Những cái Tết đầy ắp tình quê hương

19/02/2018 11:25:00 AM
Năm nay vì lịch trình công tác và hoàn cảnh, tôi không về Việt Nam ăn Tết, nhưng những kỷ niệm đón Tết trên quê hương mà tôi đã một thời trải qua vẫn mãi không phai mờ trong ký ức tôi.

 Nghi lễ thả cá chép tại Chương trình Xuân Quê hương năm 2015 tại Bên Nhà rồng, TP HCM

Nhớ lại, lần đầu tiên tôi về quê ăn Tết - sau 36 năm sống và làm việc tại Hoa Kỳ - như một sự tình cờ. Hồi đó, vào khoảng tháng 9/2011, tôi về Việt Nam cùng đoàn báo chí kiều bào theo lời mời của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao (UBNV) để tham dự Hội thảo “Bảo tồn bản sắc văn hóa, giữ gìn Tiếng Việt”. Tiếp đó, Tết năm 2012, đoàn nhà báo quận Cam (Orange County) chúng tôi được vinh dự tham gia đoàn kiều bào ở nước ngoài tham gia chương trình Xuân Quê hương.

Đây là một cái “Tết quê hương” đúng nghĩa kể từ ngày tôi được sinh ra tại Bắc Giang năm 1946. Lần đầu tiên trong đời, tôi được biết đến hương vị của ngày Tết cổ truyền mà từ lâu vẫn chỉ biết qua sách vở và tiểu thuyết. Tôi và đoàn nhà báo nước ngoài cùng các đoàn kiều bào khác trên thế giới tham dự các chương trình Gala Xuân Quê hương tại Khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ, tham dự tiệc Xuân Quê hương, Lễ thả cá cùng Chủ tịch nước tại chùa Trấn Quốc, chúc Tết trong Phủ Chủ tịch... Năm đó, tôi và đoàn nhà báo còn được UBNV đưa đi thăm một vài địa danh ở Hà Nội đượm tình dân tộc và truyền thống của Tết như tìm hiểu về gói bánh chưng tại Làng Trà Khúc, xem tranh dân gian Đông Hồ, thăm Làng Gốm cổ Bát Tràng, Chùa Tây Phương...

Chúng tôi đã cùng nhau đón Giao Thừa tại Khách sạn Hòa Bình sau khi tham dự lễ bắn pháo hoa tại Hồ Hoàn Kiếm. Bà con ta trong và ngoài nước tham gia đông như trẩy hội, ước tính cả triệu người vây quanh Bờ Hồ. Vui thật là vui! Mấy anh em chúng tôi ăn bánh chưng (quà tặng của Làng Trà Khúc) cùng bánh mứt và rượu trà. Tuy nhiên, tôi vẫn man mác một nỗi buồn vì cá nhân tôi chưa hề có những xúc động về Tết như vậy. Trong một khoảnh khắc, tôi chợt thương nhớ đến các bạn bè và những người thân đang sống tại nước ngoài chưa một lần về thăm quê, được thưởng thức không khí Tết truyền thống của dân tộc đúng nghĩa như tôi trong giây phút đó.

Chúng tôi tham quan Đền Hùng tại Tỉnh Phú Thọ, thăm Chùa Bái Đính và nhiều danh lam thắng cảnh khác của quê nhà, tôi lại càng ngẩn ngơ nghĩ đến các bạn đồng nghiệp sinh sống tại Miền Nam. Họ cùng là những người con đất Việt nhưng chưa có điều kiện ra thăm Miền Bắc do đó các bạn cũng chưa từng có cơ hội được chiêm ngưỡng những phong cảnh hữu tình của Miền Bắc. Tôi thấy đó cũng là thiệt thòi cho các bạn khi nghĩ đến quê hương của mình luôn thanh bình, êm ả và tươi đẹp, đầy màu sắc tình tự quê hương với đầy ắp di tích lịch sử và văn hóa.

