Từ Hoa Kỳ nghĩ về xoá đói giảm nghèo ở Việt Nam (*)

17/10/2018 09:50:00 AM
Đã gần 2 năm, vượt qua bao ồn ào, chỉ trích... thậm chí có lúc dư luận thoá mạ lên danh dự của Tổng thống Donald Trump, nhưng ông vẫn kiên cường không mệt mỏi đấu tranh cho bằng được những gì mình đã tuyên thệ trước cử tri Mỹ.

Nước Mỹ thời Donald Trump

Việc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ cho Donald Trump sắp tới thì chưa ai có thể biết kết quả thế nào. Duy nhất  có 1 điều chắc chắn là lần đầu tiên sau 49 năm kể từ tháng 12/1969 đến nay thì tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện nay thấp nhất. Số liệu mới nhất từ Bộ lao động Mỹ vừa cho biết là mặc dù cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang căng thẳng nhưng không hề ảnh hưởng đến thị trường lao động của Mỹ. Dữ liệu cho thấy việc làm trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo, xây dựng và dịch vụ thương mại... đang nhân lên nhanh chóng. Gần đây, hầu như đi đâu ở Hoa Kỳ tôi cũng thấy cắm biển "Now Hiring" (Bây giờ cần thuê người làm)  hoặc "Job fair" (Nhiều việc, cần tuyển nhiều người làm- Hội chợ việc làm), kể cả trên mạng cũng vậy.

 Ảnh minh họa

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang bước sang giai đoạn hai nhưng theo kịch bản thì việc hai bên gặp nhau để thương thảo theo Trump vẫn còn quá sớm. Khi tranh cử thì đây là thông điệp phát đi sớm nhất nhưng không ai nghĩ sẽ xảy ra. Kể cả Trung Quốc cũng cho rằng đó chỉ là lời lẽ khoa trương khi tranh cử của Trump. Trong bài "Từ Hoa Kỳ nghĩ về Việt Nam" đăng ngày 18/11/2016 trên quehuongonline.vn tôi có viết "Hoa kỳ hiện nay đang bị một số nước Châu Á cũng như Trung Quốc trỗi dậy, bành trướng quân sự và thao túng lũng đoạn thị trường là một thách thức và ám ảnh vị trí toàn cầu của Hoa Kỳ...". Chính vì vậy khi cuộc thương chiến bắt đầu, Trump tuyên bố sẽ đánh thuế các mặt hàng lần thứ nhất 50 tỷ đô la Mỹ lên các hàng hoá của Trung Quốc, thì Trung Quốc mới bắt đầu nghĩ đến phương án chống đỡ thật sự. Mặc dù trước đó Trung Quốc cũng đã chuẩn bị 3 phương án đối phó nhưng như một tình huống dự phòng, ấy là: Một, không đáp trả, cố bảo vệ tiền tệ và mạng lưới xuất khẩu của họ. Hai, chống đỡ vừa phải để trì hoãn kéo dài cuộc chiến "vừa đánh, vừa đàm" tìm cách thương thảo để chờ cơ hội vượt lên (Trung Quốc đã có kinh nghiệm kịch bản này với các đời Tổng thống trước đây của Mỹ). Ba là hai bên so găng thương chiến thuế quan (tariffs) tới cùng theo kiểu hai bên cùng chiến (all-out war - đây là kịch bản bất đắc dĩ đối với Trung Quốc). 

