Chuyển đổi số và Chính phủ thông minh

21/04/2020 02:02:00 PM
Phạm vi của bài này, trên góc độ công nghệ thông tin (CNTT), tôi muốn làm rõ hơn các định nghĩa về Chính phủ điện tử, Chính phủ thông minh, giá trị cốt lõi của chính phủ, những chức năng cơ bản cho những nhóm người sử dụng CPĐT, phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, thách thức, nỗ lực của chính phủ trong thời gian qua, đưa ra những đề nghị nên tiếp tục thế nào, để tất cả mọi người suy nghĩ có thể làm tốt được hơn không và chuyển đổi số thực sự có thể giúp gì cho Việt Nam rút ngắn khoảng cách với thế giới, và để câu chuyện “đi tắt, đón đầu” không mãi chỉ là giấc mơ của cậu bé Phù Đổng năm nào.

 Nhà Chính phủ & Quốc hội Hà Lan - Nguồn: Internet

Cựu tổng thống Mỹ, Barack Obama nói: “Tôi muốn mỗi ngày chúng ta tự hỏi mình, sử dụng công nghệ như thế nào để tạo ra sự khác biệt thực sự trong cuộc sống của con người”. Chuyển đổi số trong Chính phủ điện tử (CPĐT) đã và đang tạo ra sự thay đổi trong đời sống hàng ngày của chúng ta.

Một số định nghĩa

 

Theo Liên Hiệp Quốc (UN, 2014), Chính phủ điện tử là việc sử dụng và áp dụng công nghệ thông tin trong hành chính công nhằm hợp lý hóa và tích hợp quy trình công việc và các quy trình, để quản lý dữ liệu và thông tin hiệu quả hơn, tăng cường cung cấp dịch vụ công cộng và mở rộng các kênh truyền thông để tham gia và trao quyền cho mọi người. Cho đến nay, chính phủ cũng đã sử dụng Internet, công nghệ thông tin và truyền thông để điều hành chính phủ nhưng người dùng chủ yếu là công chức chính phủ, khác với chính phủ điện tử, phần đông là người dân truy cập vào các dịch vụ công qua các Web portal – cổng dịch vụ công bằng mobile hay máy tính cá nhân.

Chính phủ điện tử thông minh – Intelligent hay chính phủ thông minh có nghĩa là CPĐT thế hệ tiếp theo, kết hợp CNTT thông minh và sự sáng tạo của con người để đổi mới quản trị chính phủ và cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu, làm hài lòng mọi người, đồng thời mở và chia sẻ tất cả thông tin điều hành của chính phủ một cách minh bạch và an toàn, có thể hỗ trợ khôn ngoan các hoạt động chính phủ khi giao tiếp với công chúng, dự đoán được những vấn đề có thể xảy ra trong tương lai như chiến tranh, thời tiết, dịch bệnh… Tiên tiến hơn về mặt định lượng và chất lượng so với CPĐT hiện tại vì sử dụng các công nghệ thông tin số mới nhất như IoT – Internet vạn vật, Cloud - điện toán đám mây, Big data - Dữ liệu lớn, ML & AI – Học máy & Trí tuệ nhân tạo và Blockchain – Chuỗi khối…

Trong phương pháp tiếp cận làm chiến lược chuyển đổi số, chúng ta chia ra làm bốn bước chính:

1. Xác định giá trị cốt lõi (DNA) của chính phủ là gì.
2. Xác định ai là “khách hàng” và làm gì cho họ để nâng cao trải nghiệm khách hàng, tăng lợi nhuận và giảm chi phí vận hành.
3. Đánh giá và phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, thách thức và cơ hội.
4. Đề nghị chiến lược phát triển theo các trình tự cần thiết và trong kinh phí cho phép.

