Gây dựng, trợ giúp để kiều bào trở thành những 'Đại sứ văn hoá Việt Nam' ở nước ngoài

28/06/2022 04:43:00 PM
Người Việt Nam ở nước ngoài đều phải được gây dựng và trợ giúp để trở thành những “Đại sứ văn hoá Việt Nam” ở nước ngoài. Thông qua những vị Đại sứ này, chúng ta sẽ đạt được thành tựu và hiệu quả cao nhất trong công tác quảng bá văn hoá Việt Nam ở các nước sở tại...

 Ông Mai Phan Dũng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về  NVNONN, Bộ Ngoại giao

Ngày 29/6/2022, Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) trong tình hình mới và Nghị quyết 169/NQ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh công tác NVNONN giai đoạn 2021-2026.

Nhân dịp này, ông Mai Phan Dũng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, đã trả lời phỏng vấn về các hoạt động của kiều bào nhằm quảng bá văn hoá Việt Nam ra thế giới trong thời gian qua.

- Xin ông cho biết đánh giá về hoạt động của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong việc quảng bá văn hoá Việt Nam ra thế giới bên ngoài thời gian qua?

Ông Mai Phan Dũng: Từ trước đến nay, hoạt động quảng bá văn hoá Việt Nam ra thế giới bên ngoài được cộng đồng NVNONN rất chú trọng, và đạt được hiệu quả thiết thực. Việc quảng bá văn hóa Việt Nam được bà con thực hiện liên tục, thường xuyên với sự tham gia của nhiều thế hệ, diễn ra ở nhiều nước trên khắp các châu lục và rất đa dạng, phong phú về hình thức.

Hoạt động này càng thêm sôi động và đa dạng cùng với những bước phát triển vững mạnh của cộng đồng NVNONN, với sự cải thiện và tăng cường quan hệ hợp tác song phương của nước ta với các nước sở tại, với sự quan tâm, hậu thuẫn và hợp tác của các cơ quan, địa phương ở trong nước và của các cơ quan đại diện ngoại giao (CQĐD), lãnh sự của ta ở nước ngoài.

Có thể nói, cộng đồng NVNONN luôn chủ động, sáng tạo, rất nỗ lực và kiên trì trong việc này. Môi trường sinh sống và làm việc không giống nhau ở mọi nơi, đặc điểm và tính chất của cộng đồng ở mọi nơi không như nhau và điều kiện về nhân lực, vật lực và tài chính dành cho việc quảng bá văn hoá đất nước ở các nước sở tại không giống nhau nên hình thức và mức độ hoạt động của NVNONN nhằm quảng bá văn hoá đất nước ở các nước sở tại cũng rất khác nhau.

Nhưng điểm chung và tạo nên cội rễ và hạt nhân trung tâm của các hoạt động này là truyền thống và bản sắc văn hoá Việt Nam, là lịch sử dân tộc, đất nước và con người Việt Nam, là sử dụng mọi hình thức thích hợp và rất sáng tạo để giới thiệu và thể hiện bản sắc và tinh hoa của văn hoá Việt Nam.

Việc này được thực hiện thông qua triển lãm, trưng bày sách, ảnh, ẩm thực, âm nhạc, trang phục dân tộc, dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN và cho bạn bè quốc tế... Qua đó đã kết nối truyền thống lịch sử đất nước và dân tộc Việt Nam với đất nước và con người Việt Nam trong thế giới hiện đại, dùng quảng bá văn hoá Việt Nam ở nước ngoài để quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam hiện tại, giới thiệu thành tựu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Các CQĐD của VNONN cùng các hội đoàn NVNONN luôn coi trọng và thúc đẩy thường xuyên các hoạt động của NVNONN trong việc gìn giữ văn hóa Việt trong cộng đồng NVNONN và góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Bằng việc kêu gọi, tổ chức đóng góp tự nguyện của các hội đoàn và sự hỗ trợ của các CQĐD, đã hình thành nên những lớp học tiếng Việt, các câu lạc bộ hát dân ca, sáng tác thơ, nhiếp ảnh, thể thao, võ cổ truyền, nhóm nhạc…

Phong trào dạy và học tiếng Việt của NVNONN ngày càng phát triển mạnh về nội dung và phương thức giảng dạy, đẩy mạnh hình thức dạy và học trực tuyến, mở rộng mô hình “gia đình học tiếng Việt” để các gia đình có thể tự duy trì việc học hàng ngày. Một số chính quyền sở tại đã cho phép đưa tiếng Việt vào giảng dạy như một ngoại ngữ tại nhiều bậc học.

