Thương nhớ Tết quê nơi xứ Huế

17/02/2018 11:08:00 AM
Sinh ra và lớn lên tại xứ Huế, tôi không bao giờ quên hình ảnh thơ mộng của dòng Hương Giang, cầu Tràng Tiền lung linh trong ánh đèn đêm và sắc tím mộng mơ của những cô gái Huế dịu dàng. Những ngày cuối năm rộn rã không khí năm mới sắp tới khiến lòng tôi quặn lại, khắc khoải một nỗi nhớ quê hương, một niềm khát khao được ăn cái Tết truyền thống biết nhường nào.
  • Mâm cỗ ngày Tết của người Huế

  • Vào mùa Xuân, xứ Huế chìm trong sắc hoa

  • Hiển Lâm Các (Đại Nội) rực rỡ trong đêm bắn pháo hoa Giao Thừa

Tôi vẫn nhớ như in cái ngày tôi nhận được tin bão tại Huế tháng 11 vừa rồi, mẹ tôi báo rằng bão năm nay lớn lắm, chưa bao giờ thấy bão lớn thế, nhà tôi cũng bị ngập hết cả. Từng câu mẹ nói khiến lòng tôi thắt lại nỗi xót xa cho gia đình tôi, cho vùng đất chôn rau cắt rốn của mình. Năm nay bão to vậy không biết cha mẹ ở nhà như thế nào? Vậy là tôi liền bàn với chồng về ước muốn về thăm gia đình và anh ấy đã đồng ý cùng tôi trở về Việt Nam để cùng đón cái Tết của cổ truyền dân tộc.

Huế mùa này đầy những cơn mưa rào tầm tã và tiết trời giá lạnh của mùa Đông. Cái rét ngọt vào những ngày cuối Đông cứa thật sâu vào da thịt để ai xa Huế rồi sẽ nhớ da diết một mùa Đông như thế. Ở Huế, từ tháng 10 trở đi là mùa bão lũ nên hầu như bất kì ai sinh ra và lớn lên tại Huế đều có những mảnh ghép ký ức về bão Huế của riêng mình. Mưa mùa này trắng trời trắng đất, lại khiến tôi nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu năm nào:

“Nỗi niềm chi rứa Huế ơi

Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên”

Sau vài ngày mưa tầm tã, nước dòng Hương Giang sẽ trở nên đỏ ngầu như gã say quá chén, hậm hực dâng tràn nước lên. Vậy là lụt! Lụt hàng năm đến Huế như một người “bạn thân”, để rồi trở thành một phần ký ức để Đông quay về.

Mỗi dịp trở lại Huế, Hương Giang là nơi tôi muốn đến đầu tiên. Đối với tôi, sông Hương là hình ảnh thiêng liêng, là dòng nước chan chứa bao nỗi niềm nhớ thương của một người con xa xứ. Được coi là trái tim của thành phố, sông Hương mềm mại như một dải lụa miên man chảy giữa núi đồi xóm làng, xuôi dòng đến miệt vườn Vỹ Dạ một thời trong thơ Hàn Mặc Tử với những thảm cỏ xanh mướt, ngược lên Thiên Mụ để thả mình theo tiếng chuông chùa văng vẳng. Tôi vẫn còn nhớ những tháng ngày tuổi thơ rong ruổi quanh dòng sông Hương cùng lũ bạn, đủ các thứ trò mà chúng tôi bày ra, hết thả diều lại thả đèn hoa đăng. Những ngày tháng của tuổi 15 đầy mơ mộng, sông Hương đã giúp tôi cất giữ những tâm sự thầm kín của tuổi mới lớn. Dòng Hương Giang thăm thẳm một màu xanh biếc soi bóng cầu Tràng Tiền với bóng dáng của người con gái Huế trong chiếc áo dài. Vẻ đẹp Hương Giang giống như hình ảnh so sánh vô cùng ấn tượng mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” mà tôi đã học thời trung học, giống như “cô gái digan phóng khoáng và man dại” nhưng có tâm hồn “tự do và trong sáng”.

