“Thuận Thiên đại bảo” – Đồng tiền đầu tiên của nhà Lý

21/07/2016 10:35:00 AM
Ở bất kỳ thời kỳ nào có trao đổi hàng hóa, tiền tệ không thể thiếu trong đời sống xã hội. Thời Lý cũng vậy. Đồng tiền đầu tiên của nhà Lý, được xác định là “Thuận Thiên đại bảo”. Điều này được nhiều người xác nhận, và các bảo tàng, các nhà trưng bày có trưng bày đồng tiền này cũng khẳng định đó là đồng tiền đầu tiên của nhà Lý, được dùng phổ biến từ năm 1010 đến năm 1028.

 Đồng tiền đầu tiên của nhà Lý

Thuận Thiên đại bảo có đường kính từ 24 đến 25,5mm. Trên lưng đồng tiền này có chữ “Nguyệt”. Bề mặt tiền có in 4 chữ Hán “Thuận Thiên đại bảo” in kiểu chữ chân đọc đối, nghiêng lệch. Tiền có gờ viền và lỗ rộng. Đây là loại tiền tương đối hiếm, do vậy, được trưng bày thường chỉ với 1 đồng duy nhất. Một số nhà sưu tập đã cung cấp nhiều mẫu khác nhau của đồng tiền này, điều này giúp suy đoán rằng “Thuận Thiên đại bảo” có thể được in nhiều đợt.

Trong lịch sử các nước phong kiến phương Đông, chỉ có 2 vị vua lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đó là Lý Thái Tổ và Lê Thái Tổ. Cả 2 vị vua này đều là vua nước Việt. Trong lịch sử tiền tệ, có 3 loại tiền mang niên hiệu này, đó là Thuận Thiên đại bảo, Thuận Thiên nguyên bảo loại nhỏ và Thuận Thiên nguyên bảo loại lớn. Thuận Thiên nguyên bảo loại lớn do Sử Tử Minh thời Đường đúc năm 759, mang đặc điểm của tiền phong kiến phương Bắc. Như vậy, Thuận Thiên đại bảo và Thuận Thiên nguyên bảo loại nhỏ là tiền của nước Việt. Bởi vậy, có người xếp Thuận Thiên đại bảo hay Thuận Thiên nguyên bảo đều là của nhà Lê, do Lê Thái Tổ cho đúc. Tuy vậy, điều này là không đúng.

Tuy cổ sử không chép về việc Lý Thái Tổ cho đúc tiền, nhưng về lý mà nói thì vị vua đầu triều của một dòng họ trong thời kỳ tương đối yên ả, thái bình thì khó chấp nhận việc không có đồng tiền riêng. Hơn nữa, Thuận Thiên đại bảo hiếm gặp và chỉ xuất hiện trong các di tích thời Lý – Trần hoặc lẫn với các đồng tiền khác thời Lý – Trần. Trong khi đó, ở các di tích thời Lê chưa lần nào gặp loại tiền này, mà chỉ gặp Thuận Thiên nguyên bảo. Ngoài ra, cách khắc 3 chữ “thuận”, “thiên” và “bảo” ở 2 loại tiền này có sự khác biệt rất lớn. Bởi vậy, nhiều người nhất trí phân loại: Thuận Thiên đại bảo là tiền được đúc dưới thời Lý Thái Tổ, còn Thuận Thiên nguyên bảo là tiền được đúc dưới thời Lê Thái Tổ.

Như vậy, tuy mới lên ngôi thay cho Lê Ngọa Triều vốn hoang tàn, bạo ngược, mở ra thời kỳ đất nước thái bình dưới thời Lý, nhưng Thái Tổ Lý Công Uẩn đã rất quan tâm tới việc đúc tiền khẳng định quyền lực tập trung trong tay vua và qua đó khẳng định nền độc lập của nước Đại Cồ Việt, quốc hiệu nước ta dưới thời Lý Thái Tổ.

(Theo Hoangthanhthanglong.vn)