Về phía Mỹ thì Tổng thống Trump chủ động kế hoạch và xem việc đánh thuế các mặt hàng của Trung Quốc cũng như với các quốc gia khác trên toàn cầu là việc tất yếu phải làm. Vì một lẽ giản đơn - đó là lời tuyên thệ lúc tranh cử của ông nhưng hơn thế vì với ông, thuế là xương sống của nền kinh tế Hoa Kỳ. Tổng thống Trump quản lý điều hành kinh tế quốc gia bằng công cụ thuế. Và ông xem công cụ thuế quan là phương tiện, là công cụ để bảo vệ, xây dựng và phát triển để đưa nước Mỹ hùng mạnh trở lại. Với toàn cầu ông lấy thuế quan thương mại là cốt lõi để điều chỉnh chính sách quan hệ quốc tế. Đối với trong nước ông cũng dùng chính sách thuế doanh nghiệp để tạo ra nhiều việc làm, giảm bớt nguồn ngân sách trợ cấp thất nghiệp. 

Đối với người dân Mỹ thì điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân và các loại thuế từ thuế nhà, thuế xe, thuế thu nhập, bảo hiểm nhà, bảo hiểm xe, bảo hiểm sức khỏe, phí môi trường... để khuyến khích người đi làm và có trách nhiệm với xã hội và cộng đồng. Mọi thứ ấy đều minh bạch và mọi người phải thực hiện theo luật. Ví dụ nợ thuế nhà nhiều tháng và xét thấy không có khả năng chi trả và không chịu đi làm để có tiền trả thuế nhà thì chính quyền sở tại sẽ đưa ra đấu giá. Số tiền đấu giá xong sẽ trừ các khoản chủ nhà nợ thuế hoặc ngân hàng hay bất cứ khoản nợ nào nếu có. Nếu số tiền nhà sau đấu giá vẫn còn thì họ sẽ trả lại. Nếu không còn mà vẫn nợ thì tiền lương hàng tháng họ vẫn trừ cho đến khi hết nợ. Nếu hiện tại không có khoản nào để trừ thì khoản nợ ấy vẫn treo và cho đến khi có tiền trên tài khoản họ sẽ trừ.

Chắc nhiều người sẽ nghĩ vậy thì người nghèo ở Mỹ khó có nhà ở vì không đủ tiền nộp thuế nhà. Nhưng không hẳn như thế. Và đó chính là ý nghĩa của 2 chữ P luôn đi liền nhau trong những chính sách kinh tế của Hoa Kỳ từ những năm 1960. Hai chữ "P and P" là từ "Poverty and Priorities" trong tiếng Anh, tức là "đói nghèo và ưu tiên". Chính sách ấy là sự vận dụng tư tưởng xã hội dân chủ của Harrington trong tác phẩm "Có một nước Mỹ khác" (The other America) được xuất bản từ những năm đầu của thập kỷ 60 của thế kỷ 20. Qua nhiều đời Tổng thống từ Kennedy đến Obama đều áp dụng nên một bộ phận dân chúng không muốn thoát nghèo để hưởng chính sách ưu tiên và hỗ trợ người nghèo. 

Nhưng hiện nay dưới sự quản lý của Trump đã có nhiều sự thay đổi. Những hoá đơn mua bằng thẻ tiền trợ cấp trên siêu thị của đối tượng nghèo và thất nghiệp đã giảm. Những thay đổi trong sắc thuế đưa số người đi làm tăng lên, tỷ lệ trợ cấp xã hội cũng giảm hẳn. Khác nhiều với các đời Tổng thống trước đó. Theo Harrington thì có 2 nước Mỹ: một của người giàu và một của người nghèo. Khi kinh tế "tăng trưởng thô bạo" (ruthless growth) ngày càng mở rộng thì sự nghèo khó là nguyên nhân của mọi vấn nạn xã hội. Chính vì vậy hỗ trợ và tạo điều kiện ưu tiên cho người nghèo có cuộc sống ổn định là điều cần thiết cho một xã hội dân chủ và công bằng.

Cũng chính vì sự công bằng ấy nên ở Mỹ thì biểu thuế cho các mặt hàng mua phục vụ ăn uống  ở các siêu thị bán lẻ thì không tính thuế. Nhưng khách hàng nếu ăn uống ở nhà hàng thì phải tính thuế. Hoặc áo quần, dày dép, mỹ phẩm, hoa tươi... phải tính thuế. Nhưng nếu kinh doanh nhà hàng hay các cửa hàng bán lẻ thì sẽ được cấp thẻ mua hàng ở siêu thị bán sỉ dành cho hộ kinh doanh hoặc các công ty kinh doanh với giá rẻ hơn rất nhiều ở các siêu thị bán lẻ. Nhưng khách hàng không có thẻ kinh doanh thì không thể mua được ở các siêu thị. Mục đích là để khuyến khích người kinh doanh và tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh có lãi. Khi có lãi thì họ sẽ nộp thuế và tuyển người làm nhiều hơn. Đối với người nghèo và thu nhập thấp dưới mức cho phép thì hàng tháng đi làm, tiền thuế họ sẽ trừ trên bảng lương nhưng cuối năm sẽ hoàn trả lại cho người lao động. Chính phủ không thu một đồng thuế nào của các đối tượng lao động lương thấp dưới mức qui định. Còn những đối tượng quá nghèo và thất nghiệp thì chính phủ  ưu đãi bằng chính sách hỗ trợ người nghèo và ưu tiên miễn phí nếu có thẻ được cấp là nghèo và thất nghiệp. Tuy nhiên tình trạng kéo dài trợ cấp và ưu tiên qua nhiều đời Tổng thống nên nhiều người nghèo dựa dẫm và ỉ lại vào tiền trợ cấp, ưu tiên an sinh xã hội nên rơi vào bẫy đói nghèo. Họ không thể thoát ra vươn lên và hội nhập vào xã hội. Cuối cùng là cuộc sống nghèo khó vẫn đeo bám và chính họ cũng muốn đeo bám vào Cái thẻ nghèo đói và ưu tiên ấy của chính phủ.

Nghịch lý trong giảm nghèo ở Việt Nam

Từ những suy nghĩ ấy tôi liên tưởng đến những chính sách hỗ trợ giúp xoá đói giảm nghèo ở Việt Nam. Nhờ những chính sách xoá đói giảm nghèo phù hợp, đất nước chúng ta đã làm nên kỳ tích mà chính Liên Hiệp Quốc cũng thừa nhận Việt Nam làm rất tốt trong chính sách xoá đói, giảm nghèo. Để đạt được kết quả ấy, trước hết là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của hệ thống chính trị. Bên cạnh đó là tinh thần vượt khó của nhân dân. Bởi vì phần lớn người dân Việt Nam là những người chăm chỉ, kiên cường chịu đựng với tiềm năng không giới hạn. Khi có sự hỗ trợ họ có cơ hội để vượt lên. Tất cả những điều họ cần đó là cơ hội được sản xuất và khả năng được cống hiến sức lao động chân chính trong sản xuất của họ. Và suy cho cùng thì cốt lõi sức mạnh của một quốc gia là sản xuất ra sản phẩm.

 Ảnh minh họa

Tuy nhiên theo báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện việc triển khai nghị quyết 76 của quốc hội trong 2 năm (2017-2018) và đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội(UBTVQH) cách đây gần 1 tháng, sáng 17/9/2018, sau khi được nghe báo cáo và đọc các số liệu “Nghịch lý trong giảm nghèo ở Việt nam",  Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: "Cần đánh giá tình trạng người dân không muốn thoát nghèo để hưởng chính sách, từ đó đưa ra cơ chế chấm dứt thực trạng này".