Mưa tạnh, trời cũng có chút hửng nắng. Mùa Đông tại Huế không khiến người ta cảm thấy khắc nghiệt như phương Bắc mà cái lạnh nơi đây có chút ngọt dịu khi pha lẫn chút nắng vàng ấm áp.

 Đã lâu lắm rồi, tôi không còn được thả mình vào chút gió, chút nắng, chút hương vị nồng nàn của đất trời quê hương. Chồng tôi là người châu Âu, lại sống tại thành phố lớn, trước đây lần đầu khi về Việt Nam, thấy một vùng đất bình yên và tĩnh lặng như thế cũng thấy lạ, liền thì thầm tai tôi: “Huế buồn thật!”. Tôi cũng không phản đối điều đó. Đại nội Huế trầm mặc nằm tại trung tâm và những lăng phủ quan tước cổ kính lại càng khiến Huế trở nên tĩnh mịch. Ở Huế không có chuyện vội vàng, người Huế cũng chẳng sống vội. Khách du lịch mà đến đây sẽ thấy không quen vì cứ đến 9, 10h đêm là cả thành phố như chìm vào giấc ngủ.

Đã cuối tháng Chạp, dịp mà mọi người nô nức chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán đang đến rất gần. Trong văn hoá chung của người Việt, mỗi vùng đất khác nhau lại có những nét độc đáo riêng trong cách “ăn Tết”, “chơi Tết”. Cái riêng của Huế cũng chính là nằm ở chỗ giữ nguyên những nếp xưa.

Ví như ở nhiều nơi, không khí Tết đã bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp khi các gia đình làm lễ tiễn ông Táo về trời. Ở Huế thì khác, ngày 23 tháng Chạp cũng chỉ thắp hương bình thường, không khí Tết chính thức bắt đầu từ ngày 25 Âm lịch, khi các phường hội thợ thuyền làm lễ cúng tổ nghề.

Việc thờ tụng trong ngày Tết ở Huế cũng cầu kì hơn hẳn. Trước Tết có ông Táo, cúng tổ nghề, cúng Tất niên, cúng lên nêu, cúng rước ông bà về ăn Tết… Từ sáng Mồng Một tháng Giêng trở đi, phải cúng ông bà ba ngày, ngày Mồng Một cúng chay, ngày thường cúng mặn. Đến chiều Mồng Ba phải làm cỗ cúng đưa tiễn ông bà, rồi sau đó là cúng đầu năm, cúng sao, cúng Rằm tháng Giêng (Tết Nguyên tiêu)…

Ngày đầu năm mới bao giờ cũng là ngày cả gia đình quây quần lại bên chiếc sập gụ, ông bà mặc áo dài, ngồi trên sập để con cháu thay nhau gửi lời chúc ngày Tết. Việc chúc Tết cũng phải theo thứ tự từ trên xuống, con cháu phải chờ đến lượt mới được lên để chúc thọ ông bà. Sau đó ông bà cũng không quên mừng tuổi các cháu nhỏ, từng người cúi đầu cảm ơn lễ phép để nhận lời chúc của những người cao tuổi trong gia đình.

Con gái Huế cũng được dạy về nữ công gia chánh rất kỹ và Tết là dịp để trổ tài nấu nướng của mình. Từ chiếc nem được cuốn cẩn thận, củ quả được cắt tỉa khéo léo…, mọi thứ đều được chăm chút rất tỉ mỉ. Tôi nghĩ đây cũng là điều mà chồng tôi đặc biệt yêu thích ở người vợ Việt Nam mà anh ấy yêu.

Năm nay tôi sẽ đón Tết ở quê hương, cái Tết mà tôi đã chờ đợi từ lâu. Có xa quê mới thấy nhớ quê, có thiếu vắng cái hồn quê mới thấy yêu cái tâm hồn con người quê nhà. Người Huế nhẹ nhàng tình cảm, hiếm khi thấy họ cãi cọ hay làm điều xấu. Dù Huế đã thay đổi nhiều, nhưng bản chất con người nơi đây vẫn không đổi, không vì những cái lợi mà làm mất đi nguồn cội tâm hồn…

Bình Minh (CHLB Đức)