Xin hướng dẫn về thủ tục hồi hương

01/05/2015 08:09:14 AM
* Hỏi: Vợ chồng tôi định cư và làm việc tại Hà Lan (HL) đã trên 30 năm, cả hai đều có quốc tịch và hộ chiếu VN lẫn HL. Chúng tôi có nguyện vọng muốn trở về VN sinh sống qua diện hồi hương. Ngày 09/05/2014, chúng tôi đã nộp đơn xin hồi hương theo sự hướng dẫn của Lãnh sự quán VN tại HL và thời gian nhận được tin trả lời từ 4 đến 6 tháng. Ngày 08/12/2014, Lãnh sự quán VN có liên lạc (qua điện thoại) và cho tôi biết ở trong nước luật hồi hương có thay đổi và thông báo vợ chồng tôi nên về VN rồi cùng với người thân bên ấy ra quận, huyện xin đăng ký thường trú, khi đã hoàn tất hồ sơ thường trú sẽ tiếp tục nộp đơn xin di chuyển tài sản về VN.

Xin hỏi: Theo sự hướng dẫn của nhân viên lãnh sự quán VN như tôi vừa nêu trên còn thiếu điểm nào không? Xin hướng dẫn và nếu có bổ túc thêm tôi phải làm thế nào để thực hiện đúng hồ sơ pháp lý khi muốn về Việt Nam sinh sống. 

* Trả lời:

  1. Hồi hương về Việt Nam:

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người Việt Nam định cư tại nước ngoài có thể thực hiện thủ tục hồi hương theo hai trường hợp sau đây căn cứ vào giấy tờ được sử dụng để xin về Việt Nam đăng ký thường trú (hồi hương):

a.    Trường hợp 1: Sử dụng hộ chiếu nước ngoài (Hà Lan) còn giá trị sử dụng hoặc giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp để làm thủ tục:

Đối với trường hợp này, căn cứ theo quy định tại Mục II - Thông tư liên tịch số 05/2009/TTLT-BCA-BNG ngày 12/05/2009 của Bộ Công an và Bộ Ngoại giao hướng dẫn giải quyết cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký thường trú tại Việt Nam đã được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư liên tịch số 01/2012 TTLT-BCA-BNG: để xin đăng ký thường trú (hồi hương) tại Việt Nam, người Việt Nam định cư tại nước ngoài chuẩn bị hồ sơ xin đăng ký thường trú nộp tại:

- Cơ quan đại diện Việt Nam nơi người nộp hồ sơ đang cư trú (“cơ quan đại diện Việt Nam”); hoặc

- Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an hoặc

- Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người nộp hồ sơ đề nghị được về thường trú.

Đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện Việt Nam, kết quả của thủ tục chính là Giấy thông hành hồi hương cho người được phép về Việt Nam thường trú do cơ quan đại diện Việt Nam cấp. Giấy thông hành hồi hương được cấp cho từng người, có giá trị 12 tháng, kể từ ngày cấp và không được gia hạn.

Sau khi được cấp Giấy thông hành hồi hương, người Việt Nam định cư tại nước ngoài phải về Việt Nam để thực hiện thủ tục đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật cư trú Việt Nam.

b.    Trường hợp 2: Sử dụng hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng để về Việt Nam làm thủ tục:

Đối với trường hợp này, căn cứ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Thông tư số 35/2014/TT-BCA của Bộ Công An ngày 09/09/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/04/2014 về cư trú (“Thông tư 31/2014”), công dân Việt Nam định cư tại nước ngoài được về Việt Nam đăng ký thường trú mà không phải xin cấp Giấy thông hành hồi hương về Việt Nam.

Trong trường hợp của bạn, bạn đã thực hiện thủ tục tại cơ quan đại diện của Việt Nam tại Hà Lan [theo trường hợp 1 như phân tích ở trên]. Theo đó, cơ quan đại diện Việt Nam tại Hà Lan có trách nhiệm trả kết quả là Giấy thông hành hồi hương cho bạn nếu như bạn được phép về Việt Nam cư trú. Sau khi nhận được  Giấy thông hành hồi hương, bạn về Việt Nam làm thủ tục đăng ký thường trú. Tuy nhiên, nếu bạn có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng, bạn được quyền về Việt Nam làm thủ tục mà không phải xin cấp Giấy thông hành hồi hương để về Việt Nam nữa.

  1. Về hồ sơ và thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam:

Bạn chuẩn bị hồ sơ gồm các giấy tờ sau đây kèm theo:

·                     Giấy thông hành hồi hương (nếu bạn thực hiện theo trường hợp thứ 1) hoặc Hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ khác có giá trị thay hộ chiếu còn giá trị sử dụng có dấu kiểm chứng của lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu (nếu bạn thực hiện theo trường hợp 2) nộp tại Công an huyện, quận, thị xã (nếu đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương) hoặc tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh (nếu đăng ký thường trú tại các tỉnh khác);

·                     Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;

·                     Bản khai nhân khẩu (đối với trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);

·                     Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp (xem quy định về các giấy tờ, tài liệu này tại Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú).

+ Nếu chỗ ở hợp pháp là do thuê, mượn, ở nhờ thì bạn phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên. Trường hợp người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình thì bạn không cần phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.

+ Nếu chỗ ở hợp pháp là do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương.

+ Nếu bạn chuyển đến ở với ông/ bà nội, ông/bà ngoại, cha/mẹ, con anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, cháu ruột của bạn thì không phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp nhưng phải xuất trình giấy tờ chứng minh hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về mối quan hệ nêu trên.

Lưu ý: Trong trường hợp đăng ký thường trú (hồi hương) tại thành phố trực thuộc Trung ương thì bạn phải đáp ứng thêm các điều kiện và chuẩn bị thêm các giấy tờ theo quy định tại Điều 7 Thông tư 35/2014)

Thời hạn giải quyết hồ sơ: Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

(khoản 1, điểm đ, điểm e khoản 2 và khoản 3, Điều 6 Thông tư 35/2014; Điều 7 Thông tư số 35/2014)

  1. Thủ tục chuyển tài sản về Việt Nam:

Căn cứ theo quy định tại Khoản 20 Điều 4 Luật hải quan 2014, khoản 3 Điều 45 Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan (“Nghị định 08/2015”), khoản 2 Điều 12 Thông tư số 128/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 10/09/2013 hướng dẫn thủ tục kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất, nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (“Thông tư 128/2013”), để chuyển tài sản về Việt Nam, bạn cần chuẩn bị hồ sơ gồm có:

-                      Tờ khai hải quan;

-                      Bảng kê chi tiết tài sản;

-                      Văn bản chứng minh việc được về Việt Nam cư trú;

-                      Chứng từ vận tải trong trường hợp tài sản vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt;

-                      Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản, trừ đồ dùng, vật dụng phục vụ sinh hoạt bình thường của gia đình, cá nhân; và

-                      Giấy tờ khác theo yêu cầu của cơ quan hải quan.

Nơi làm thủ tục: Chi cục Hải quan tại cửa khẩu.

Bạn cần liên hệ với cơ quan hải quan để chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để thực hiện.

Lưu ý: theo quy định tại Điều 100 Thông tư 128/2013:

-                      Tài sản mà bạn mang về nước khi được phép định cư tại Việt Nam thuộc diện được miễn thuế nhập khẩu.

-                      Đối với xe ô tô, xe mô tô đang sử dụng của gia đình, cá nhân mang vào Việt Nam khi được phép định cư tại Việt Nam thì chỉ được miễn thuế nhập khẩu mỗi thứ một chiếc. 

Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính, 
Thanh Xuân, Hà Nội