Giá trị cốt lõi của chính phủ

Bước đầu tiên, chúng ta cần xác định giá trị cốt lõi của chính phủ là gì. Ở đây, chúng ta đang bàn, đề cập đến nhiệm vụ cốt lõi của chính phủ. Theo Daniel của IBM, trong bài viết 7 yếu tố thúc đẩy sự đổi mới của chính phủ, một cách ngắn gọn nhiệm vụ của chính phủ là: để bảo vệ người dân trong ranh giới của đất nước, và để cung cấp các dịch vụ cần thiết khác nhau để cho mọi người được sống hạnh phúc. Vì những lý do này, các chính phủ cố gắng tự biến đổi để thực hiện các vai trò của mình một cách hiệu quả, nghĩa là cung cấp các dịch vụ công cộng và chính sách công tại cấp độ cao. Và nói như John Adams (1735-1826), tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ: "Hạnh phúc của xã hội là sự kết thúc của chính phủ". Nhưng cho đến hôm nay, trên toàn thế giới, thì con người vẫn chưa hạnh phúc hoàn toàn, do nhiều lý do khác nhau như chiến tranh, dịch bệnh, giáo dục, kinh tế, thể chế… nên vai trò của các chính phủ vẫn còn. Các chính phủ vẫn đang tự thay đổi để chứng minh cần thiết sự tồn tại của mình trên tiền đóng thuế của người dân và chịu sự giám sát người dân thông qua các cuộc bầu cử, hệ thống truyền thông độc lập và mạng xã hội.

Người dùng và những chức năng chính của CPĐT

Bước thứ hai trong chuyển đổi số, chúng ta cần xác định ai là “khách hàng” của chính phủ, chức năng là gì, và cùng suy nghĩ làm gì nâng cao trải nhiệm khách hàng:

 Tương tác giữa các nhóm người dùng trong CPĐT (Nguồn: Internet)

• Nhóm khách hàng lớn nhất là người dân (G2C - Government to Citizens), mà chính phủ phải cung cấp thông tin kịp thời, trung thực cho người dân như chiến tranh, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, giáo dục…, rồi cung cấp dịch vụ công cho người dân như giấy khai sinh, tình trạng hôn nhân.., giải quyết khiếu nại như tranh chấp đất đai, lạm dụng quyền lực… theo đúng luật pháp cho phép, lấy ý kiến người dân đóng góp…

• Nhóm khách hàng thứ hai (G2B - Government to Business), là các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, nhà sản xuất… mà chính phủ phải cung cấp các thông tin: về các dự án như giao thông công cộng, quy hoạch thành phố, văn bản, hướng dẫn sử dụng, quy định, thi hành chính sách nhà nước...; cung cấp giấy phép, giám sát đóng thuế, kiểm tra chất lượng hàng hóa và cung cấp giấy phép chất lượng…

• Nhóm khách hàng thứ ba (G2G - Government to Government), là các cơ quan chính phủ, CPĐT tạo nên khả năng phối hợp, chuyển giao và cung cấp các dịch vụ một cách có hiệu quả giữa trung ương và địa phương, các cấp, ngành, tổ chức, bộ máy nhà nước trong việc điều hành và quản lý nhà nước, trong đó chính phủ vừa đóng vai trò là chủ thể và khách hàng trong mối quan hệ này.

• Nhóm khách hàng cuối cùng (G2E - Government to Employees), là các công chức làm việc cho chính phủ, họ cần có những hệ thống tìm kiếm thông tin trên những rừng luật, chồng chéo lẫn nhau để cung cấp các giấy tờ cho người dân theo đúng pháp luật hay hệ thống phân tích dự liệu dựa trên nền tảng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo để thể dự đoán khả năng chiến tranh, tác động môi trường, nhu cầu giao thông công cộng… để tư vấn cho lãnh đạo một cách kịp thời.

Điểm mạnh, điểm yếu, thách thức và cơ hội

Bước tiếp theo, chúng ta phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, thách thức của các hệ thống CPĐT trong 15 năm qua, để có kiến nghị những bước tiếp theo cho chính phủ và các bộ ngành liên quan.

