Người Pháp khát tự do thời Covid-19

07/04/2020 03:41:00 PM
Tất cả chỉ mong được tháo chiếc khẩu trang, hết lệnh tự cách ly tại gia, để được nhấm nháp ly cà phê cùng bạn bè, đồng nghiệp như xưa.

Chính phủ Pháp ra lệnh kéo dài phong tỏa và cách ly để giảm bớt sự lây lan của Covid-19.

Nhiều người Pháp đứng tuổi sáng ra thường có thói quen dậy sớm đi mua tờ báo và chiếc bánh mỳ baguette nóng hổi mang về ăn sáng cùng gia đình, hay hẹn nhau ra một quán bar quen thuộc thưởng thức ly cà phê tỏa khói thơm lừng với chiếc bánh bơ hình trăng khuyết.

Ở những làng quê yên tĩnh, sáng sớm nơi quán bar là điểm hẹn của các ông về hưu như quán trà đá Việt Nam – nơi mọi thông tin đến nhanh hơn báo đài. Chỉ cần ra đó, tình hình thế giới và chuyện trên trời dưới biển đều bay ra cùng ly cà phê. Nhiều ông về hưu, buồn, sáng sớm đảm nhiệm ra mua bánh mỳ, tranh thủ ghé làm ly cà phê với bánh trước khi về trình vợ. Nhiều lúc say sưa quá đà vì tin tức nóng hổi. Như một cuộc họp làng tự phát, hồi hộp xem kết quả xổ số, đoán kết quả đá banh, rủ nhau đi thăm người nằm bệnh viện… Thế là quên về đúng giờ, quên luôn điện thoại ở nhà, vợ nóng ruột phải ra gọi về…  

 Xếp hàng mua bánh mỳ buổi sáng ở Paris thời Covid-19

Một số quán bánh mỳ rộng luôn đặt dăm cái bàn để mọi người ghé ngồi uống cà phê ăn bánh chờ đợi nhau. Nhiều người đến công sở, sớm hơn chút ghé căng tin hay hẹn nhau gần nơi làm việc để uống cà phê, ăn sáng. Sáng sớm đến công sở Pháp, hầu như người Pháp phải khởi động công việc bằng một ly cà phê nóng. Đơn giản hơn thì ra máy tự động, chỉ bấm nút cũng có cà phê, rồi đứng nói với nhau dăm câu, hút điếu thuốc mới vào mở sổ sách máy tính.

Giờ đây tập tục này tạm ngưng vì lệnh phong tỏa toàn quốc. Tuy nhiên tổng thống Macron khuyến khích mua bánh mỳ để bảo tồn một truyền thống nổi tiếng về ẩm thực Pháp và đó là thực phẩm cơ bản không thể thiếu của họ. Ông đã từng đề nghị đưa bánh mỳ baguette Pháp kèm theo bữa ăn truyền thống của người Pháp vào danh sách đề cử văn hóa phi vật thể của thế giới.

Bánh mỳ baguette Pháp đến Việt Nam từ hồi đầu thế kỷ 20. Nam kỳ là nơi bị Pháp đô hộ đầu tiên. Người Pháp sống không thể thiếu bánh mỳ. Hương vị bánh mỳ mới ra lò quyến rũ người Pháp như cơm đầu mùa ở Việt Nam. Người Pháp đã bày cho người Việt làm bánh mỳ. Bánh mỳ Sài Gòn trở nên nổi tiếng thời đó. Người Việt đã biến bánh mỳ patê nổi tiếng Pháp thành bánh mỳ kẹp thịt quay, tí cà rốt ngâm giòn. Cà rốt cũng là loại rau củ do Pháp mang sang trồng ở Việt Nam. Mới hay những nhà đầu bếp Việt cũng rất khéo và tài ba. Họ sử dụng nghệ thuật làm bánh mỳ, trồng cà rốt thành một món ăn nhanh, tiện lợi, ngon và giờ đây được nhiều người ưa thích. Món bánh mỳ kẹp thịt của Việt Nam đã được đưa vào từ điển Oxford.

Trở lại chuyện Covid-19. Thói quen tụ tập bỗng bị cấm tạm thời. May nhờ có điện thoại để họ buôn dưa lê. Nhưng bánh mỳ baguette nóng không thể thiếu. Sáng ra họ đứng xếp hàng cách nhau một mét để mua bánh. Họ không dám nói chuyện hay hôn nhau chùn chụt khi gặp nhau như trước. Chiếc khẩu trang giảm bớt thú hít mùi bánh mỳ mới ra lò đang tỏa lan trong cửa hàng bánh.

