Bác sĩ từ Mỹ về Việt Nam: Tôi muốn được chữa bệnh cho người Việt

18/09/2017 03:07:00 PM
Sau 5 năm tu nghiệp tại ĐH Y Harvard và làm việc tại một bệnh viện hàng đầu ở Mỹ, BS Hoàng Hồng quyết định về Việt Nam.

Một bác sĩ Việt Nam được đi tu nghiệp ở Mỹ 5 năm, nay lại trở về Việt Nam làm việc. Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu anh ấy đi học ở một trường không mấy danh tiếng và không có nhiều cơ hội kiếm được việc làm tốt ở Mỹ. Tuy nhiên, nơi Hoàng  Hồng được đi học lại là ĐH Y Harvard và nơi anh thực tập trong suốt mấy năm là Bệnh viện đa khoa Massachusetts - một bệnh viện lớn, nhiều năm liền được vinh danh là bệnh viện tốt hàng đầu nước Mỹ.

Bác sĩ Hoàng Hồng- Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ -BV Đại học Y Hà Nội 


Sau khi học xong, bác sĩ Hồng có nhiều cơ hội ở lại Mỹ làm việc tại bệnh viện hoặc giảng dạy tại trường ĐH Harvard. Nhưng anh đã trở về làm việc tại Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đảm nhiệm cương vị Phó Trưởng khoa. 

Nếu “những người trẻ ra nước ngoài học hỏi, tích lũy tinh hoa rồi quay về đóng góp cho đất nước...”

Nhân dịp một lần gặp gỡ với bác sỹ Hồng, câu chuyện của tôi với anh phần lớn thời gian chỉ tập trung vào thắc mắc của tôi: “Vì sao bác sỹ lại bỏ những cơ hội tốt ở Mỹ (mà không phải ai cũng dễ dàng có được) để về Việt Nam làm việc?”.

Sẽ chẳng có câu chuyện ấy, câu hỏi ấy, nếu không có những chuyện ồn ào thời gian qua về trào lưu người khá, giàu tìm cách đi ra nước ngoài sinh sống. Việt Nam là một trong 10 quốc gia có công dân mua nhà tại Mỹ nhiều nhất thế giới, với 3 tỷ USD được chi trả trong năm 2017 và Việt Nam đứng top 10 trong 5 năm liên tục từ 2013 – 2017 (Theo báo cáo "Hồ sơ hoạt động quốc tế về bất động sản tại Mỹ năm 2017" của Hiệp hội Quốc gia Chuyên viên địa ốc Mỹ -NAR). Có những người muốn đi, vì sao anh lại trở về?

Bác sĩ Hồng trả lời một cách nghiêm túc: "Vì tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Tôi được học để trở thành bác sỹ, được đào tạo bác sỹ nội trú bệnh viện, và đã từng làm việc trong môi trường y tế Việt Nam. Từ nhỏ đến lớn, tôi sống trong văn hoá của người Việt quen rồi. Hay nói cách khác, Việt Nam là trong máu thịt của tôi. Tôi ý thức được rằng chính nhờ đất nước, bố mẹ , thầy cô, bạn bè giúp đỡ rèn giũa và động viên tôi mới bước chân được vào Harvard, được học tập và rèn luyện trong một môi trường tốt như thế... Chính vì vậy, với tôi, được sống và làm việc trên quê hương mình chính là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm".

Các bác sỹ phải vượt qua được những vòng tuyển chọn rất kỹ lưỡng để có cơ hội theo học chương trình sau đại học tại ĐH Harvard. Vào được Harvard rồi, càng thêm nhiều thử thách. Bác sỹ Hồng nhớ lại những ngày đầu sang Mỹ, việc học hành, nghiên cứu đều phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Khi mới sang, rào cản ngôn ngữ và sức ép từ môi trường mới, xung quanh toàn những người xuất sắc gây cho anh khá nhiều căng thẳng. “Chính vì thế mà mình phải cố gắng hơn, nỗ lực học hỏi và tính lũy kiến thức mỗi ngày để vươn lên khẳng định bản thân mình”.

“Những người trẻ, họ đi ra nước ngoài học hỏi, tích lũy tinh hoa rồi quay về đóng góp cho đất nước... Chỉ có thế Việt Nam mình mới dần vươn lên ngang tầm các nước khác”- bác sỹ Hồng chia sẻ.

Tuy nhiên, chuyển từ môi trường làm việc hiện đại, đầy đủ trang thiết bị về môi trường bệnh viện còn nhiều khó khăn ở Việt Nam, rõ ràng không phải chuyện giản đơn. Bác sỹ Hồng nói: “Ban đầu tôi cũng cần có chút thời gian để thích nghi lại với môi trường và cơ sở vật chất ở Việt Nam nhưng sau đó mọi việc khá thuận lợi. Tôi may mắn vì lãnh đạo bệnh viện Đại học Y Hà Nội không những là các thày giỏi chuyên môn mà còn rất có tâm, trọng dụng nhân tài. Đó là động lực để tôi vượt qua khó khăn và toàn tâm toàn ý cho công việc ở bệnh viện”.

 Bác sĩ Hoàng Hồng đang thực hiện một ca phẫu thuật

 Mong muốn chữa bệnh cho người Việt

Điều anh suy nghĩ cũng giống như trăn trở của nhiều bác sỹ khác. Những người đỗ ĐH Y Hà Nội hoặc ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh thường phải đạt điểm khá cao, do vậy, họ vốn có tư duy khá trở lên. Nhưng sau 6 năm học, sao số người ra trường và trở thành bác sĩ xuất sắc không nhiều?. 