• Điểm mạnh: Từ năm 2006, chính phủ đã có Cổng thông tin điện tử chính phủ, cung cấp rất nhiều thông tin bổ ích cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao nhận thức về lợi ích của CPĐT, dịch vụ công, đã ban hành rất nhiều quyết định về CNTT, CPĐT, đề án chuyển số quốc gia, CMCN 4.0… và đưa ra kiến trúc CPĐT cho tất cả các doanh nghiệp cùng tham gia phát triển. Có tới 40 phần trăm các tỉnh thành có cổng dịch vụ công cho công dân và doanh nghiệp, nâng bậc Việt Nam trên danh sách các nước có hệ thống Chính phủ điện tử. Cần nhắc đến thành công cổng dịch vụ công ở các tỉnh thành như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Quảng Ninh…, cổng dịch vụ quốc gia, kết nối với các cổng dịch vụ công của tỉnh, thành qua trục liên thông và hệ thống xác thực trực tuyến một cổng – SSO (Single Sign-On). Người dân và doanh nghiệp có thể tìm kiếm thông tin, tham khảo một số thủ tục, giấy tờ, và làm được một số giấy tờ trực tuyến, tiết kiệm thời gian đáng kể.

• Điểm yếu và thách thức: Mặc dù có nhiều tiến bộ ở trên, nhưng những bài toán cơ bản vận hành quốc gia vẫn còn nguyên vẹn như hệ thống quản lý dân số, địa chỉ quốc gia, bản đồ số, hệ thống quản lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu tri thức quốc gia…

Năm 2011, theo yêu cầu của Bộ Công an, hệ thống quản lý dân số chỉ cần lưu trữ 19 trường số liệu như họ, tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, nơi sinh… nhưng 45 năm hòa bình rồi, chúng ta vẫn chưa có hệ thống quản lý dân cư tập trung, tất cả vẫn phụ thuộc vào cuốn hộ khẩu nhỏ, năng lực và nhiệt tình của công an khu vực, người dân vẫn phải cố giữ những giấy tờ nhàu nát mấy chục năm để chứng minh tôi là tôi. Trong thời gian qua, có rất nhiều dự án Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước, hệ thống quản lý dân số bằng tiền ODA, rồi kinh phí chính phủ, chồng lấn lên nhau, chưa kể đến kinh phí nuôi dưỡng các tổ chức liên quan đến thống kê dân số…và chúng ta cứ say sưa nói đến AI – Trí tuệ nhân tạo, Blockchain - Chuỗi Khối, Big Data – Dữ liệu lớn, vận hành thành phố thông minh… nhưng người dân muốn chứng minh tình trạng hôn nhân để có thể mua được bất động sản hay kết hôn, thì phải đến nơi có hộ khẩu thường trú để xác thực với công an xã hay phường, có thể cách hàng nghìn km, mặc dù nơi ở cũ, chẳng ai còn biết anh là ai, vì giấy tờ lưu trữ bị mối ăn hay thất lạc rồi.

Có phải chúng ta không có khả năng phát triển hệ thống này không? Tôi xin khẳng định là có, thừa năng lực phát triển vì hệ thống cá độ bóng đá trực tuyến với hàng chục triệu người chơi cùng một lúc, phức tạp hơn nhiều, vẫn có thể phát triển được và chạy rất mượt cho tới khi bị phát hiện… nhưng tại sao chúng ta lại thất bại ở bài toán CNTT đơn giản nhất như vậy? Câu trả lời cho nghịch lý này có lẽ là cách quản lý và phát triển các dự án CNTT không hiệu quả và có nhiều lỗ hổng, gây thất thoát và không quy được trách nhiệm. Tuy nhiên, vấn đề xác thực công dân trực tuyến hay người dùng hệ thống chính phủ điện tử là điều kiện bắt buộc vì các hệ thống hiện tại không thể xác thực định danh ai là người xin giấy tờ.