Đúng vậy, ngay cả trước khi Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ, ông đã quá hiểu và thấm sâu ý nghĩ của bộ phận dân chúng "nghiện nghèo" ấy. Như tôi đã viết trong bài "Từ Hoa Kỳ nghĩ về Việt Nam" đã nêu trên: "Khi một bộ phận dân chúng biểu tình phản đối chống lại chính sách của ông vì họ muốn hưởng thụ những chính sách trợ cấp, ưu đãi và không muốn đi làm, trục lợi từ các chính sách ưu tiên và hỗ trợ người nghèo của các tổng thống tin nhiệm". Tuy nhiên Tổng thống đương nhiệm đã thực thi giảm nghèo bằng công cụ thuế. Nếu đi làm lương thấp dưới chuẩn cho phép thì không thu thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế nhà, xe, chi phí sinh hoạt như điện nước và nhiều thứ khác. Tổng thống Donald Trump cũng phát biểu một nghịch lý là những người nghèo hưởng chính sách trợ cấp lại có hoá đơn thanh toán trên các siêu thị nhiều món ăn đặc sản đắt tiền và tiêu xài đồ xa xỉ nhưng không chịu đi làm. Đó là một nghịch lý không muốn thoát nghèo trong một nước phát triển như Hoa Kỳ (tất nhiên là chuẩn nghèo của họ khác chuẩn nghèo  của ta). Và nghịch lý ấy của ta cũng đã xảy ra từ ngày chúng ta có chính sách xoá đói giảm nghèo. Các xã, huyện thuộc vùng trung du "chạy" lên xã, huyện miền núi. Mục đích "chạy" ấy là để được hưởng chính sách ưu đãi xã miền núi, huyện miền núi thuộc vùng cao vùng xa. Và một trong những chính sách ấy là ưu tiên con em đi thi đại học được ưu tiên cộng thêm điểm, giáo viên được hưởng lương chính sách vùng cao. Cán bộ xã, huyện... được hưởng một số chính sách ưu đãi khác. Nhà nghèo được hưởng  trợ cấp về kinh tế như được ưu đãi sử dụng đất, máy móc nông cụ sản xuất... Và khi được hưởng ưu đãi đó nên một nghịch lý là tỉnh đồng bằng có đủ mọi tiềm năng mà người nghèo, hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo lại nhiều hơn tỉnh biên giới vùng sâu, vùng xa.

Cũng theo bản báo cáo và giải trình ấy thì ta có thể cho rằng do mật độ dân cư của tỉnh đồng bằng cao hơn miền núi nên số hộ và số người nghèo cũng nhiều hơn. Nhưng đã là tỉnh đồng bằng Bắc bộ "thiên thời địa lợi" thì không nên lạm dụng chính sách ưu đãi như vậy. Và chính đây cũng là một tệ nạn tham nhũng chính sách. Chưa kể những kiểu tham nhũng như trường hợp "Nguyên chủ tịch xã tiếp tục “rút ruột" tiền hỗ trợ người nghèo" ở Bình Định như báo Dân trí đưa tin ngày 5/10/2018. Tuy nhiên, với hoàn cảnh đất nước ta, ai cũng hiểu dù nhiều năm sau xoá đói giảm nghèo song vẫn còn một bộ phận dân số có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, họ còn sinh sống trong nghèo đói. Cơ hội việc làm của họ bị hạn chế. Khả năng được tiếp cận với giáo dục, y tế đều vô cùng thiếu thốn. Chính vì vậy, họ trở nên phụ thuộc vào các nguồn hỗ trợ và không có cơ hội để phát huy khả năng lao động của họ. Những đối tượng như vậy không thể không hỗ trợ và ưu tiên để họ vượt lên. Còn ở khu vực hội tụ đủ mọi tiềm năng tự nhiên và xã hội thuận lợi thì chỉ điều chỉnh chính sách. Mục đích để khuyến khích sản xuất và tạo ra sản phẩm mà không trợ cấp trực tiếp từ nguồn chính phủ hoặc các nguồn khác như tài chính, đất đai, máy nông cụ... dưới dạng cho không. Chính sự ưu đãi ấy là để cho người dân và quan xã "nghiện nghèo" và "tái nghiện". Và hơn thế, nó còn tạo điều kiện cho tham nhũng, trục lợi cá nhân và lợi ích nhóm ở địa phương. Đó là chưa kể đến việc trâu, bò, dê... hỗ trợ người nghèo vào nhầm cổng. Một khi đất nước đã hội nhập sâu vào thị trường quốc tế thì chuẩn mực về chất lượng sản phẩm và trình độ giáo dục cũng phải tương đồng. Trình độ đào tạo phải có chuẩn mực như nhau thì mới có cơ hội tiếp cận thị trường lao động quốc tế. Vì trình độ nhân lực chung không ưu tiên cho nhân lực xuất thân từ nhà nghèo, xã nghèo, huyện nghèo và tỉnh nghèo được. 

