Thủy Trung Tiên - ngôi đền cổ 1000 năm tuổi ở hồ Trúc Bạch

05/07/2021 11:04:00 AM
Ai đã từng đi qua hồ Trúc Bạch (Tây Hồ - Hà Nội) chắc hẳn không khỏi một lần thắc mắc về sự tồn tại của ngôi đền nhỏ với những hàng cây xanh cổ thụ um tùm soi bóng. Đó là ngôi đền Thủy Trung Tiên từ xa xưa đã gắn liền với văn hóa tâm linh thờ Thần Chó của người Việt và tên gọi ban đầu của đền là Cẩu Nhi.
Đền Cẩu Nhi xưa với tên gọi là đền Thủy Trung Tiên nằm cách đường Thanh Niên khoảng 30m với khuôn viên đẹp, xung quanh được bao bọc bởi nhiều cây cổ thụ với một cây cầu bằng đá xanh chạm nổi rồng phượng hình vòng cung nối từ đườngThanh Niên vào cổng tam quan.

Sự tích xưa kể rằng, ngôi đền gắn truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian liên quan đến sự kiện vua Lý Thái Tổ (974 - 1028) lên ngôi và dời đô về Thăng Long. Theo một số sách thì trước khi Lý Công Uẩn lên làm vua, có con chó ở châu Cổ Pháp, (nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) đẻ ra con sắc trắng có đốm đen thành hai chữ “Thiên tử” ứng với việc này (vì vua Lý tuổi Tuất). Từ đó, được Vua cho dựng miếu thờ sau miếu chuyển ra đảo hồ Trúc Bạch và tồn tại đến ngày nay.

Bà Đỗ Thị Kim Dung- Ban quản lý khu di tích đền Thủy Trung Tiên cho biết để có được khu thờ tự khang trang, sạch đẹp, trở thành điểm đến du lịch, tín ngưỡng cho du khách như hiện nay, đền đã trải qua nhiều thăng trầm của tạo hóa.

 Đền Thủy Trung Tiên từ xa xưa đã gắn liền với văn hóa tâm linh thờ Thần Chó của người Việt và tên gọi ban đầu của đền là Cẩu Nhi.

Đền được xây hình chữ nhật, nằm thơ mộng tại một đảo nhỏ trên hồ Trúc Bạch, xung quanh đền có nhiều cây xanh cổ thụ bao bọc. 


 Đền được nối với đường Thanh Niên bằng cây cầu đá bắc qua mặt hồ Trúc Bạch. Cầu dài 18m gồm năm nhịp, mỗi nhịp dài 3,6m, rộng 2,25m


Chiếc cầu đá dẫn vào đền Cẩu Nhi mới được xây dựng năm 2017, trước đó chỉ có cách đi thuyền sang 

 Tượng chó con bằng đá đặt ngay tại đầu cầu đá ở lối vào đền.


Ngay từ khi bước vào cổng tam quan ta dễ dàng cảm nhận được sự gần gũi của đền có một sự kết nối vô hình với những ký ức về kinh đô xưa. Các mảng kiến trúc trong đền được phục dựng theo phong cách thời Lý. Đặc biệt có nhiều phù điêu và tượng liên quan đến thần cẩu.

Dấu ấn lịch sử còn sót lại là tấm bia đá xung quanh chạm nổi hình cánh sen khắc 4 chữ “Di tích Cẩu Nhi”. Trải qua thời gian, những chữ khắc trên bia đá nay đã mờ đi nhiều. Hiện nay, tấm bia được quấn bằng lớp vải đỏ, bao bọc xung quanh càng khiến cho câu chuyện về Cẩu Mẫu-Cẩu Nhi trở nên ly kỳ và thú vị.

Đền Cẩu Nhi nằm trong quần thể di tích đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc. Ngôi đền thu hút khá nhiều du khách đến tham quan và trải nghiệm một địa danh tâm linh của Hà Nội vào những ngày Rằm, mùng Một, lễ Tết để cầu sức khỏe, may mắn, bình an.../.
 
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Công Đạt/ Báo Ảnh Việt Nam