Một số di vật điêu khắc đá thời Lý Trần

22/04/2005 02:21:51 PM
Di vật đá thời Lý là một loại di vật đặc sắc thu được từ cuộc khai quật khu vực dự kiến xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới). Loại di vật này sẽ góp phần nhận diện đầy đủ hơn về kiến trúc ở Hoàng thành Thăng Long dưới thời Lý.

 
(Tiếp theo kỳ trước)

Bài viết này xin tập trung giới thiệu một số di vật tiêu biểu thu được trong tầng văn hoá chứa đựng các dấu vết kiến trúc Lý, Trần như trên nền gạch, lòng hồ.

1. Các khối đá có trang trí   

 

Mảnh đầu rồng đá thời Lý 

 Mảnh đá của thành bậc
trang trí hình chim phượng
và hoa cúc dây, thời Lý

Hiện vật kí hiệu BĐ.02.A21 (hiện trạng vỡ, không nguyên vẹn). Kích thước còn lại: Dài 63cm, rộng 44cm, dày 14,2cm.

Đây là một phiến đá khá lớn còn in dấu chế tác cắt bằng đục trên hầu khắp bề mặt, phần mép của bậc đá có một dải trang trí hoa văn sóng nước hình núi với những đường lượn sóng đều đặn nhô cao được nâng đỡ bằng những dải sóng mềm mại có biên độ rộng hơn phía dưới. Căn cứ vào đường nét khá thanh thoát, mềm mại của nét chạm có thể xếp hiện vật này vào khung niên đại cuối thế kỷ 11 đầu thế kỷ 12.

      

Khối đá có trang trí v
ăn sóng nước, thời Lý,
thế kỷ 11 - 12

Mảnh đá của thành bậc
thang trang trí chạm nổi văn
hoa mẫu đơn dây, thời Lý



 Khối đá vuông trang trí văn sóng nước, thời Lý

Hiện vật kí hiệu BĐ.02.A18 có kích thước nhỏ hơn, dài 20cm, rộng 19,5cm, dày 7,3cm. Nếu ở hiện vật vừa nêu đồ án trang trí chạy theo viền mép của tấm đá thì ở hiện vật này được trang trí bởi ba cạnh theo bề dày của hiện vật. Cũng là đồ án trang trí sóng nước hình núi với những con sóng nhô cao ở phần trên kết hợp với các dải sóng mềm, rộng phía dưới. Tuy nhiên các đường nét ở tác phẩm này khoẻ mạnh và nổi khối hơn. Các đường lượn lồng kép tạo nên sự chắc chắn của đồ án. Do vậy có thể xếp tác phẩm này vào niên đại cuối thế kỷ 12 đầu thế kỷ 13, giai đoạn cuối của nghệ thuật điêu khắc thời Lý.

2. Thành bậc

Trong cuộc khai quật lần này một số lượng khá nhiều các mảnh vỡ từ các thành bậc đã được phát hiện. Không khó để có thể nhận diện loại hiện vật này bởi những đặc trưng họa tiết phong phú từ những motif hoa cúc, thân rồng, đầu rồng, phượng... trang trí kín đặc trên những thành bậc.

   

Những mảnh đá của thành bậc trang trí văn dây lá,
thời Lý  

Mảnh thân rồng trên lan can thành bậc đá, thời Lý


Hiện vật kí hiệu BĐ.02.A11.L9: Đây là một mảnh vỡ khá lớn của một đồ án trang trí thành bậc, kích thước còn lại: Dài 31cm, rộng 27cm, dày 12cm. Trên mặt nghiêng của phiến đá có 2 dải băng trang trí. Băng phía dưới là một đồ án hoa cúc lớn nhìn nghiêng với hai bông cúc mãn khai, cuống hoa được tạo bằng những khúc uốn lượn rất mềm mại, thân cuống hoa có đường chỉ khắc chìm tăng thêm độ chau chuốt và uyển chuyển của đồ án. Cách một đường gờ nổi trơn, phía trên là một băng trang trí vân mây bằng những nét chạm nổi những đường uốn cong lớn, những đường chỉ khắc chìm trên các đường cong đó càng tạo sự nổi khối của những dải mây. Ngay trên đồ án dải mây này là phần sứt vỡ của thân rồng chạy dọc theo tấm đá lan can thành bậc. Tuy đường nét tạo hình ở hiện vật này khá mềm mại song sự nổi khối đã rõ ràng, đã không còn thấy sự trau chuốt tỉ mỉ trên nét khắc như những motif của mỹ thuật Lý thế kỷ 11 và đầu thế kỷ 12. Do vậy có thể đoán định đây là tác phẩm của giai đoạn cuối thời Lý, khoảng cuối thế kỷ 12.
 

Hiện vật ký hiệu BĐ.02.D3.L8: dài 20cm, rộng 26,5cm, dày 12cm. Đồ án trang trí gồm hai phần. Phần trên là một motif trang trí dải băng hoa cúc dây đuợc giới hạn bằng hai đường viền hoa văn “dấu hỏi”. Các bông cúc được tạo theo hướng nhìn nghiêng chếch với các dây lá xếp như kiểu lá “dương xỉ” uốn lượn mềm mại với biên độ khá lớn. Ngay trên dải hoa này còn một chút dấu vết của vân mây đỡ rồng hoặc con sấu ở trên như kiểu tay vịn thành bậc chùa Lạng. Phần dưới là một phần đuôi và một bên cánh của con phượng đang đứng giữa các điểm trang trí hoa cúc nổi trên nền dây xoắn móc rất cầu kỳ. Đuôi phượng đuợc đặc tả bằng những nét lượn rất mềm uốn cong lên trên, các vệt lông vũ được xuất phát từ một đường trang trí kiểu lá “dương xỉ” chạy ở chính giữa. Tác phẩm này tương tự như tay vịn đá chùa Lạng. Niên đại đầu thế kỷ 12.

