Từ vô gia cư trở thành sinh viên Harvard

25/06/2019 10:06:00 AM
Một chàng trai gốc Việt nỗ lực vượt qua nghịch cảnh để tốt nghiệp thủ khoa trung học và được nhận vào Đại học Harvard danh giá.

 Derrick Ngo đã chiến thắng nghịch cảnh để được chọn vào Đại học Harvard

Câu chuyện của Derrick Ngo, học sinh gốc Việt sống trong tình cảnh vô gia cư tại TP.Houston (bang Texas, Mỹ) đang là nguồn cảm hứng về nỗ lực vượt khó. Không để hoàn cảnh cơ cực làm nhụt chí, cậu đã tốt nghiệp thủ khoa Trường trung học Energy Institute, rồi xuất sắc được các trường đại học danh tiếng ở Mỹ và thế giới nhận vào học, bao gồm Đại học Harvard, Đại học Columbia, Đại học Princeton và Đại học Texas tại Austin.

Ngo kể cha cậu hầu như không bao giờ hiện diện từ năm cậu 2 tuổi, còn mẹ thì liên tục vào tù ra khám. “Cuộc sống của tôi và các anh chị em không có gì ổn định cả. Mẹ tôi nghiện cờ bạc nặng và dính líu nhiều hoạt động tội phạm. Bà bị giam giữ có lẽ không ít hơn 8 lần”, Đài ABC13 dẫn lời Ngo hồi tưởng. Khi còn nhỏ, cậu và 5 anh chị em phải theo mẹ đến sòng bạc mỗi ngày và họ thường chơi loanh quanh tại bãi đậu xe cho đến khi mẹ đánh bài xong mới chở về. Đồ đạc trong nhà cũng lần lượt “đội nón ra đi”.

Cũng như các anh chị em, Ngo chuyển trường liên tục, trải qua 12 trường khác nhau từ mẫu giáo đến lớp 8. “Chúng tôi thường không có nhiều thức ăn cũng như tiền bạc. Gia đình không có nguồn thu nhập ổn định. Một trong những khó khăn lớn nhất trong đời tôi là lớn lên thiếu vắng sự dạy dỗ của cha mẹ”, Ngo kể trên Đài Fox 26.

Năm lên 15 tuổi, Ngo nhận ra rằng cậu phải tự quyết định tương lai của mình bằng cách tách ra sống riêng và học thật giỏi mới chiến thắng được số phận. “Để sống sót, bạn phải thật chú tâm. Năm vào trung học, tôi quyết định không thể chuyển trường nữa. Để làm được điều đó, tôi phải không phụ thuộc vào lối sống quá thất thường của mẹ”, Ngo giải thích trong bài tự sự đăng trên tờ Houston Chronicle.

Nghĩ là làm, Ngo đi thuê phòng trọ và được mẹ thỉnh thoảng cho một ít tiền. Cậu cũng giấu giáo viên và bạn bè chuyện sống một mình. Tuy nhiên, phần lớn thời gian sau này chàng trai gốc Việt phải tự chật vật tìm miếng ăn và sống lay lắt qua ngày nhờ những hộp cá ngừ và bánh quy xin từ các tổ chức từ thiện. Năm 17 tuổi, Ngo chính thức trở thành người vô gia cư khi không đủ khả năng trả tiền thuê nhà và cũng không nhận được bất cứ sự trợ giúp nào từ mẹ.

Dù vậy, Ngo vẫn không bỏ tiết học nào, thậm chí nỗ lực gấp nhiều lần so với chúng bạn. Từ một học sinh chỉ nhận toàn điểm C, cậu vươn lên dẫn đầu lớp với điểm A ở tất cả các môn. Ngo cho biết cậu đã đặt ra mục tiêu cho mình và quyết tâm đạt được bằng mọi giá. “Tôi lớn lên cùng với những thử thách chồng chất. Tôi nhận ra nếu không biết tận dụng trường học, giáo dục và mọi thứ mình đang có thì sẽ không có cách nào thoát khỏi hoàn cảnh hiện tại”, Ngo nhấn mạnh, đồng thời nói thêm: “Miễn là có động lực và kỷ luật, bất cứ điều gì cũng có thể”. Cậu cũng không hề oán trách gia đình hay số phận mà chỉ thừa nhận chính mong muốn không rơi vào hoàn cảnh giống mẹ mình đã thôi thúc cậu không ngừng phấn đấu.

Ngo sẽ nhập học tại ngôi trường Harvard danh giá từ quý 3/2019, chuyên ngành kinh tế hoặc triết học, theo Đài Fox 26. Đề cập về tương lai, Ngo cho hay cậu chưa có kế hoạch cụ thể về nghề nghiệp song mong muốn trở thành người có thể truyền cảm hứng để giúp thay đổi cuộc sống của những người khác.

Tận dụng cơ hội từ EMERGE


Derrick Ngo cho hay cậu có được thành công này là nhờ EMERGE, tổ chức phi lợi nhuận hợp tác với các trường để tuyển chọn học sinh nghèo học giỏi, nhằm hướng dẫn họ cách thức ứng tuyển vào một số trường đại học danh tiếng của Mỹ. Ngo cũng dành nhiều tình cảm của mình đối với cố vấn Judy Le của EMERGE, người nấu những bữa ăn tối cho cậu và xem chàng trai Việt như người con trong gia đình. “EMERGE đã giúp tôi tiếp cận các khóa luyện SAT, hướng dẫn cách làm hồ sơ năng lực cá nhân cũng như tạo cơ hội cho tôi tham quan thực tế các trường đại học”, Ngo kể với Đài ABC13. SAT là bài thi đánh giá năng lực của học sinh và kiểm tra đầu vào của các trường đại học tại Mỹ.

Danh Toại (baothanhnien)