Chống dịch COVID-19 trên xứ người và những trải nghiệm khó quên

28/09/2021 10:27:00 AM
Trong cuộc chiến khốc liệt của đại dịch Covid-19, có những bác sĩ như chị Lê Ngọc Hòa Nhã ở Hungary hay nhân viên công tác xã hội như chị Trương Nguyễn Xuân Quỳnh ở Mỹ đã trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch với những trải nghiệm khó quên.

“Ánh sáng cuối đường hầm”

 Bác sĩ Lê Ngọc Hòa Nhã và giây phút thư giãn giữa ca trực ở Hungary

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình với ba mẹ đều là bác sĩ, từ nhỏ, chị Lê Ngọc Hòa Nhã luôn mơ ước sau này lớn lên sẽ giống như ba mẹ mình chữa bệnh cứu người.

Cô nữ sinh Trường chuyên Lê Hồng Phong (TP. Hồ Chí Minh) thường xuyên đạt kết quả cao trong các kỳ thi và nhận được học bổng ngành Hóa học của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và một trường đại học tại Canada.

Tuy nhiên, chị quyết định bỏ lại những suất học bổng này và tham gia ứng tuyển Đại học Y khoa Debrecen (Hungary) và được tuyển thẳng.

Năng động và chăm chỉ, chị luôn nằm trong nhóm sinh viên xuất sắc của trường và cũng là gương mặt khá quen thuộc với giới trẻ Việt tại Hungary thông qua việc tham gia tích cực hoạt động văn hóa - xã hội của Hội Sinh viên Việt Nam và cộng đồng người Việt.

Hiện tại, TS. Lê Ngọc Hòa Nhã đang công tác tại Viện Nội soi xâm lấn, Đại học Semmelweis, Budapest.

Chị kể, trong thời điểm bùng phát dịch COVID-19 tại Hungary đầu năm nay, chị là một trong những bác sĩ làm việc nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19, thậm chí còn bị nhiễm bệnh trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.

Những tháng ngày ấy, với chị, gắn liền với các phiên trực dường như không có hồi kết. Làm bác sĩ tuyến đầu, chị không thể tránh khỏi nỗi buồn thường nhật khi phải từ biệt nhiều bệnh nhân ngã gục trên giường bệnh.

Nhưng không phải không có những niềm vui. Chẳng hạn như khi cùng các đồng nghiệp tạm biệt một bệnh nhân người Việt trở về với gia đình thân yêu sau thời gian kiên cường chiến đấu với COVID-19.

Khi tiếp nhận bệnh nhân và đọc kết quả chụp phổi và thử máu, chị Nhã đã phải trải qua những giây phút kinh khủng của đời làm thầy thuốc là buộc phải thông báo cho gia đình bệnh nhân tin xấu mà không ai muốn đối diện.

Và rồi, chị đã cùng đồng nghiệp miệt mài tìm mọi phương pháp điều trị dù tiên lượng rất xấu, chỉ vì đơn giản cậu ấy còn trẻ quá và nhiều bệnh nhân trẻ khác cũng không qua khỏi.

Thời gian sau, chứng kiến bệnh nhân khá lên từng ngày, bác sĩ Nhã cảm thấy rất tự hào vì cậu ấy đã không ngừng chiến đấu cho chính bản thân mình.

Chị theo sát chân bệnh nhân từ tin nhắn báo giữa đêm khuya của người nhà đến ngày nở nụ cười tươi về lại trong vòng tay của người thân, bạn bè. Để cảm ơn đội ngũ y bác sĩ, gia đình bệnh nhân còn gửi đến những món quà đậm hương vị Việt Nam như cà phê, phở gói, chả giò...

Chị tâm sự: “Mỗi bệnh nhân bước qua ‘cửa tử’ đều mang lại cho tôi và các đồng nghiệp một niềm tin, một tia hy vọng trong cuộc chiến khốc liệt này. Niềm vui cứu được bệnh nhân đang có bầu, rồi sinh thành công... giống như ánh sáng cuối đường hầm, giúp tôi nhìn cuộc sống lạc quan hơn và trân trọng mỗi giây phút được sống, được trải nghiệm”.

Nghề “xoa dịu nỗi đau”

 Chị Trương Nguyễn Xuân Quỳnh cho rằng việc đồng hành với bệnh nhân COVID-19 cũng là một vinh dự

Chị Trương Nguyễn Xuân Quỳnh là Thạc sĩ ngành Y tế cộng đồng tại Đại học Chulalongkon (Thái Lan) và đang theo học Công tác xã hội lâm sàng tại Đại học Boston (Mỹ).