Mảnh đá của thành bậc trang trí văn hoa cúc dây, thời Lý  

Hai mảnh đầu rồng đá, thời Lý

 
Hiện vật ký hiệu BĐ.02.D5.L4: dài 24,5cm, rộng 19cm, dày 16,5cm. Trên bề rộng của tấm đá có đồ án trang trí hoa cúc dây theo hướng nhìn nghiêng chếch. Các dây cuống hoa chạy lượn rất mềm mại tạo thành những đường tròn liền nhau ôm lấy bông cúc. Bằng hoa cúc có các cánh hoa xếp đối xứng, nhụy hoa lộ rõ, toàn bộ đường nét chạm khắc đều cực kỳ tinh xảo. Đồ án hoa là một dải băng chạy dài được giới hạn bởi hai đường viền trơn và hai đường viền hoa văn hình “dấu hỏi” ở trên và dưới. Sự tinh xảo của hoa văn trên di vật này tương tự như hình hoa cúc trên bệ tượng Phật chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Niên đại di vật này khoảng thế kỷ 11.

Hiện vật ký hiệu BĐ.02.A20.L6: gồm hai phần vỡ từ một con rồng chạy trên lan can thành bậc. Đây là phần thân trên của rồng với cái chân uốn lượn theo chiều lượn của thân, bàn chân đặt bằng theo đà chạy của lan can phía gót chân có túm lông nhỏ mềm lượn sóng, móng chân cong lên trên sát vào bụng, bẻ gần vuông góc với bàn chân. Thân rồng uốn tròn với biên độ hẹp theo kiểu thắt miệng túi, toàn thân có vẩy hoa. Bụng có những đường cong tròn đều kiểu bụng rắn, trên lưng có hàng vây ngắn kiểu tia lửa. Phần vỡ còn lại là khúc giữa thân với cách tạo hình tương tự như phần thân trên vừa nêu, song ở khúc này không có chân mà giữa khoảng trống do thân uốn lượn tạo nên được trang trí bằng các hình tượng mây rất mềm, và các móc cong nhỏ có đường chỉ khắc chìm.

Hai mảnh đầu rồng có ký hiệu BĐ.02.B11: đã bị sứt vỡ và không còn gắn với phần thân, tuy nhiên vẫn có thể nhận ra hai đầu rồng này đều mang đầy đủ những hoạ tiết đặc trưng của rồng thời Lý với cái môi trên kéo dài tạo thành cái vòi uốn lượn vươn ra phía trước, trên vòi có các motif trang trí văn lá “dương xỉ”, dấu hỏi và các đường cong nối nhau. Miệng rồng há rộng với hàm răng đều và to, ngậm chặt viên ngọc có những đường tròn xoắn ốc, lưỡi nhỏ dài vươn dài lên trên. Cặp nanh dài, chắc đưa hẳn ra ngoài mép. Xét về phong cách nghệ thuật, đây là những phần còn lại của một lan can chạm rồng trên một thành bậc thời Lý. Trong nghệ thuật Lý, hiện chưa tìm thấy một thành bậc chạm rồng nào còn nguyên vẹn. Nhưng ta có thể thấy hình ảnh của các thành bậc chạm rồng thời Lý đó qua các thành bậc chạm rồng thời Trần ở chùa Phổ Minh (Nam Định) và Thành Nhà Hồ (Thanh Hoá)... Tạo nên một tác phẩm điêu khắc hoàn chỉnh trang trí lan can thềm bậc với những nét đặc trưng nhất của mỹ thuật thời Lý thế kỷ 11 - 12.

3. Vài nhận xét

Trên đây chúng tôi mới chỉ điểm qua một số hiện vật đá kiến trúc có niên đại đặc trưng nghệ thuật thời Lý. Các thành phần đá kiến trúc này xuất hiện trên gần khắp diện tích đã khai quật, chúng nằm trong tầng văn hoá, trên bề mặt những nền móng các kiến trúc hoặc dưới lòng hồ nước cổ? Ở khu vực này có rất nhiều dấu tích của các kiến trúc thời Lý (xem bài Nguyễn Hồng Kiên, PGS. TS. Tống Trung Tín). Rõ ràng, các hiện vật này có liên quan chặt chẽ, hữu cơ với nhau và với các di tích, di vật có niên đại Lý đã được khẳng định trên cơ sở khoa học như những tảng cột hoa sen, những vật trang trí kiến trúc chất liệu đất nung (lá đề, đầu ngói, các loại gạch có và không hoa văn, các loại ngói lợp âm - dương, ngói phẳng...).

Mặc dù hệ thống hiện vật đá kiến trúc thời Lý giới thiệu trong phạm vi một bài viết nhỏ mới chỉ kể ra một số ít, nhưng kết hợp với cả một hệ thống các di tích, di vật khác của Thăng Long qua nhiều thời kỳ lịch sử cho thấy sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam, của nền văn hoá Việt Nam qua bao thăng trầm vẫn luôn rực rỡ và chói sáng.

Nguyễn Tiến Đông
(Xem tiếp kỳ sau)