Rất nhiều cơ quan có nhiệm vụ chức năng chồng lấn về CPĐT hay CNTT hay Tin học hóa hay An toàn thông tin hay Khoa học công nghệ(KHCN)… vì khi tin học hóa trong CPĐT là áp dụng các giải pháp CNTT, KHCN vào kinh doanh, sản xuất, quản lý nhà nước… và tất nhiên các giải pháp phải an toàn thông tin, hay bàn đến Trí tuệ nhân tạo mà không có dữ liệu, không biết thu thập dữ liệu từ đâu thì chỉ là câu chuyện giải trí cho hết thời gian. Cho nên, rất nhiều các quyết định của chính phủ do các cơ quan này tư vấn về CPĐT hay CNTT rất nhiều chồng lấn và xung đột lẫn nhau, độc giả có thể xem thêm các quyết đinh này trên Internet. Kết quả, chính phủ giao nhiệm vụ phát triển các dự án CNTT cho các cơ quan không có chức năng và kinh nghiệm nên nhiều dự án không thành công và một núi phần cứng nằm đắp chăn.

Kiến trúc CPĐT hiện tại sẽ tạo ra hàng trăm hệ thống CNTT và cơ sở dữ liệu phân tán ở các bộ và các địa phương, tốn kém, tạo nhiều lỗ hổng bảo mật, không đảm bảo hoạt động một trăm phần trăm, chưa kể các khi thảm họa xảy ra như cháy, lũ lụt, hay bị virus xóa, hay tin tặc cưỡng chiếm dữ liệu, cần rất nhiều nỗ lực và thời gian để phát triển tích hợp các hệ thống với nhau nhưng không thống nhất và chất lượng dữ liệu không đảm bảo, không thể liên kết các hệ thống khác như bảo hiểm y tế, bằng lái xe, thuế, công chứng... và làm rộng hơn khoảng cách giữa địa phương giàu, nghèo.

 Cổng Dịch vụ công Quốc gia
Mô hình phân tán và kết nối qua các trục liên thông

Mỗi bộ ngành, địa phương có Trung tâm CNTT riêng, bộ có tiền thì tiêu thoải mái vào phần mềm và phần cứng nhưng bộ nghèo thì kinh phí cho CNTT chỉ vài trăm tỷ, mua mấy cái máy in đã hết tiền, chứ chưa nói đến phát triển cái gì mới, nên việc ứng dụng CNTT cho chuyên ngành rất bị hạn chế. Chia sẻ thông tin, tài liệu giữa các bộ qua những trục liên thông nho nhỏ, không an toàn vì do kinh phí và kiến thức phát triển, vận hành, bảo mật của mỗi bộ và địa phương rất khác nhau, thiếu đồng bộ. Chưa kể những tài liệu tuyệt mật bị “phơi bày” trên Internet và rất khó truy vết ai là người phân tán.

Một số kiến nghị

Bước cuối cùng là những đề nghị làm sao tận dụng những điểm mạnh, khắc phục những hạn chế, nhất là kiến trúc CPĐT phân tán, giải quyết tận gốc những thách thức như xác thực người dùng trực tuyến và nắm bắt các công nghệ số mới và chương trình Chuyển đổi số Quốc gia để phát triển CPĐT thế hệ mới, làm cho chính phủ thông minh hơn, giảm chi tiêu cho chính phủ và địa phương, triển khai nhanh và đồng bộ, mang lại lợi ích nhanh chóng cho tất cả người, có thể tiếp cận CPĐT qua Internet hay điện thoại thông minh, ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.

Chính phủ cần tập hợp các cơ quan chức năng liên quan đến chuyển đổi số, CPĐT, CNTT, Tin học hóa, An toàn thông tin, Cơ yếu chính phủ, KHCN… thành một cơ quan chức năng chung, chuyên nghiệp hóa cao về CNTT như CIO ở các doanh nghiệp để phát triển, vận hành các hệ thống CNTT phụ vụ cho CPĐT. Và chính phủ và các bộ chỉ như khách hàng, đặt đơn hàng với những yêu cầu cụ thể mà không tham gia vào phát triển như hiện nay vì như vậy sẽ rời xa nhiệm vụ cốt lõi của mình. Ngoài ra cần có kinh phí để thuê chuyên gia làm chiến lược chuyển đối quốc gia và CPĐT cho 5 – 10 năm tới thì mới có thể lên kế hoạch và kinh phí phát triển khả thi và ra quyết định đúng và thống nhất trong lĩnh vực này.