Chính vì vậy ở Hoa Kỳ có trường học ở cấp phổ thông rất tốt chỉ dành cho khu vực thuế nhà cao. Nhưng những vùng có thu nhập thấp thì học sinh được ưu đãi bằng thuế nhà thấp và điện, nước, chi phí môi trường thấp. Nhưng họ không thể cộng điểm thêm cho học sinh vùng này để bằng học sinh vùng có trường tốt. Nếu muốn vào được Đại học tốt thì dù học ở đâu cũng phải tự cố gắng vượt lên bằng sức học của bản thân để có cơ hội tốt hơn. Họ không trợ cấp "điểm thi" để có chuẩn chung về tri thức. Vì như vậy sẽ tạo nên sự cạnh tranh nhân lực lao động ở các cấp độ một cách không công bằng, và không phát huy khả năng phấn đấu và sáng tạo tối đa của thế hệ trẻ. Còn khi vào Đại học, sinh viên chỉ được hỗ trợ hoặc là học bổng nếu học tốt hoặc ngân hàng cho vay không lãi suất. Trong quá trình học, sinh viên phải kiếm việc làm để trả nợ. Nếu chưa trả hết thì sau ra trường đi làm sẽ trả tiếp cho đến khi hết nợ. 

Tất nhiên đặc điểm kinh tế và văn hoá dân tộc cũng như cơ sở hạ tầng xã hội của ta khác với Hoa Kỳ. Nhưng chúng ta cũng không vì thế để kéo dài chính sách hỗ trợ nghèo ở các vùng miền có nhiều tiềm năng thuận lợi. Và giáo dục thì nên tìm phương pháp hỗ trợ khác thay thế chính sách ưu đãi cộng điểm thêm cho sinh viên khi vào đại học nếu là nghèo và khó khăn. Thực ra sự ưu đãi đó chỉ tăng thêm áp lực cho sinh viên khi ra trường để cạnh tranh trong xã hội với "tấm bằng" như nhau nhưng thực lực trình độ không như nhau ấy. Vì vậy cả cuộc đời họ luôn mang theo ám ảnh tự ty. Nếu xoá bỏ chính sách ấy mà họ vẫn vào và tốt nghiệp bất cứ ngành nghề gì thì khi ra trường đi làm họ luôn sánh vai với bạn bè trang lứa với niềm tự hào. 

Nhân ngày 17/10, ngày xoá đói giảm nghèo của Liên hợp quốc và cũng là ngày mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chọn làm ngày xoá đói giảm nghèo của Việt Nam, tôi viết đôi dòng suy nghĩ khi liên hệ đến chính sách ưu tiên và hỗ trợ nghèo đói của Hoa Kỳ và nghịch lý xoá đói giảm nghèo của Việt Nam. Và cũng hy vọng sự đổi thay về một số chính sách để chấm dứt nghịch lý ấy nhằm góp phần thúc đẩy xã hội phát triển bền vững. Vì đói nghèo là lực cản đối với sự phát triển của một cá nhân, một gia đình, một  quốc gia nói riêng và nhân loại nói chung. Cũng nhân dịp này để cộng đồng và xã hội cùng chung tay hành động nhằm hướng tới xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước.

Hà An (Hoa Kỳ)

(*) Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả.