Văn hóa Việt Nam lần thứ ba được giới thiệu tại trường sở Hungary

09/02/2019 10:54:00 AM
Sau hai kỳ đầu tiên để lại nhiều dư âm vào năm 2011 và 2015, “Ngày Văn hóa Việt Nam” lần thứ ba được tổ chức rất thành công tại Trường Tiểu học và Trung học Thực nghiệm nổi tiếng mang tên thi hào Radnóti Miklós ở thủ đô Budapest, Hungary vào chiều 8/2/2019.

 Dàn đồng ca với ca khúc Chú ếch con được trình bày song ngữ. Ảnh: Hoàng Linh/Vietnam+

Nằm ở trung tâm thủ đô Budapest, trường Radnóti Miklós mang tên một nhà thơ lớn của Hungary thế kỷ 20 và trực thuộc sự quản lý của Đại học Tổng hợp Budapest (ELTE). Ngôi trường lớn có trên 100 năm tuổi này từ nhiều năm nay luôn lọt vào Top 5 của các trường trung học trên toàn nước Hungary.

Đặc biệt, trường luôn thu hút đông đảo học sinh Việt Nam - có lúc lên tới 6% học sinh của trường, và hiện tại cũng có khoảng 35 học sinh Việt theo học ở đây. Lý do là vì ngôi trường chủ trương hòa đồng, cởi mở, chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng và tiếp thu những giá trị văn hóa của mọi dân tộc.

Trong dịp này, Ban Tổ chức sự kiện vẫn là Hội Phụ huynh Học sinh Việt Nam cùng Ban Giám hiệu trường. Đây được coi là một hoạt động "chính mạch", nằm trong khuôn khổ những sinh hoạt văn hóa và xã hội rất phong phú và đa dạng mà nhà trường thường xuyên tổ chức cho giới học sinh.

Khởi đầu từ 3 giờ chiều, nhiều hoạt động nhằm giới thiệu và quảng bá văn hóa Việt Nam đã được tiến hành, như múa sạp, giới thiệu nhạc cụ dân tộc, góc làm đồ thủ công (làm ra 200 chiếc nón cho bạn học sinh của trường), góc tiếng Việt và giới thiệu các dân tộc Việt Nam, góc thư pháp...

Đặc biệt, góc ẩm thực vẫn luôn luôn thu hút các thực khách Hungary. Rất đông học sinh Hungary cùng cha mẹ, các thầy cô... quây quần quanh các bàn bày những món ăn truyền thống Việt Nam, được các mẹ, các chị trong Ban Phụ huynh dày công chuẩn bị chu đáo và tận tình từ hàng tháng nay.

Ngoài những món quen biết trong dịp lễ tết Việt Nam như nem, xôi..., bánh su sê và mâm ngũ quả được trang trí, bày biện rất đẹp đã khiến nhiều bạn Hungary trầm trồ khen ngợi. Ẩm thực cũng chính là một giá trị văn hóa khiến các dân tộc xích lại gần nhau, như nhận xét của một vị khách Hungary.

Phần chính và cũng là "điểm sáng" của ngày hội văn hóa Việt Nam năm nay là chương trình ca, múa, nhạc dân tộc kéo dài hơn 1 giờ, do các học sinh Việt và Hungary trình diễn. Mở đầu là màn múa lân rộn ràng, trước cử tọa hơn 500 người khiến hội trường lớn của trường không còn một chỗ trống.

Khán phòng cũng rộn lên những tràng pháo tay trước phần trình diễn song ngữ Việt-Hung bài "Chú ếch con" của dàn đại đồng ca dàn dựng công phu gồm 120 học sinh từ lớp 1 tới lớp 12. Ban tổ chức cho hay, để có được tiết mục này, các lớp phải tập riêng trước khi có một lần tập chung trước buổi diễn.

Hòa tấu "Bèo dạt mây trôi", trích đoạn tuồng cổ "Nguyệt Cô hóa cáo", trình diễn đàn bầu, múa guốc và màn trang phục áo dài với sự tham gia của nhóm học sinh Việt-Hung... đều là những nội dung rất được khán giả tán thưởng, trong số đó có một số vị khách quý Hungary từng phục vụ tại Việt Nam.

Bầu không khí vốn sôi động cũng có lúc chùng xuống, khi một bạn trẻ Việt đọc ca từ của bài hát "Xin chào Việt Nam" (Bonjour Vietnam) được dịch ra tiếng Hungary dưới dạng thơ, và một bạn khác thì đọc lời Việt - cho dù phát âm không thật sõi, nhưng đã gây cảm xúc mạnh trong lòng người Việt xa xứ.

Tham dự buổi lễ trên tư cách khách mời, giáo sư, tiến sỹ Hamar Imre - Hiệu phó Đại học Tổng hợp Budapest phụ trách Quan hệ Quốc tế, đồng thời là Giám đốc Học viện Viễn Đông cho hay sắp tới, trường sẽ khai trương Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam, cũng như sẽ khởi động Khoa Tiếng Việt.

Đây là một tin vui lớn đối với cộng đồng Việt Nam tại Hungary, cũng như với quan hệ giáo dục, văn hóa giữa hai nước, mở ra một cánh cửa trước các bạn Hungary muốn tìm hiểu nền Phương Đông thông qua văn hóa Việt Nam, và tạo điều kiện để các giá trị văn hóa Việt Nam được lan tỏa hơn tại Hungary.

Tham gia tích cực trong công tác tổ chức Ngày Văn hóa Việt Nam, nhiều bậc phụ huynh chia sẻ, họ rất tự hào khi các cháu Việt được theo học ngôi trường danh giá này. Một thành viên Ban tổ chức, chị Đào Thị Ngọc Yến nhận xét, tại đây các cháu được giáo dục rất tốt và không hề bị phân biệt đối xử. Thêm vào đó, quan niệm giáo dục của trường rất cởi mở, các cháu có thể được phát biểu tất cả những ý kiến riêng của mình.

Cởi mở và hướng tới những giá trị văn hóa của các dân tộc khác cũng là lý do để trường Radnóti Miklós tổ chức ngày hội văn hóa Việt từ 8 năm trước, theo bà Tóth Judit.

Phụ trách tổ chức các hoạt động cộng đồng của trường và đã sát cánh cùng các bậc phụ huynh Việt từ dạo đó, bà Tóth Judit cho hay, nhà trường và giới học sinh rất muốn tìm hiểu xem, cạnh nền văn hóa Hungary mà học sinh Việt đã thạo, các em còn mang tới Hungary nền văn hóa của mình như thế nào.

Với học sinh Hungary, theo bà Tóth Judit, những dịp như thế này là cơ hội rất tốt để các em có thể mở rộng tầm mắt khi được làm quen với một nền văn hóa có nhiều nét khác biệt, khiến các em dễ dàng hơn trong việc chấp nhận những giá trị dị biệt và hiểu thêm được những người bạn của mình.../.

Hoàng Linh / VIETNAM+