xe trên phố Hà Nội. Không mấy người trẻ thời nay biết đó là nhà tư sản nổi tiếng Ngô Tử Hạ đi quyên gạo cứu đồng bào.

Từ gia đình một nông dân nghèo ở huyện Kim Sơn, Ninh Bình, ông làm thuê cho xưởng in ở Hà Nội, rồi dần trở thành một chủ xưởng in nổi tiếng nhất Đông Dương thời ấy, sau này là chủ tịch Đại hội đồng Quốc hội khóa 1 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Thảm kịch khốn cùng lan ra, ông Ngô Tử Hạ vừa phát chẩn tiền bạc, lương thực của mình vừa trực tiếp kéo xe đi quyên góp thêm dù lúc ấy ông đã hom hem ở tuổi 63.

Nhắc lại hình ảnh xúc động này, nhiều người cao tuổi ở Hà Nội vẫn còn nhớ ông là hội trưởng Hội cứu tế và trực tiếp kéo xe đi xin gạo vì muốn khơi gợi tinh thần “lá lành đùm lá rách” của đồng bào. Chỉ một vòng qua phố, xe kéo tay của ông đã đầy ắp, lẫn lộn đủ thứ gạo, ngô, sắn do người dân có gì góp nấy...

Hồi tưởng những ngày khó quên, bà Phạm Thị Hiền, 86 tuổi, nguyên chiến sĩ Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, xúc động: “Hồi đói kém ấy, Hà Nội chỉ có ít người dư dật, đa số đều khó khăn, thậm chí cũng chịu đói. Tuy nhiên, tinh thần tương trợ nhau vẫn nhiều lắm. Họ học theo những tấm gương nghĩa tình như cụ Ngô Tử Hạ”.

Bà Hiền kể quê mình ở làng Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Tây (cũ) có cha con nhà thầu khoán Nguyễn Đình Đức đã tổ chức nhiều điểm nấu cháo cứu đồng bào. Không chỉ giúp dân nghèo ở làng, ông còn lên các cửa ngõ Hà Nội như khu Giáp Bát để phát cháo từ thiện.

Lúc ấy ông Đức đã cao tuổi, sức yếu vẫn cùng con phát cháo tận tay người đói. Nhiều người giành giật làm đổ cháo, chen ngã cả ông, nhưng sáng hôm sau lại thấy ông lọm khọm bưng nồi cháo mới ra san sẻ cho đồng bào ...

Tâm sự với con cháu, ông Trịnh Đình Kính hay nói: “Cha cũng từng đói nên thương người đói”.

Ngoài phát chẩn ở Hà Nội, ông còn về giúp dân quê mình ở làng Đôn Thư, xã Kim Thư, huyện Thanh Oai, Hà Tây. Rất nhiều biến cố đã trôi qua theo dòng chảy lịch sử của đất nước, nhưng ông Tiến vẫn nhớ hình ảnh theo cha về làng ngày ấy: thi thể người chết đói nằm co quắp khắp nẻo đường.

Tiếng nhiều đứa bé đói khát khóc rên như tiếng mèo con rồi cũng lả dần theo cha mẹ đã chết lạnh từ trước... Đó cũng là những ngày ông Kính làm việc thiện quên cả ăn ngủ.

Ở làng, ông nói lý trưởng lập danh sách chi tiết những gia đình cần cứu đói khẩn cấp để đưa nắm cơm, chén cháo đến đúng người. Chính nhờ vậy, trong khi những nơi khác có quá nhiều người chết đói thì Đôn Thư lại rất ít cảnh bi thương này...

________________

Kỳ tới: Tấm lòng của các nhân sĩ

(Theo Tuổi Trẻ)