 Một cửa hàng bánh mỳ ở Paris

Tất cả chỉ mong được tháo cái khẩu trang, hết lệnh tự cách ly tại gia, để được nhấm nháp ly cà phê cùng bạn bè, đồng nghiệp như xưa. Giờ đây ra mua bánh mỳ baguette không còn nhìn thấy nụ cười tươi của người bán hàng niềm nở đon đả chào đón khách. Chiếc khẩu trang nhọn như mặt nạ chống vũ khí hóa học trong quân đội che kín. Tiếng nói bị bịt thành ra âm thanh ồn ồn khó nghe. Bịt khẩu trang ra đường bên Pháp mới tháng trước còn bị thiên hạ nhìn với con mắt kỳ thị lạ lùng. Chỉ có mấy hôm, bịt khẩu trang trở thành quen mắt. Bịt khẩu trang cả ngày rất khó chịu mới hiểu thói quen chịu đựng của những người làm trong nơi dễ truyền nhiễm khổ thế nào, mới thông cảm cho đội ngũ y tế và những người cứu hỏa, những người nghiên cứu trong phòng thí nghiệm độc hại.

Tổng thống Pháp gọi sự kiện chống Covid-19 là cuộc chiến tranh. Giờ đây thực thụ như một đại chiến thế giới. Cả thế giới liên minh chống Covid-19. Các cụ xưa nói im lặng là vàng. Bịt khẩu trang, tránh đối thoại kiểu Covid-19 không thành vàng mà là một sự cực hình bắt buộc. Suốt ngày quẩn quanh trong nhà, mới thèm hai chữ TỰ DO và thấm những vần thơ nổi tiếng của Paul Eluard.

Trên quyển vở nhà trường
Trên án viết thân cây
Trên cát trên tuyết
Ta viết tên em

Trên những trang đã đọc
Trên những trang trắng tinh
Đá, máu, giấy hay tro
Ta viết tên em

Trên tranh ảnh tô vàng
Trên vũ khí chiến binh
Trên mũ miện vua chúa
Ta viết tên em

Trên rừng hoang sa mạc
Trên tổ chim hoa đồng
Trên tiếng vang tuổi trẻ
Ta viết tên em

Trên huyền diệu những đêm
Trên bánh trắng ban ngày
Trên những mùa cưới hỏi
Ta viết tên em

Trên các mảnh trời xanh
Trên ao mặt trời mốc
Trên hồ trăng lung linh
Ta viết tên em

Trên đồng ruộng chân trời
Trên những cánh chim bay
Trên máy xay bóng tối
Ta viết tên em

Trên mỗi thoáng bình minh
Trên mặt biển thân tàu
Trên ngọn núi điên cuồng
Ta viết tên em

Trên bọt nổi mây lồng
Trên mồ hôi cơn giông
Trên mưa dày và nhạt
Ta viết tên em

Trên hình dáng long lanh
Trên chuông ngân màu sắc
Trên chân lý hữu hình
Ta viết tên em

Trên những nẻo rộn ràng
Trên đường sá thênh thang
Trên quảng trường toả rộng
Ta viết tên em

Trên ngọn đèn mới khêu
Trên ngọn đèn đang tắt
Trên mái nhà sum họp
Ta viết tên em

Trên trái bổ đôi
Gương soi và phòng ngủ
Trên giường bỏ trống không
Ta viết tên em

Trên con chó của ta háu ăn và trìu mến
Trên tai nó vểnh lên
Trên chân nó vụng về
Ta viết tên em

Trên bục cửa nhà ta
Trên các đồ quen thuộc
Trên sóng ngọn lửa thiêng
Ta viết tên em

Trên da thịt hiến dâng
Trên trán yêu bè bạn
Trên bàn tay đưa nắm
Ta viết tên em

Trên cửa kính ngạc nhiên
Trên làn môi chú ý
Vượt xa trên im lặng
Ta viết tên em

Trên chỗ ẩn bị tan
Trên hải đăng sụp đổ
Trên tường niềm ngao ngán
Ta viết tên em

Trên xa vắng không ước thèm
Trên quạnh hiu trần trụi
Trên bậc thềm cái chết
Ta viết tên em

Trên sức khỏe phục hồi
Trên hiểm nguy tan biến
Trên hy vọng chẳng nhớ nhung
Ta viết tên em

Và do phép màu một tiếng
Ta làm lại cuộc đời
Ta sinh ra để biết em
Để gọi tên em

(
Tự do - Bản dịch của Tế Hanh)

Bài thơ tác giả viết trong đại chiến thế giới thứ 2, khi phát xít Đức hoành hành ở châu Âu như Covid-19 đang lấy đi bao tính mạng ở toàn cầu. Tự do muôn năm. Một người bạn Pháp từng sống thời kỳ này ví cả tháng nay sống như thời chiến. Cấm tụ tập, cấm ra đường, đi đâu phải viết giấy, cấm đi xa. Cửa hàng đóng hết. Phố xá heo hút. Tất cả mong đại dịch chấm dứt để được hít hơi thở tự do ngắm nhìn thiên nhiên và hương bánh mỳ nóng giòn cùng mùi cà phê hấp dẫn giữa Paris.

Trần Thu Dung (Pháp)