Bộ TT & TT, cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ, nên tập hợp các yêu cầu chức năng và sắp xếp theo mức độ cần thiết, chuẩn hóa và đơn giản hóa các quy trình hành chính hay nghiệp vụ, công khai cho tất cả các bộ ngành đối tác, tạo ra sân chơi công bằng cho các công ty có khả năng phát triển theo đúng tiêu chí của chính phủ kiến tạo mà Thủ thướng Nguyên Xuân Phúc đã nhắc đến rất nhiều lần.

Nên phát triển nền tảng Điện toán đám mây (ĐTĐM) trong trung tâm dữ liệu ở cả ba miền, kết nối lẫn nhau, dùng chung cho tất cả các địa phương, các bộ, các cơ quan ngang bộ của chính phủ, tất cả sẽ được cung cấp các máy ảo và chỗ lưu trữ, cơ sở dữ liệu theo yêu cầu, tất cả chương trình chuyên ngành của bộ hay địa phương như hệ thống quản lý tội phạm của Bộ Công An, hay hệ thống quản lý du lịch của Tổng cục Du lịch… sẽ chạy trên đó cùng với các chương trình chung cho các nhóm “khách hàng” của CPĐT đã nói ở trên, phối hợp với bộ TT&TT thuê chuyên gia thẩm định và mở rộng các nền tảng ĐTĐM mà các công ty viễn thông đã phát triển. ĐTĐM là nền tảng số quan trọng nhất trong chuyển đổi số, tạo nên cơ sở hạ tầng linh hoạt, đáp ứng nhanh theo yêu cầu của người dùng, chia sẻ tài nguyên, giúp quản lý và giám sát tập trung, chuyên môn hóa cao, giảm chi phí vận hành và phát triển, và bảo đảm an toàn thông tin. Cho nên những nước đi sau như chúng ta thực sự may mắn nếu biết tận dụng tối đa những công nghệ CNTT mới. Về phương diện an toàn thông tin thì càng ít cửa càng tốt, ở đây là ít các trung tâm dữ liệu thì càng dễ bảo vệ hơn hàng trăm chỗ, phân tán. Thực tiễn cho thấy, Amazon cũng chỉ có ba trung tâm dữ liệu, cũng cấp ĐTĐM cho tất cả các khách hàng châu Âu ở Amsterdam, Frankfurt và Dublin hay tổng công ty cũ của tôi cũng chỉ có hai trung tâm dữ liệu cho 12 nước ở châu Âu. Kiến trúc CPĐT trên nền tảng tập trung này có nhiều nước đã phát triển thay vì phân tán theo kiểu Mỹ, theo các bang và các bộ hay hay ở các nước phát triển, vì những năm 90 chưa có giải pháp ĐTĐM, SDN…. Ví dụ: năm 2009, chính phủ Nhật Bản đã phát triển nền tảng ĐTĐM dùng chung cho tất cả các bộ của chính phủ, gọi là Kasumigaseki Cloud of Japan. Ở Hà Lan, có bộ Cơ sở hạ tầng, chịu trách nhiệm vận hành tất cả trung tâm dữ liệu của tất cả các bộ ngành của chính phủ. Tương tự ở Hungary, tất cả bộ ngành và địa phương đều dùng chung một trung tâm dữ liệu và tất cả các dịch vụ của chính phủ đều được vận hành ở đó, gọi là NISZ – Trung tâm cung cấp dịch vụ truyền thông quốc gia.

Nên ứng dụng phương pháp mã hóa Bitcoin vào vấn đề bảo mật thông tin vì hệ thống Bitcoin chạy ở bất kỳ nơi đâu, bất cứ máy nào, không có firewall – bức tường lửa, không có phần mềm chống virus hay hacker, không có quản trị mạng, vẫn đảm bảo truyền dữ liệu tới đích, không bị thay đổi. Bitcoin đã định nghĩa lại khái niệm an toàn thông tin: không tin ai và không đưa chìa khóa giải mã cho ai. Hiện tại, tất cả phương pháp bảo mật thường dùng RSA - Hệ mã hóa bất đối xứng, tương đối tốt, nhưng chìa khóa lại đưa cho bên thứ ba xác thực, gọi là Certificate Authority - Cơ quan cấp chứng chỉ là khóa thật. Và cơ quan thứ ba có thể bị hacker, mafia, KGB… chiếm đoạt và chèn middle man: cặp khóa giả vào giữa đường truyền dữ liệu, nên tất cả hệ thống an toàn nhất ở thế giới đều có thể mở được.

Có lẽ hệ thống quản lý dân cư tập trung, cần phát triển đầu tiên trên nền tảng ĐTĐM để có thể xác thực được người dùng trực tuyến. Cần thống nhất Chứng Minh nhân dân hay Thẻ căn cước thành một, có thẻ điện tử trên thẻ căn cước, lưu trữ thông tin cá nhân trên đó, có thể đọc được qua điện thoại thông minh với chuẩn NFC (Near-Field Communications) là chuẩn kết nối không dây trong phạm vi tầm ngắn, làm cơ sở xác thực người dùng trong các dịch vụ công tương lai. Ở Hà Lan, hệ thống xác thực - DigiD,  có App xác thực công dân rất an toàn, dùng kỹ thuật NFC, đọc thông tin xác thực người dùng lưu trên thẻ điện tử (chip) của bằng lái xe hay thẻ căn cước.

 Cổng Dịch Vụ Công Quốc Gia
Mô hình tập trung cho tất cả các cấp – Tiết kiệm & Triển khai nhanh

Tiếp theo là nên phát triển cổng dịch vụ công tập trung cho tất cả các địa phương và các bộ ngành như hình vẽ trên, trên nền tảng ĐTĐM, xác thực trực tuyến với 2 lớp, dựa theo dữ liệu mà hệ thống quản lý dân cư đã phát triển, theo các chuẩn mà Amazon hay Google đã sử dụng, phân quyền truy cập người dùng, các dữ liệu tập trung trên nền tảng Dữ liệu lớn, trục liên thông không còn vai trò nữa, với các Chatbots thông minh hướng dẫn người dân tìm kiếm thông tin nhanh nhất. Năm 2017, Mobifone có nhờ tôi tư vấn kiến trúc cổng Dịch vụ công Quốc gia, tôi và các đồng nghiệp Mobifone đã đề nghị kiến trúc tập trung, cũng đã chia sẻ với sở Thông tin và Truyền thông của TP. Hồ Chí Minh. Rất tiếc tôi không có cơ hội trao đổi trực tiếp với Văn phòng chính phủ và các hệ thống phân tán với trục liên thông tiếp tục phát triển với nhiều bất cập như đã phân tích ở trên.

Tiếp theo, nên phát triển hệ thống quản lý tài liệu & văn bản tập trung với chữ ký số theo chuẩn chung của thế giới: dễ dùng và an toàn, cho tất cả các bộ trên nền tảng ĐTĐM, Dữ liệu lớn, Chuỗi khối, có thể tìm kiếm theo tiêu đề và nội dung ví dụ dùng Elastic Search. Và không cần các trục liên thông nho nhỏ để chia sẻ tài liệu mà chỉ cần cho bộ có nhu cầu, quyền truy cập, ví dụ: Kiểm toán nhà nước có thể truy cập thông tin của sở thuế một cách dễ dàng khi cần thiết. Kỹ thuật Chuỗi khối sẽ lưu vết trên tài liệu, ai tải xuống, từ đâu, lúc nào và truy được trách nhiệm người phát tán tài liệu mật.