Các CQĐD cùng hội đoàn NVNONN đã tạo được sự gắn kết chặt chẽ trong cộng đồng, khuyến khích kiều bào giữ gìn bản sắc văn hóa Việt, giúp họ luôn gắn bó và hướng về quê hương, đất nước đồng thời quảng bá Văn hóa Việt đến bạn bè sở tại thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa nhân dịp các ngày lễ lớn, ngày hội truyền thống của dân tộc và của nước sở tại như Tết cộng đồng, Giỗ tổ Hùng Vương, Sinh nhật Bác, Quốc khánh 2/9, Tết thiếu nhi và Rằm Trung Thu, hoạt động tôn vinh phụ nữ (8/3, 20/10), các buổi sinh hoạt chuyên đề về văn hóa, nghệ thuật, các cuộc thi, giao lưu về âm nhạc, thể thao, thời trang và trang phục truyền thống, triển lãm mỹ thuật Việt Nam, ẩm thực...

Các CQĐD đã phối hợp với các đơn vị trong nước triển khai, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa lớn hướng tới cả bạn bè quốc tế và cộng đồng NVNONN. Hàng năm, hoạt động Tuần, Ngày Việt Nam được tổ chức tại nhiều nước, ngoài triển lãm thương mại và văn hóa, quảng bá các sản phẩm thương hiệu Việt, những hoạt động trong chương trình như biểu diễn nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa Việt cũng thu hút được nhiều sự quan tâm của bà con kiều bào, người dân bản địa và quốc tế.

Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao và cá nhân tôi đánh giá rất cao tâm huyết, nỗ lực và thành quả đạt được của cộng đồng NVNONN trong việc quảng bá văn hoá Việt Nam ở các nước sở tại.

Những hoạt động của cộng đồng người Việt Nam trên phương diện này là đóng góp rất quan trọng và tích cực vào công cuộc chung của cả đất nước chúng ta quảng bá văn hoá Việt Nam ra thế giới bên ngoài cũng như vào việc phát triển NVNONN phát triển vững mạnh, ổn định và lành mạnh nội bộ, đoàn kết gắn bó với nhau, đề cao trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng, tăng cường tình cảm gắn bó với đất nước và đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước thịnh vượng, có uy tín cao trên thế giới.

- Vậy, theo ông, cần làm gì để có thể quảng bá hiệu quả hơn văn hóa, đất nước, con người Việt Nam tới người dân các nước thông qua những “đại sứ” là những NVNONN? 

Ông Mai Phan Dũng: Quảng bá văn hoá Việt Nam ra thế giới bên ngoài là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt ngày 12/11/2021 (Quyết định số 1909/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/11/2021), trong Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 2022 – 2026.

Điều này cũng được đặc biệt nhấn mạnh ở Hội nghị ngoại giao văn hóa: “Triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030: Chủ động thích ứng, góp phần lan tỏa giá trị và quảng bá sản phẩm Việt Nam” do Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 20/12/2021.

Như vậy, có thể nói rằng tầm quan trọng của việc này đã được khẳng định và định hướng lớn cùng với kế hoạch triển khai cụ thể đã được xác định. Vấn đề đặt ra bây giờ liên quan đến công tác với NVNONN là triển khai thực hiện cụ thể.

Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao rất coi trọng việc hợp tác và hậu thuẫn cộng đồng NVNONN tiến hành những hoạt động quảng bá văn hoá Việt Nam ở các nước sở tại. Ủy ban đã có những trao đổi cần thiết với các bộ, ban, ngành, các tỉnh thành và địa phương trong cả nước cũng như với các CQĐD, lãnh sự của VNONN để đồng hành với bà con trong công việc quan trọng này.

Ngày nay, mỗi người Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước đều có thể là người đại diện cho đất nước và dân tộc Việt Nam, là những sứ giả thực thụ cho văn hóa Việt Nam, đặc biệt ở nước ngoài.

Trong tinh thần ấy, NVNONN đều phải được gây dựng và trợ giúp để trở thành những “Đại sứ văn hoá Việt Nam” ở nước ngoài. Thông qua những vị Đại sứ này, chúng ta sẽ đạt được thành tựu và hiệu quả cao nhất trong công việc quảng bá văn hoá Việt Nam ở các nước sở tại.

Để làm tốt việc ấy, tôi cho rằng điều cần thiết trước hết là các cơ quan hữu quan và các địa phương trong nước và các CQĐD, lãnh sự của VNONN phải có nhận thức thống nhất về tầm quan trọng của nhiệm vụ đối ngoại này và phối hợp hành động để hậu thuẫn và hợp tác với cộng đồng NVNONN tiến hành những hoạt động cụ thể nhằm quảng bá văn hoá Việt Nam ở nước ngoài.

Sự hậu thuẫn và hợp tác ấy thể hiện ở trao đổi ý tưởng, thảo luận đề xuất, xây dựng chương trình, cùng nhau tổ chức sự kiện quảng bá văn hoá Việt Nam; hỗ trợ tài chính và sản phẩm văn hoá như có thể được cho bà con để thực hiện tiến hành hoạt động quảng bá văn hoá Việt Nam.

Chúng ta cũng cần phải đa dạng hóa các loại hình sinh hoạt văn hóa dành cho kiều bào ở sở tại. Theo đó, Ủy ban Nhà nước về NVNONN tăng cường phối hợp với các CQĐD Việt Nam và các hội đoàn NVNONN tổ chức các hoạt động văn hoá dành cho cộng đồng như các cuộc thi, giao lưu về âm nhạc, nghệ thuật, trang phục truyền thống, ẩm thực... vào các dịp lễ hội truyền thống của dân tộc và của nước sở tại. Những hoạt động này không chỉ tăng cường sự gắn kết giữa cộng đồng với văn hoá dân tộc mà còn tranh thủ giới thiệu với sở tại và bạn bè quốc tế những nét tinh hoa trong văn hoá truyền thống Việt Nam.

Bên cạnh đó, để quảng bá hiệu quả hơn văn hóa, đất nước, con người Việt Nam tới người dân các nước, cần phải bố trí nguồn lực phù hợp, hỗ trợ mạnh mẽ cho công tác về NVNONN. Tăng cường nhiều hoạt động lớn, bên cạnh các chương trình truyền thống như như Xuân Quê hương, Giỗ Tổ Hùng Vương, thăm Trường Sa... cần tập trung vào một số lĩnh vực như tiếng Việt, ẩm thực, nghệ thuật…, chú trọng sự tham gia của kiều bào và hướng tới thế hệ trẻ VNONN.

Sự đóng góp thiết thực của các cơ quan hữu quan vào việc thúc đẩy hoạt động này của bà con còn là làm việc, tác động và vận động chính quyền sở tại, bạn bè và truyền thông ở sở tại ủng hộ chủ định, tạo điều kiện thuận lợi cần thiết và cùng tham gia tổ chức các sự kiện, hoạt động của bà con nhằm quảng bá văn hoá Việt Nam ở sở tại.

Thực chất ở đây là dành cho cộng đồng NVNONN sự coi trọng và quan tâm thoả đáng, vị thế và vai trò xứng đáng cũng như sự tham gia trực tiếp sâu rộng như có thể được trong công cuộc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030 và Chiến lược văn hoá đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 2022-2026.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Bài phỏng vấn được đăng tải trên baophapluat.vn ngày 27/06/2022)