Trong đào tạo nhân lực ngành y, có 2 vấn đề là đạo đức và chuyên môn quan trọng ngang nhau. Hoàng Hồng so sánh, ở Mỹ, một bác sỹ tương lai trước khi vào Đại học Y họ phải được đào tạo 4 năm Đại học ở một ngành có liên quan đến ngành Y như cử nhân sinh học hay hóa sinh chẳng hạn. Nhiều người trong số họ đã đi làm việc, và vẫn giữ niềm đam mê với ngành y, mới ứng tuyển vào đại học y. Trường đại học y cũng lấy số lượng sinh viên hạn chế, đào tạo rất bài bản và kỹ lưỡng trong 4 năm nữa. Sau đó là thời gian đào tạo bác sỹ nội trú 3-5 năm ở bệnh viện tuỳ chuyên ngành. Muốn trở thành bác sỹ phẫu thuật phải được đào tạo tối thiểu bác sỹ nội trú ngoại tổng quát 5 năm. Muốn trở thành bác sỹ phẫu thuật tạo hình thì cần đào tạo bác sỹ nội trú phẫu thuật tạo hình thêm 3 năm. Như vậy để trở thành một bác sỹ phẫu thuật tạo hình cần được đào tạo bác sỹ nội trú trong 8 năm sau khi đã tốt nghiệp trường đại học y khoa. Học trường Y ở Mỹ cũng giống như ở Việt Nam, thường vất vả hơn sinh viên nhiều trường khác. Để được coi trọng, bác sỹ phải giỏi chuyên môn và có y đức. Theo bác sỹ Hồng quan niệm, y đức của bác sỹ thực ra được nuôi dưỡng từ môi trường gia đình, từ khi người ta còn nhỏ, được bố mẹ dạy yêu thương những người xung quanh, luôn giúp đỡ bạn bè, sống thật thà, trung thực... “Sửa một người thành người tốt là việc không dễ, trong khi nếu bạn đã là một người tốt rồi thì hẳn bạn sẽ trở thành một bác sỹ tốt”. 

Trở về Việt Nam là lựa chọn tự nguyện của anh. “Thực ra là mình muốn đóng góp một cái gì đó nho nhỏ cho cộng đồng của mình. Vấn đề kinh tế thật ra không quá đặt nặng. Tôi không cần giàu, chỉ cần công việc tốt và cuộc sống ổn. Ở Mỹ tốt hơn, đúng, nhưng ở Việt Nam cũng khá đầy đủ. Trong cuộc sống quan trọng là có đam mê và được theo đuổi đam mê. Được khám chữa bệnh cho người Việt tôi cảm thấy thật sự vui và có cảm giác rất đặc biệt.  Chính điều đó mang lại cho tôi nguồn năng lượng tốt”. 

“Mình là người Việt, mình muốn sống trong cộng đồng Việt, muốn cộng đồng phát triển, muốn làm chuyên môn tốt, mình luôn cố gắng chăm sóc và điều trị bệnh nhân để có kết quả tốt nhất có thể”- bác sỹ Hồng nói. 

Có những bác sĩ tốt như thế, bệnh nhân đâu cần ra nước ngoài chữa bệnh!

BS, TS Nguyễn Roãn Tuất, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng nhận xét về người đồng nghiệp trẻ của mình: “Sau một thời gian trở về, bác sĩ Hồng đã hòa nhập rất tốt với môi trường làm việc ở đây, mặc dù có lẽ khác “một trời một vực” so với môi trường hiện đại ở Mỹ”.

 Các y bác sĩ khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ- BV Đại học Y Hà Nội

 “Nếu vì mục đích kinh tế hay sự nổi danh thì bác sỹ Hồng đã ở lại Mỹ. Đang công tác ở một ĐH danh tiếng thế giới, được các đồng nghiệp tín nhiệm và yêu quý, sao lại trở về Việt Nam? Thật ra cũng không có gì khó hiểu. Bác sỹ Hồng nguyên là bác sĩ nội trú xuất sắc chuyên ngành Phẫu thuật Tạo hình của Đại học Y Hà Nội, sau một thời gian đào tạo chuyên sâu ở nước ngoài, học hỏi được nhiều kiến thức kinh nghiệm quý, muốn quay về trả ơn đất nước, trả ơn nơi đã đào tạo mình thành một bác sỹ giỏi... Đơn giản vậy thôi! Muốn cống hiến, đem những gì mình đã học được ở nước ngoài về xây dựng lại nơi mình đã học ngày xưa, đền ơn đáp nghĩa mái trường và các thầy của mình”.

BS Nguyễn Roãn Tuất bày tỏ: “Sau thời gian đào tạo chuyên sâu tại nước ngoài về ứng dụng tại đây, cống hiến cho bệnh viện, phục vụ nhân dân, cùng chúng tôi phát triển khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và bệnh viện Đại học Y Hà Nội... Giờ đây, chúng tôi có bác sỹ tốt, tu nghiệp ở nước ngoài về. Vậy bệnh nhân không nhất thiết phải ra nước ngoài chữa bệnh, thày thuốc ta phục vụ nhân dân ta sẽ tốt hơn nhiều!”./.

(Theo Thúy Hoa/VOV.VN)