Tiếp theo, nên phát triển hệ thống quản lý hồ sơ địa chính trên nền tảng GIS – hệ thống thông tin địa lý và bản đồ số, để quản lý quyền sở hữu đất đai của người dân, doanh nghiệp và nhà nước, giải quyết tận gốc các tranh chấp đất đai (năm 1995, đã có chương trình pilot xong cho Bộ Tài Nguyên Môi trường, nhưng không đưa vào sản xuất được do những lợi ích riêng đã cản trở và hơn 20 năm qua vẫn không tiến triển, chỉ có những phát triển nho nhỏ trên MicoStation và không có bản quyền). Tất nhiên, không thể dùng bản đồ của Google hay Apple… vì mất tiền và không chính xác và câu chuyện chất lượng bản đồ số và cập nhât dữ liệu do bộ TNMT cần được quan tâm hơn.

Tiếp theo, nên phát triển hệ thống tri thức quốc gia tập trung như một Wikipedia mở gồm tất cả thông tin được phân loại như của dịch vụ công cấp một, đề tài nghiên cứu khoa học của tất cả bộ ngành, các phát minh, sáng chế, luật pháp, sách giáo khoa, địa chỉ, tên doanh nghiệp, bao gồm các quyết định, văn bản hết mật sau một thời gian, , bản đồ số, hồ sơ địa chính, thuốc nam, thuốc tây… trên nền tảng ĐTĐM, data lake - hồ dữ liệu, lưu trữ tất cả dữ liệu có kiến trúc và phi kiến trúc, có thể tìm kiếm theo tiêu đề và nội dung.

Phần cuối cùng, nhưng quan trọng nhất đó là nên thành lập ban kiến trúc CPĐT thông minh, có kiến trúc sư trưởng CNTT trong CIO, chịu trách nhiệm chính về kiến trúc giải pháp và cùng với ban CNTT chọn đối tác và phân tích đánh giá các giải pháp, lập ra chiến lược phát triển CPĐT thông minh trong kinh phí cho phép, dịch các yêu cầu chức năng thành các giải pháp CNTT, sử dụng những công nghệ số mới nhất, đảm bảo kiến trúc dữ liệu mở, giao diện mở, và các tiêu chuẩn mở; công khai với tất cả các bên liên quan. Nên tham khảo các chiến lược phát triển CPĐT mới nhất của thế giới như Canada Blueprint 2020, URUGUAY: Digital Government Strategy 2020, Korea E-Government Master Plan 2020, NEW ZEALAND: Government ICT Strategy 2015, ISRAEL: The Digital Israel National Initiative 2017, SINGAPORE: Smart Nation 2017, ESTONIA: Digital Agenda 2020 for Estonia…

Có người khuyên, nên quên ý tưởng phát triển tập trung đi vì chính phủ cũng không có kinh phí và khả năng chỉ đạo phát triển dự án CNTT lớn như thế này nên rất khó thành công… và hộ khẩu muôn năm. Tôi không đồng ý với ý kiến này vì các trung tâm dữ liệu tập trung sẽ tiết kiệm hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm và đề nghị nếu chính phủ không có kinh phí phát triển và muốn giảm thiểu những thất bại, thì nên cho phép các doanh nghiệp phát triển và vận hành theo kiến trúc tổng quát của chính phủ và sự chỉ đạo kỹ thuật của kiến trúc sư trưởng CNTT và ban CNTT. Tiền thu được từ dịch vụ công sẽ trả lại tiền đầu tư của doanh nghiệp và bàn giao lại cho chính phủ khi đã thu đủ chi phí và phần trăm lợi nhuận trên tiền đầu tư theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và chính phủ.

Phát triển thành công Chính phủ thông minh sẽ tạo ra phong cách lãnh đạo mới, phương thức mới, giảm kinh phí, cung cấp thông tin và dịch vụ công cho người dân bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, nâng cao trình độ dân trí và năng lực quản lý điều hành đất nước của chính phủ.

Chính phủ thông minh và người dân thông minh thì đất nước sẽ phát triển nhanh hơn và bền vững hơn. “Khách hàng” của chính phủ thực sự hạnh phúc và tự hào có chính phủ thực sự vì nhân dân phục vụ.

Lâm Việt Tùng
Chuyên gia tư vấn CNTT-Viễn Thông cho Vodafone Ziggo (Hà Lan)