GS Nguyễn Đức Khương: Năng suất lao động sẽ giúp Việt Nam 'trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao'

15/08/2017 09:09:00 AM
Chính phủ muốn tăng trưởng cao hơn là tích cực, nó thể hiện sự táo bạo, tạo cảm hứng và quyết tâm huy động mọi nguồn lực.

Đó là chia sẻ của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương (Học viện Quản lý và quản trị kinh doanh - Pháp), thành viên Tổ tư vấn kinh tế vừa được Thủ tướng thành lập.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương (Học viện Quản lý và kinh doanh - Pháp), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng được thành lập với nhiều kỳ vọng sẽ giúp Chính phủ có nhiều sách lược để đưa kinh tế đất nước phát triển bền vững hơn. Là thành viên của Tổ tư vấn, ông cảm thấy áp lực thế nào?

- Với bất cứ công việc nào, khi dấn thân tôi đều mong muốn làm thật tốt, và với công việc đặc biệt quan trọng này tôi càng muốn làm tốt hơn. Tuy nhiên, đây là một áp lực rất tích cực. 

- Dù vậy đã nửa năm trôi qua, vẫn còn khá nhiều nút thắt, điểm nghẽn để nền kinh tế bứt phá, cũng như đạt mục tiêu trước mắt là tăng trưởng GDP 6,7% năm nay. Theo ông những việc cần làm ngay mà Tổ có thể tư vấn cho Chính phủ để đạt mục tiêu tăng trưởng là gì?

- Tổ tư vấn đưa ra nhiều giải pháp, ví dụ như giải pháp nâng cao năng suất lao động, hiệu quả đầu tư các nguồn vốn, và cải cách hành chính...

Cá nhân tôi thấy năng suất lao động là vấn đề sống còn. Đúng là vấn đề này cần thời gian và đào tạo, nhưng cũng có những cách làm để nâng cao năng suất lao động ngay. Ví dụ, giao việc theo kết quả, thiết lập các quy trình rõ ràng trong các cơ quan tổ chức để làm giảm tắc nghẽn, tạo môi trường thông thoáng, và tăng thời gian làm việc hiệu quả ở cả phạm vi cá nhân, tổ chức Nhà nước và doanh nghiệp.

Tôi cũng muốn nói rằng tăng trưởng không chỉ là mục tiêu và mối quan tâm của Chính phủ, mà mỗi người lao động, doanh nghiệp cũng cần coi đó là mục tiêu, mối quan tâm của mình. Để dễ hình dung, tôi đơn cử, nếu mỗi cá nhân, tổ chức tăng chất lượng công việc lên 10% so với trước, thì cộng lại thành quả chung của quốc gia sẽ không dưới 10%.  

- Trong các trụ cột phát triển kinh tế người ta hay nhắc nhiều đến việc phải cơ cấu mạnh khối doanh nghiệp Nhà nước, thủ tục hành chính và kiến tạo môi trường cho khu vực tư nhân…Trong số này, theo ông cần ưu tiên cải cách trụ cột nào trước?

- Ba cải cách này đều quan trọng. Năng lực quản lý của khối doanh nghiệp còn yếu, hiệu quả đầu tư vốn còn rất thấp. Các thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, đặc biệt là tốc độ cải cách hành chính chậm, gây trở ngại và kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Khối kinh tế tư nhân cũng cần môi trường và hỗ trợ mạnh từ Chính phủ để bứt phá, hội nhập hiệu quả, ra biển lớn.

Nếu phải ưu tiên nguồn lực để giải quyết một vấn đề trước tiên, tôi nghĩ đến cải cách hành chính để đơn giản thủ tục ở các cấp Trung ương và địa phương, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và tâm lý thoải mái cho các doanh nghiệp. Các thủ tục phức tạp, nhiều cửa chính là cơ hội cho nhũng nhiễu, cửa quyền và tham nhũng, làm cản trở động lực tích cực của nền kinh tế.

Tôi nghĩ phải xem xét một cách tổng thể ở phạm vi quốc gia cả về luật, các quy trình, và văn bản dưới luật xem cụ thể những chồng chéo này như thế nào, ở đâu, để có giải pháp đồng bộ.

Bên cạnh đó, nên có những biện pháp mạnh, lộ trình thực hiện rõ ràng cho các bộ ngành liên quan và cơ chế kiểm soát thực hiện sát sao. Việc xây dựng và thông tin minh bạch về những chỉ số giúp doanh nghiệp đánh giá sự chuyên nghiệp của cán bộ hành chính, nỗ lực nâng cao hiệu quả của cải cách hành chính công là cần thiết.

- Tại cuộc họp đầu tiên với Thủ tướng, Tổ tư vấn đưa ra kế hoạch mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong 5 năm tới. Mục tiêu này có gì mâu thuẫn khi Chính phủ luôn muốn tăng trưởng cao hơn?

- Có nhiều cách tiếp cận và kịch bản khác nhau. Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều yếu tố và ưu tiên khác nhau. Các ràng buộc vĩ mô và môi trường kinh doanh quốc tế, như nợ công, thu – chi ngân sách, xu thế bảo hộ, giá dầu thô thấp… cũng ảnh hưởng trực tiếp và lớn đến mục tiêu tăng trưởng. Việc Chính phủ muốn tăng trưởng cao hơn là tích cực, vì nó thể hiện sự táo bạo, tạo cảm hứng và quyết tâm huy động mọi nguồn lực.

- Trong thành phần Tổ tư vấn lần này có điểm mới là quy tụ những chuyên gia ở nước ngoài, nhưng cũng có ý kiến tỏ ra tiếc khi thiếu bóng dáng của đại diện doanh nghiệp. Quan điểm của ông ra sao?

- Cá nhân tôi cũng nghe nhiều quan điểm, ý kiến về chuyện này. Bản thân tôi cũng như các thành viên trong Tổ tư vấn luôn tìm hiểu, lắng nghe các doanh nghiệp, đồng thời tiếp cận, nghiên cứu và thể hiện được những mong muốn đề xuất của họ. Trong cơ chế hoạt động của tổ, Thủ tướng cũng cho cơ chế và khuyến khích tổ làm việc với các bộ, ngành, tỉnh thành và các doanh nghiệp. Từ đó có thể đưa ra những chính sách vĩ mô đồng bộ, tính đến những động lực, khó khăn và thách thức chung của nền kinh tế.

Chúng tôi đang nỗ lực nhìn về một hướng vì cái chung của nền kinh tế. Cam kết của Tổ tư vấn với Chính phủ khá rõ ràng và ngược lại, chính Chính phủ cũng đặt hàng trở lại Tổ tư vấn.

Ngày 28/7 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định lập Tổ tư vấn kinh tế, để tư vấn cho Thủ tướng về các vấn đề phát triển kinh tế. Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn, nguyên chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia làm Tổ trưởng.

Ngoài các chuyên gia trong nước, Tổ tư vấn còn có sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế Việt Nam đang làm việc, giảng dạy tại các trường đại học, viện nghiên cứu ở nước ngoài.

Tổ Tư vấn kinh tế có nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng về các chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển kinh tế trong trung hạn và dài hạn, cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.

(Theo Anh Minh/VnExpress)