Hội người Việt Nam tại Pháp (18/6/1919 – 18/6/2019): Một trăm năm một con đường

03/07/2019 05:17:00 PM
Ngày 15/6 vừa qua, Hội người Việt Nam tại Pháp kỷ niệm 100 năm thành lập Phong trào Việt kiều và Hội người Việt Nam tại Pháp. 100 năm đã qua nhưng tôi vẫn luôn nhớ tên người - Nguyễn Ái Quốc và những người cùng chí hướng đã đứng ra để thành lập Nhóm người An Nam yêu nước.

Cho đến nay, hàng loạt hội đoàn yêu nước của người Việt tại Pháp đã được thành lập. Năm 1969, Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp ra đời. Năm 1976, Hội Người Việt Nam tại Pháp được thành hình; từ đó đến nay, Hội luôn luôn gắn bó với đất nước, đồng hành cùng dân tộc, hoạt động đấu tranh cho các đoàn đàm phán hiệp định Paris và góp phần không nhỏ trong tiến trình ký kết Hiệp định Paris. Dù rằng gặp nhiều khó khăn nhưng Hội Người Việt Nam tại Pháp vẫn đi theo đúng một con đường, giữ vững giá trị cao quý vì đất nước, vì cộng đồng cho đến ngày hôm nay.

Lễ kỷ niệm 100 năm được tổ chức tại Hội trường tương tế Maubert, một địa điểm quen thuộc đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nơi đây, năm 1946 - sau Hội nghị Fontainebleau, trước khi về nước - Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp xúc với gần 2000 kiều bào. Khi đó, Người đã nhắn nhủ với kiều bào về phận sự của người con xa Tổ quốc: Anh em đã đoàn kết vì vận mệnh dân tộc thì hãy tiếp tục đoàn kết thêm! Cũng tại nơi đây, Đoàn Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đàm phán Hiệp định Paris đã có các cuộc mít tinh tiếp xúc với kiều bào, kể lại tình hình bên nhà trong quá trình đàm phán. Còn về sau này, đây là nơi kiều bào xa Tổ quốc chúng tôi bao nhiêu năm tổ chức Tết nguyên đán.

Đến ngày hôm nay, kiều bào tại Pháp vẫn không quên những lời nhắn nhủ ấy, đồng lòng cùng nhau hướng về quê hương, đóng góp xây dựng đất nước đúng như những gì Hồ Chủ tịch đã căn dặn: Mỗi người Việt ở nước ngoài là một sứ giả của Việt Nam. Giờ đây, Hội người Việt Nam tại Pháp đã có một địa vị vững chắc, đóng vai trò là cầu nối giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp. Hội có nhiều chương trình, dự án khoa học kỹ thuật, y tế và xã hội... hướng về đất nước. Một trong số đó là chương trình Nhịp Cầu Nhân Ái giúp hỗ trợ cho trẻ em bị nhiễm chất độc màu da cam cũng như chia sẻ về tinh thần và vật chất cho chiến sĩ Trường Sa.

 

Nhân dịp kỷ niệm này, tôi đã có cơ hội được gặp lại bạn bè xưa, những gương mặt thân quen đó đã già đi, nhường lại vai trò cho các bạn trẻ mà nhiều năm về trước vẫn còn được mẹ ẵm trong tay.

Chính phủ Việt Nam nói chung và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng rất quan tâm tới đời sống của kiều bào. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Quốc Cường dẫn đầu Đoàn công tác Bộ Ngoại giao đến dự và phát biểu tại buổi lễ; Đoàn công tác của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM cũng vượt hàng ngàn km sang dự giúp cho buổi lễ được thành công, cùng chung vui cùng với kiều bào trong ngày kỷ niệm trọng đại này.

Chương trình kỷ niệm diễn ra đầy cảm xúc, hoài niệm và sống động với nhiều tiết mục ca nhạc như: “Đất nước trọn niềm vui”, "Ca ngợi Tổ quốc", “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, "Dáng đứng Bến Tre", rồi múa nón, múa sạp… Lời ca, điệu múa rộn ràng của các nghệ sĩ ưu tú từ trong nước sang, Dàn hợp xướng Hợp ca Quê Hương và đội văn nghệ của Hội người Việt Nam tại Pháp khiến không khí kỷ niệm càng tưng bừng, rộn rã. Nhớ ngày nào cũng đã nghe những bài ca ấy nơi đây với lá cờ phấp phới trong Hội trường. Ngày hôm nay lại được ngồi nơi đây, cùng một phối cảnh, cũng một bài ca, nhưng tình hình lại khác, chúng ta đã hòa bình, đất nước đã thống nhất rồi. Trong lòng tôi trào dâng nỗi xúc động vô bờ...

 

Bài hát “Tôi là người Việt Nam” kết thúc chương trình kỷ niệm 100 năm thành lập Phong trào Việt kiều và Hội người Việt Nam tại Pháp đã thể hiện tình yêu và nỗi nhớ quê hương của tất cả thế hệ kiều bào tại Pháp. Suốt 100 năm qua, Hội người Việt Nam tại Pháp đã để lại những dấu ấn lịch sử để thế hệ trẻ ngày nay tiếp tục phát huy và kế thừa truyền thống hướng về nguồn cội.

Nguyễn Thanh Tòng
Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp