Thành nhà Hồ

09/02/2019 10:00:00 AM
Thành nhà Hồ là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít thành đá còn lại trên thế giới. Ngày 27/6/2011, UNESCO đã công nhận Thành nhà Hồ là Di sản văn hóa thế giới vì những giá trị văn hóa, lịch sử cùng kỹ thuật xây dựng độc đáo của công trình.

 Cổng Nam là cổng chính với ba cửa

Thành nhà Hồ thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, từng là kinh đô của nước Việt Nam từ năm 1398 đến 1407. Trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng Thành đã bị phá hủy. Những dấu tích nền móng của cung điện xưa giờ vẫn đang nằm ẩn mình phía dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng.

Thành nhà Hồ do Hồ Quý Ly - lúc bấy giờ là Tể tướng dưới triều đại nhà Trần - cho xây dựng vào năm 1397. Thành xây xong, Hồ Quý Ly ép Vua Trần Thuận Tông rời đô từ kinh thành Thăng Long (Hà Nội) về Thanh Hóa. Tháng 2 năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly lên ngôi vua thay nhà Trần và đặt tên nước là Đại Ngu - tức niềm hạnh phúc, an vui (1400-1407), thành Nhà Hồ chính thức trở thành kinh đô. Tuy vậy triều đại này chỉ kéo dài vỏn vẹn 7 năm, là triều đại ngắn nhất trong lịch sử Việt Nam.

Thành nhà Hồ từng đóng vai trò là nơi giao lưu, trao đổi các giá trị văn hóa giữa Việt Nam với các nước Đông Á và Đông Nam Á; nơi duy nhất ghi dấu ấn đặc biệt trong việc thực hiện các quyết định cách tân đất nước của vương triều Hồ, góp phần thúc đẩy và tăng cường các trào lưu tư tưởng mới ở Việt Nam và khu vực...

Trong hồ sơ di sản thế giới, Thành nhà Hồ được mô tả là một công trình kỳ vĩ bởi kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng đá lớn và sự kết hợp các truyền thống xây dựng độc đáo có một không hai ở Việt Nam, khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong thời kỳ cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15. Nhờ kỹ thuật xây dựng độc đáo, sử dụng các vật liệu bền vững, đặc biệt là các khối đá lớn, Thành nhà Hồ được bảo tồn rất tốt trong cảnh quan thiên nhiên hầu như còn nguyên vẹn. Đây là một trong số ít các di tích kinh thành chưa chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa, cảnh quan và quy mô kiến trúc còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn cả trên mặt đất và trong lòng đất ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

 Bức tường đá lớn

Kiến trúc của Thành nhà Hồ được xây rất khoa học, với các phiến đá lớn được đục đẽo một cách vuông vức, xếp đan xen với nhau theo hình múi bưởi để tránh các rung chấn lớn như động đất. Đặc biệt là giữa các phiến đá này không hề có bất kỳ chất kết dính nào nhưng tòa thành vẫn đứng vững hơn 600 năm, vượt qua nhiều tác động của địa chấn và bom đạn tàn phá. Ngoài ra khối công trình đồ sộ, vững chắc này chỉ được xây dựng vẻn vẹn trong vòng 3 tháng đầu năm 1397.

Theo các tài liệu để lại cùng công việc khảo cổ, nghiên cứu hiện trạng thì quần thể di sản Thành nhà Hồ bao gồm Thành nội, Hào Thành, La Thành và Đàn tế Nam Giao nằm phía ngoài Thành. Trong đó, Hoàng Thành là công trình đồ sộ nhất, đồng thời nguyên vẹn nhất còn lại cho đến nay.

Thành được xây dựng trên khu đất gần vuông, hai mặt Nam và Bắc của Thành dài khoảng 880m, Đông và Tây dài khoảng 877m với chiều cao khoảng 6m, dày 4m. Toàn bộ mặt ngoài là sự kết hợp của bốn cổng ở chính giữa các bức tường thành, cổng chính là Cổng Nam. Tường thành cao trung bình từ 5-6m, riêng Cổng Nam cao 10m, được làm từ những phiến đá vôi màu xanh, được đục đẽo tinh xảo, vuông thành sắc cạnh, chồng khít lên nhau. Những khối đá lớn này trung bình dài 1,5m, có phiến dài tới 6 mét, nặng khoảng 20 tấn.

Bao quanh Thành nội là Hào Thành, được nối với sông Bưởi qua một con kênh ở góc Đông Nam. Hào Thành có 4 cầu đá bắc vào 4 cửa Thành nội. Ngày nay nhiều phần của Hào Thành đã bị che lấp, tuy nhiên vẫn có thể nhận thấy rõ ở phía Bắc, phía Đông và một nửa phía Nam.

La Thành là vòng thành ngoài, để che chắn cho Thành nội và là nơi sinh sống của cư dân trong thành. La thành dài khoảng 10km, được xây dựng theo địa hình tự nhiên, kết cấu đắp bằng đất, trồng tre gai để nối liền các ngọn núi với sông Bưởi và sông Mã.

Đàn tế Nam Giao hay còn gọi là Đàn Nam Giao, được xây dựng năm 1402 ở phía Tây Nam núi Đốn Sơn, nằm thẳng trên đường thần đạo từ cổng Nam nhìn ra, cách Thành nhà Hồ khoảng 2,5km. Đàn Nam Giao có diện tích 43.000 m2, là nơi tế trời, cầu mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an, vương triều trường tồn, thịnh trị.

Trước kia bên trong Thành còn có nhiều công trình nguy nga như Điện Hoàng Nguyên, Cung Diên Thọ (chỗ ở của Hồ Quý Ly), Đông Cung, Tây Thái Miếu, Đông Thái Miếu... không thua gì kinh đô Thăng Long. Tuy nhiên, qua khoảng thời gian dài hơn 6 thế kỷ với nhiều sự tác động chủ quan và khách quan đã khiến cho hầu hết các công trình kiến trúc này bị phá hủy hoàn toàn.

Vòng La Thành ngoài cùng 

Bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam khi đi thăm Thành nhà Hồ đã cho biết, bà rất ấn tượng với việc xây Thành nhà Hồ trong một khoảng thời gian rất ngắn bằng cách gắn những phiến đá rất lớn lại với nhau mà không cần đến một chất kết dính nào, lại thực hiện hoàn toàn bằng sức người. Đây là một trong rất nhiều bí ẩn của Thành nhà Hồ mà các nhà khoa học Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu. Bà mong muốn rằng Thành nhà Hồ tiếp tục được quan tâm và có sự đầu tư thoả đáng cho công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu và phát huy giá trị của di tích để di tích này luôn thu hút khách du lịch đến với địa phương.

Cùng với việc xây dựng hồ sơ khoa học đề cử UNESCO, tỉnh Thanh Hóa cũng đã xây dựng và ban hành kế hoạch quản lý Di sản Thành nhà Hồ với tầm nhìn dài hạn trong 30 năm (từ năm 2010 đến năm 2040).

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có Quyết định ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ. Việc quy hoạch không gian bảo tồn di sản, các đơn vị chức năng và địa phương đã lập kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân các địa phương nằm trong vùng quy hoạch nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn di sản, trên tinh thần nhân văn. Chỉ khi người dân hiểu và nhận thức được hết giá trị của di sản thì công cuộc bảo vệ, phát huy giá trị di sản mới thực sự đạt được kết quả như kỳ vọng.

Xuân Minh

(tổng hợp)