Kỷ niệm một lần Bác Hồ đến thăm dịp Tết

18/02/2018 10:52:00 AM
Câu chuyện kể lại kỷ niệm của gia đình ông Phạm Văn Công - Việt kiều từ New Caledonia (Tân Thế Giới) về nước năm 1961 được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm vào dịp Tết Quý Mão 1963. Đó là dịp Tết năm Quý Mão (ngày 24 tháng Giêng năm 1963), một bất ngờ lớn đã đến với gia đình tôi...

 

Bác Hồ đến thăm gia đình ông Phạm Văn Công 

Như mọi gia đình lao động khác ở Hà Nội, sau cả năm trời bận bịu làm ăn, chiều 30 Tết, gia đình tôi mới có dịp quét dọn, trang trí lại nhà cửa để đón Giao Thừa và Xuân mới. Ngay từ chiều, bố tôi đã được đón đại diện Ban Việt kiều Trung ương (nay là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài), các cán bộ ở Uỷ ban Hành chính Khu (hiện nay gọi là Uỷ ban nhân dân quận) đến thăm, sau đó lại có cả các anh bên Công an cũng xuống riêng một đoàn. Bố tôi hơi ngạc nhiên nhưng nghĩ bụng đây toàn là những người quen biết trong quan hệ công việc an ninh mọi khi nên cuộc viếng thăm nhân ngày Tết là quí hoá chứ cũng không có gì đặc biệt. Nhưng khi thấy vẻ căng thẳng và trịnh trọng của anh công an khu phố khi hướng dẫn cấp trên của mình thăm nhà cửa, ngõ trước, ngõ sau... và hỏi han tỉ mỉ thì ông chợt nghĩ chắc có điều gì quan trọng đây. Biết vậy, nhưng vốn dĩ là người kín đáo và cẩn thận, bố tôi vui vẻ tiễn khách ra về, trong lòng khấp khởi một nỗi niềm xúc động là lạ nhưng cũng không nói với ai vội (kể cả mẹ tôi) về những suy nghĩ của mình.

Sau bữa cơm chiều, chúng tôi xin phép đi Câu lạc bộ Thiếu niên (Cung Văn hoá Thiếu nhi Hà Nội hiện nay) vui chơi với các bạn trong nước cùng lứa tuổi đón Giao Thừa, trong không khí tưng bừng của cả nước. Bố tôi tiếp tục công việc trang trí gian phòng, còn mẹ tôi thì lụi cụi chuẩn bị bữa cơm Tất niên để chờ các con đi chơi về.

Bỗng nhiên, bố tôi nghe có tiếng ôtô đỗ ngoài cổng và có tiếng nhiều người nói lao xao, tiếng chân bước đi vào ngõ nhà mình. Ông vừa kịp tụt từ trên chiếc ghế đẩu xuống, tay vẫn còn cầm nguyên chiếc búa để đóng đinh treo tường hai vế câu đối dưới ảnh Bác Hồ thì thật bất ngờ là trước khung cửa nhà đã thấy hiện ra “Bác Hồ thật” đang tươi cười, nhanh nhẹn bước vào cùng một số đông người khác. Ông không nói được gì và không tin vào mắt mình nữa vì nghĩ có lẽ nào một vị Chủ tịch nước, rất đỗi được nhân dân mình kính trọng và tiếng tăm vang lừng khắp thế giới như ông đã từng biết khi còn ở nước ngoài, lại “hạ cố” đến tận nhà mình! Mẹ tôi thì bàng hoàng hơn nhưng lại thốt ngay ra lời nói mộc mạc từ trái tim mình: “Ôi giời ơi! Có phải là Bác Hồ không?Bao nhiêu năm chúng con mong mỏi Bác mà...”. Bác hiền lành chậm rãi nói một cách bình dị như để xoá bớt nỗi xúc động và ngỡ ngàng trong lòng bố mẹ tôi: “Ờ! Thế thì bây giờ gặp nhau rồi, ta nói chuyện đi!”.

Bố tôi chợt nhớ ra là chưa mời Bác ngồi, liền kéo mấy chiếc ghế nhôm căng bạt của Liên Xô, mới sắm cùng bộ bàn về, mời mọi người ngồi. Bác xua tay và kéo chiếc ghế bằng gỗ cạnh chiếc bàn học của chúng tôi, ngồi xuống. Những người khác vẫn đứng quanh Bác, không ai ngồi cả. Lúc này ông mới định thần nhìn các vị khách và nhận ra một vài người như các ông Lê Văn Lương, Nguyễn Lam, Hồ Trúc...

Bác hỏi thăm chúng tôi đi đâu, hỏi xem nhà đã chuẩn bị Tết ra sao, có bánh chưng không, hỏi chuyện về bà con Việt kiều mới về nước và căn dặn bố tôi về công tác và nuôi dạy con cái... Trong khi ông trả lời Bác thì mẹ tôi thấy Bác hỏi chuyện Tết, đã thật thà vào buồng trong lễ mễ bưng ra mấy cặp bánh chưng. Bác cười thân mật cảm ơn nói là mới ăn cơm xong và rút thuốc lá ra hút...

Không khí buổi gặp vị Chủ tịch nước mà ấm cúng như trong gia đình. Bố mẹ tôi hạnh phúc ngỡ ngàng không thể ngờ rằng điều ấy đã xảy ra…Bố tôi nhớ lại hai năm trước, khi tàu biển vượt đại dương mênh mông từ New Caledonia (Pháp) về Tổ quốc, tàu cập bến Hải Phòng trước Tết 5 ngày. Ngay hôm sau, ông được bố trí cùng một số anh em lên Hà Nội, vào Phủ Chủ tịch để chúc Tết Người, nhưng hôm đó Bác bị mệt nên không gặp được và bác Phạm Văn Đồng đã ra tiếp thay. Vậy mà hôm nay, Bác lại thân chinh xuống tận nhà thăm gia đình tôi. Ông hiểu rằng vinh dự này không chỉ là riêng của gia đình mình. Bác bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn hiểu hết tấm lòng những người con xa xứ như những ngày nào Bác đã lưu lạc ở nước ngoài, đi tìm đường cứu nước, lòng vẫn đau đáu nỗi niềm đất nước, quê hương và gia đình. Vì vậy, cũng là thêm một lẽ để trong trái tim Bác vẫn luôn có chỗ dành cho kiều bào sống xa Tổ quốc... Gần một tiếng đồng hồ qua đi nhanh chóng.

Bố mẹ tôi đang còn bâng khuâng tiếc cho lũ trẻ chúng tôi không có mặt ở nhà buổi tối nay để gặp Bác thì ngoài cổng đã ầm ào tiếng bà con hàng xóm và khối phố vào chúc Tết gia đình và chia sẻ niềm vui chung “phố mình được đón Bác”. Đúng là vui hơn Tết! Mọi người chào hỏi, cười nói với nhau râm ran mãi đến gần Giao Thừa mới chịu dần ra về.

Chúng tôi cũng vừa đi chơi về, đang định khoe với bố mẹ về những trò vui và không khí Tết khác trước mà chúng tôi chưa từng thấy thì đã há mồm tiếc ngẩn người khi ông bà kể lại cho chúng tôi nghe về tối Giao Thừa có một không hai trong đời mình như thế...
Ngoài trời sáng rực lên muôn vàn ánh pháo hoa cùng tiếng pháo thi nhau nổ từng tràng ròn rã đón Xuân sang...

Phạm Văn Minh