 Chương trình Xuân Quê hương năm 2015

Những Tết sau đó, chúng tôi được đi thăm Vịnh Hạ Long, Chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), Chùa Dâu (Bắc Ninh), Đền Trần (Thái Bình), Đền Quang Trung (Nghệ An), Đền Vua Lê ở Lam Kinh và Suối Cá Thần tại Thanh Hóa…; và nhất là được thăm các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huyện Nam Đàn, Tỉnh Nghệ An. Chúng tôi cũng đã đi tham quan những di tích chiến tranh từ thời Pháp thuộc trải dài từ Điện Biên Phủ về đến Hoàng thành Thăng Long, Sân bay Bạch Mai ngày xưa nay trở thành Bảo tàng Không quân… Nhưng với tôi có lẽ ấn tượng nhiều nhất chính là chương trình Xuân Quê hương được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2015.

Hồi đó, tôi không định ăn Tết tại Việt Nam vì đã mấy mùa Xuân xa gia đình để về quê vui Tết. Nhưng khi nhận được thư mời từ UBNV, tôi quyết định tham dự ngay vì được biết ngoài chương trình họp mặt và tiệc Xuân tại Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi sẽ tham dự một chương trình Gala tại Bến Nhà Rồng, đây là nơi mang đầy dấu ấn của dân tộc. Tại Bến Nhà Rồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó mang tên Nguyễn Tất Thành đã xuống con tàu Đô đốc Latouche-Tréville lên đường sang Pháp ngày 5/6/1911. Đây là những trải nghiệm không bao giờ quên trong cuộc đời làm báo của tôi. Bác đã đi một chuyến hành trình tìm đường cứu nước kéo dài trong 30 năm. Tôi thường hay ví von, cộng tất cả các bước chân của tất cả các lãnh đạo trên thế giới có lẽ không bằng bước chân Bác Hồ đi trong 30 năm. Một nửa đời người lục thập hoa giáp, Bác đã bôn ba lăn lộn trải qua biết bao những khó khăn, cực khổ, nằm gai nếm mật chỉ vì một lý tưởng yêu quê hương đất nước và mưu tìm con đường cách mạng để giải phóng dân tộc, mang lại độc lập cho đất nước. Bác đã nói "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu".

Tôi đã tự thưởng cho mình một món quà bằng những giọt nước mắt xúc động khi đến địa điểm tổ chức trước cả giờ đồng hồ. Tôi vào bên trong xem những dãy nhà cũ đã tân trang, sơn sửa mới, rồi băng qua đường ra bờ sông nhìn về phía bên kia Thành phố Hồ Chí Minh lung linh trong ánh sáng huyền ảo. Tôi lặng người với 2 dòng nước mắt lăn dài trên má, bùi ngùi nhớ đến bản nhạc “Từ thành phố này Người đã ra đi”. Vâng chính từ thành phố này, Người đã ra đi và ngày hôm nay, tôi đã được hưởng thành quả, đơm hoa kết trái vì cái “nhân” Bác đã gieo trên quê hương từ ngày 5/6/1911.

Tôi cứ thế để cảm xúc trôi theo dòng nước êm đềm lững lờ và tôi khóc vì ngày nay tôi đang được hít thở bầu không khí tự do thanh bình, không hận thù, không chém giết, không mùi bom đạn trên quê hương mình. Đất nước thật thanh bình trong niềm vui thống nhất 40 năm. Tôi khóc thương cho những người đã nằm xuống trên quê hương dù ở bên này hay bên kia chiến tuyến. Tôi cũng khóc vì sung sướng nhìn thấy đất nước ngày hôm nay thật sự tự do, độc lập và hoàn toàn được giải phóng không còn nô lệ bởi bất cứ lực lượng ngoại xâm nào.

Một mùa Xuân mới lại về trên quê hương, tôi dành trọn lời mong ước tới hồn thiêng sông núi, hi vọng cho quê hương và dân tộc một Xuân Mậu Tuất đầy an vui, hạnh phúc và may mắn.

Nguyễn Phương Hùng (Hoa Kỳ)