Quảng bá hình ảnh đất nước qua việc dạy và học tiếng Việt

09/09/2022 03:21:00 PM
Việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở Lào không chỉ nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa, cội nguồn dân tộc, mà thông qua đó còn quảng bá, lan tỏa những hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam đến với người dân Lào và bạn bè quốc tế.

Một tiết học tiếng Việt ở Trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du (thủ đô Vientiane, Lào). (Ảnh: Trịnh Dũng) 

Cộng đồng người Việt Nam ở Lào phần lớn sinh sống tại thủ đô Vientiane và có nhu cầu học tiếng Việt rất lớn. Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hà Nội-Viêng Chăn (Lào) Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết, cách đây 10 năm, gia đình chị chuyển sang Lào sinh sống, khi ấy cô con gái lớn mới hơn 3 tuổi, tiếng Việt còn chưa sõi. Ở nhà, gia đình chị chỉ sử dụng tiếng Việt, nhưng do ở trường các cháu giao tiếp nhiều bằng tiếng Lào cho nên khả năng sử dụng tiếng Việt không tốt. Từ đó, chị Huyền chủ động thu xếp công việc cá nhân để dạy thêm tiếng Việt cho con.

Xuất phát từ tình cảm với quê hương và trải nghiệm cá nhân, chị Huyền mong muốn những người con gốc Việt khi gặp nhau có thể giao tiếp bằng tiếng Việt. Chị Huyền mượn địa điểm Chùa Phật Tích tại thủ đô Vientiane tổ chức các lớp dạy miễn phí tiếng Việt cơ bản cho con em của kiều bào và người Lào có nhu cầu. Đến nay, chị Huyền đã tổ chức được hai lớp học, mỗi lớp học trong ba tháng vào buổi tối, với tổng số hơn 60 học viên tham gia.

Toàn bộ kinh phí tổ chức đều do chị Huyền đứng ra lo, bản thân chị cũng trực tiếp tham gia giảng dạy cho các học viên. Bên cạnh đó, chị Huyền còn tổ chức lớp học tiếng Lào cơ bản cho cộng đồng người Việt Nam tại Lào. Chị Huyền còn dự định mở thêm lớp tiếng Việt nâng cao, nhằm giúp người học có thể sử dụng thành thạo.

Tham tán, Thường trực Ban Công tác cộng đồng, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào Vũ Tú Oanh đánh giá cao và bày tỏ ủng hộ mở thêm các lớp dạy tiếng Việt. Đây là những hoạt động cần thiết và rất đáng quý, góp phần đáp ứng nhu cầu không chỉ của con em người Việt Nam, mà cả người Lào. Về lâu dài, cần tiếp tục nhân rộng mô hình như Trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du, nhất là ở những địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống.

Trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du được hình thành năm 2005, trên cơ sở sáp nhập hai ngôi trường cấp tiểu học Nguyễn Du I và Nguyễn Du II. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, ngôi trường ban đầu do cộng đồng người Việt Nam ở thủ đô Vientiane mở, sau này phát triển thành Trường song ngữ, do Ban Chấp hành Hội Người Việt Nam ở thủ đô Vientiane nhận thấy sự cấp bách của việc dạy tiếng Việt cho con em trong cộng đồng. Hiện nhà trường có các cấp học từ mẫu giáo đến hết lớp 12, với 67 cán bộ, giáo viên và hơn 1.000 học sinh là con em kiều bào tại Lào và học sinh người Lào. Đặc biệt, số học sinh người Lào chiếm tới 2/3 tổng số học sinh của trường.

Em Nguyễn Lan Anh, 17 tuổi, học sinh lớp 12 Trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du cho biết, bố mẹ em là người gốc Việt Nam sinh sống ở Lào đã lâu, bản thân em cũng được sinh ra tại Lào. Lan Anh tự tin về khả năng tiếng Việt của mình và hy vọng sau khi tốt nghiệp lớp 12 sẽ theo học đại học tại Việt Nam. Hiện theo học lớp 9, Trần Hiểu Anh, 16 tuổi, cũng có bố mẹ từ Việt Nam sang Lào công tác và sinh sống cho nên em chuyển sang theo học tại Lào.

Lan Anh và Hiểu Anh chia sẻ, ở trường, các em nhận được sự chỉ bảo, hướng dẫn tận tình của các thầy, cô giáo, giúp các em giao tiếp và sử dụng thành thạo tiếng Việt. Khi ở nhà, các em cũng thường xuyên sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp với các thành viên gia đình, chăm đọc sách, báo, xem các kênh truyền hình bằng tiếng Việt để nâng cao vốn từ và khả năng sử dụng tiếng Việt.

Theo cô Thanh Hương, chương trình giảng dạy của trường tuân thủ quy định của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, riêng môn tiếng Việt được ưu tiên giảng dạy từ bốn đến tám tiết học mỗi tuần, các em nhỏ được học nhiều hơn. Môn tiếng Việt được dạy theo giáo trình tiếng Việt dành cho người Việt Nam ở nước ngoài, do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam biên soạn. Đội ngũ giáo viên nhà trường luôn xác định trách nhiệm không đơn thuần là dạy ngôn ngữ, mà còn gieo trồng và lan tỏa tình yêu tiếng Việt. “Chúng tôi hy vọng mỗi học sinh tốt nghiệp sẽ là một đại sứ văn hóa và ngôn ngữ của Việt Nam trên đất nước Lào, để các em mang những hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam lan tỏa đến với người dân Lào và bạn bè quốc tế”, cô Thanh Hương bày tỏ.

TRỊNH DŨNG - DUY TOÀN
Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Lào
(theo nhandan.vn)