Chị đã rong ruổi từ Boston tới Hershey, Etown, Baltimore, từ bệnh viện tới viện dưỡng lão và nhà chăm sóc cuối đời để thực hành về chăm sóc giảm nhẹ. Chị làm việc với bệnh nhân mắc bệnh nặng và cận kề cái chết, giúp họ sống thoải mái, nhẹ nhàng, bớt đi nỗi đau về tâm lý và xã hội trong quá trình điều trị bệnh.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Mỹ, chị đồng hành với các bệnh nhân COVID-19, chia sẻ, nắm tay họ, thay người nhà nói lời tạm biệt hoặc may mắn thì tiễn họ xuất viện. Có những người bệnh qua khỏi, có những người ra đi.

Nhưng dù là bệnh nhân nào, chị và đồng nghiệp đều cố gắng mang lại cho họ sự chăm sóc để người bệnh chịu đựng đau khổ ít nhất.

Có những ngày làm việc dài ở bệnh viện và trên đường về, khi nhìn thấy vài người thân của bệnh nhân ngồi dọc hành lang, chị cười với họ nhưng cảm thấy thật buồn vì biết họ đến bệnh viện để gặp người thân lần cuối.

Chị kể: “Có một đồng nghiệp đã hỏi tôi là chăm người bệnh Covid thấy sao? Thật tình là tôi thấy sợ, bởi nói không sợ chỉ có nói xạo. Tôi luôn mặc đồ bảo hộ cẩn thận, nhưng đứng trong phòng nói chuyện với người bệnh vẫn lo lắng, kiểm tra khẩu trang tới hai, ba lần và cố để bệnh nhân không nhận ra lo âu.

Tại sao vẫn làm là vì tôi biết ở trong bệnh viện không có người thân bên cạnh đáng sợ ra sao và đi đến cuối đời một mình không kịp nói lời thương với gia đình buồn thế nào. Có bệnh nhân nam khóc trước mặt tôi bảo: “Tôi sợ phải chết ở đây một mình”. Có vợ của bệnh nhân khác nức nở trên điện thoại: “Xin em nhắn giùm anh nhà chị là chị thương anh nhiều dù không ở cạnh anh được và không hối hận gì khi lấy anh”. Nghe có vẻ màu mè, nhưng tôi nói với đồng nghiệp là được đồng hành với người bệnh vào giây phút họ cô đơn, sợ hãi và khó khăn nhất cũng là một vinh dự”.

Với những trải nghiệm ở Mỹ, chị Quỳnh trăn trở làm sao để người bệnh và đặc biệt người mắc COVID-19 ở quê hương được chăm sóc toàn diện, đặc biệt là được nâng đỡ về tâm lý, xã hội chứ không chỉ là điều trị.

Chị đã giúp thiết kế và giảng dạy các khóa đào tạo nghiệp vụ công miễn phí trong bệnh viện cho nhân viên xã hội và sinh viên với sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia tại Việt Nam và học giả Fulbright từ Mỹ.

Khóa học này là quà tặng dành cho những ai đang tham gia chăm sóc người mắc COVID-19 hoặc đang hỗ trợ gia đình họ tại cộng đồng. Bên cạnh đó, chị còn tham gia giảng dạy trực tuyến về công tác y tế cho sinh viên y khoa, song song với việc hỗ trợ tư vấn xây dựng dịch vụ công tác xã hội cho các bệnh viện, trở thành diễn giả tại các hội thảo trực tuyến.

Chị Quỳnh tin rằng, việc quan tâm đến nỗi đau tâm lý xã hội của người bệnh cũng quan trọng như việc chăm sóc sức khỏe thể chất. Mọi nguyện vọng của người bệnh đều nên được chú ý và trân trọng trong quá trình điều trị. Với người bệnh ở giai đoạn cuối đời, chị tin rằng ai cũng xứng đáng có một cái chết an lành với đầy đủ nhân phẩm và giá trị.

Chị chia sẻ: “Khi ai đó chúng ta quan tâm trải qua nỗi đau mất người thân, theo lẽ thường chúng ta sẽ mong họ bớt đau buồn, cảm thấy khá hơn, vui hơn và vượt qua nỗi đau. Vì vậy chúng ta hãy an ủi họ, bảo họ rằng mọi chuyện sẽ ổn, khuyên họ cố lên. Thực tế, nỗi đau mất đi người thân không bao giờ mất đi được, chỉ là chúng ta lớn lên và đủ sức mang theo chúng mỗi ngày”.

Minh Sơn/ baoquocte.vn