Quy định pháp luật về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

03/01/2014 03:24:30 PM
Hỏi: Tôi đang làm việc hợp đồng tại một công ty, muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Công ty yêu cầu kể từ khi nhận đơn xin thôi việc phải làm thêm 30 ngày theo quy định của công ty...

Xin hỏi:

1. Nếu tôi không làm thêm 30 ngày đó thì có được trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và hỗ trợ thôi việc không? Thời gian chi trả là bao lâu?

2.     Doanh nghiệp cổ phần được phép phạt người lao động bao nhiêu % so với mức lương cơ bản theo đúng luật lao động?

Trả lời: 

Theo nội dung câu hỏi của bạn, chúng tôi giả định rằng bạn đã đơn phương chấm dứt theo nguyện vọng của bạn mà không xuất phát từ lý do nào khác. Theo đó, chúng tôi xin trả lời câu hỏi của bạn như sau: 

Theo Điều 37 Bộ luật Lao động 2012, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động phải thực hiện nghĩa vụ báo trước đối với người sử dụng lao động. Thời hạn báo trước được Bộ luật lao động quy định khác nhau tùy thuộc vào loại hợp đồng lao động (xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn).  

Do đó, việc công ty yêu cầu bạn phải làm thêm 30 ngày kể từ khi nhận được đơn xin thôi việc là có cơ sở nếu hợp đồng lao động của bạn là loại hợp đồng xác định thời hạn (hợp đồng có thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng).  

Trong trường hợp hợp đồng lao động của bạn là hợp đồng không xác định thời hạn (thời hạn của hợp đồng không được xác định hoặc hợp đồng có thời hạn trên 36 tháng) thì bạn phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất là 45 ngày. 

Khi bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì được xem là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật (Điều 41 Bộ luật Lao động 2012). Trong trường hợp này, theo quy định của pháp luật, các quyền và lợi ích hợp pháp của bạn sẽ được giải quyết như sau: 

1.    Các chế độ khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật:  

+ Về trợ cấp thôi việc:  

Theo khoản 1 Điều 43 Bộ luật Lao động 2012, bạn sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc. 

+ Bảo hiểm thất nghiệp:  

Theo quy định tại Điều 81 Luật Bảo hiểm xã hội (“Luật BHXH”), Điều 15 Nghị định 127/2008/NĐ-CP ngày 12-12-2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 100/2012 (“Nghị định 127”), thì điều kiện để người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp như sau: 

i.      Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm, hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động; 

ii.     Đã đăng ký với cơ quan lao động khi bị mất việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. 

iii.    Chưa tìm được việc làm sau 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động. 

Như vậy, kể từ ngày 1-1-2009 nếu bạn có tham gia bảo hiểm thất nghiệp và đáp ứng đủ các điều kiện để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp nêu trên thì sẽ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp mà không phụ thuộc nguyên nhân chấm dứt hợp đồng lao động. 

Theo Nghị định 127, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp hợp lệ của người lao động, cơ quan lao động có trách nhiệm xem xét và giải quyết. 

+ Bảo hiểm xã hội: 

Trong trường hợp bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, nếu đủ điều kiện để được hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật BHXH thì bạn vẫn được hưởng các chế độ này. Cụ thể: 

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 của Luật BHXH, đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc bạn sẽ được hưởng các chế độ như: ốm đau, thai sản (đối với nữ), tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất. Để được hưởng các chế độ này bạn phải đủ điều kiện đối với từng chế độ cụ thể (tham khảo thêm Chương III và Chương III của Luật BHXH). 

Trong trường hợp, bạn chưa đủ điều kiện để được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội thì có thể tiếp tục đóng phí bảo hiểm khi chuyển sang làm tại tổ chức khác hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 57 của Luật BHXH.  

2.    Bồi thường cho Công ty khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật:

Theo Điều 43 Bộ luật lao động 2013, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà vi phạm quy định về thời hạn báo trước, người lao động phải có nghĩa vụ sau: 

i.             Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. 

ii.            Phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước. 

iii.           Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động (nếu có).

Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính,
Thanh Xuân, Hà Nội