Việt Nam trước vận hội công nghiệp 4.0

14/09/2018 08:59:00 AM
Có thể nói năm 2018 của Việt Nam là năm của những sự kiện phục vụ cho công cuộc thúc đẩy phát triển công nghiệp 4.0. Cuộc cách mạng 4.0 đòi hỏi cấp lãnh đạo vĩ mô phải có chiến lược và chính sách thích ứng và phù hợp.

Trước những thời cơ, vận hội nhưng cũng là thách thức mới, tháng Tư vừa rồi, với trọng trách được Chính phủ giao nhiệm vụ tìm chìa khoá mở đường cho công cuộc phát triển đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã sang tìm hiểu về lĩnh vực này ở Hoa Kỳ. 

Giáo sư Jason Furman, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trong
Hội nghị Vietnam CEO Summit 2018  tại Hà Nội (Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp) 

Cuối tháng 7 vừa qua, Giáo sư Jason Furman, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam với mục đích tìm hướng đi thích hợp cho vị thế và hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam trong cuộc cách mạng tri thức. 

Sang những ngày đầu tháng 8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng và chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan tổ chức “Chương trình kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam” nhằm tập hợp, quy tụ người Việt tài năng đang làm việc trong các lĩnh vực khoa học công nghệ trên thế giới để phục vụ, đóng góp cho đất nước. Chính thức ngày 12/8 vừa qua, 100 trí thức trẻ ở các nước phát triển, trong đó phần lớn từ Hoa Kỳ, đã về Việt Nam và có mặt trong buổi khai mạc Chương trình tại Hà Nội.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp 100 chuyên gia, nhà khoa học trẻ người Việt tiêu biểu ở nước ngoài về nước tham dự Chương trình Kết nối Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt Nam

Ngày 28/8, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử. Với quyết tâm cao độ, Đảng và Chính phủ cùng hệ thống chính trị đang quyết tâm hiện thực hoá những thành tựu trí thức nhân loại trong lĩnh vực công nghệ để điều hành, quản trị đất nước tốt hơn nhằm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống của toàn dân. Khi ứng dụng công nghệ cao vào cuộc sống thì mọi chi phí vận hành bộ máy chính trị cho đến sản xuất kinh doanh và sinh hoạt sẽ đơn giản và tiết kiệm chi phí hơn, năng suất lao động và hiệu quả tăng lên và tất nhiên thu nhập bình quân cũng tăng lên.

Như ở Hoa Kỳ, thủ tục hành chính trong mọi lĩnh vực quản lý đời sống xã hội từ giáo dục, y tế, nhà đất đến bảo hiểm, cấp hộ chiếu... đều được ứng dụng công nghệ, tất cả những sự giám sát quản lý của các cơ quan chức năng đều thực hiện qua mạng internet. Mọi thứ đều được thông báo qua mạng và gửi đến cá nhân cần làm thủ tục rất chu đáo, chuyên nghiệp, nên hiệu quả, tiết kiệm thời gian và nguồn lực của xã hội. Đơn cử như quản lý bất động sản ở Mỹ cũng đã rất đơn giản về thủ tục và không phải tốn kém giấy tờ làm hồ sơ lưu trữ hay làm bìa đỏ, bìa hồng và chi phí cho bộ máy theo dõi và quản lý. Tất cả đều được thể hiện trên mạng internet. Bạn có thể ngồi bất kỳ ở đâu đều có thể biết hết các thông tin về một ngôi nhà bạn quan tâm trên nước Mỹ. Những ngôi nhà hàng trăm năm nay, việc bán mua bao nhiêu lần hay mức thuế bao nhiêu và gần trường nào... đều thể hiện qua trang mạng. Qui hoạch phát triển thành phố cũng vậy. Họ luôn luôn phát triển để tạo thêm tiện ích và nâng cao chất lượng cuộc sống, nhưng bảo đảm sự trong sạch về môi trường và không xáo trộn cuộc sống. Tất cả những quy hoạch phát triển ấy đều có các thông tin trên mạng internet để doanh nghiệp biết và tìm hiểu, nghiên cứu trước khi quan tâm đầu tư.

 Truy cập hệ thống cổng thông tin bất động sản tại Hoa Kỳ

Hay việc bán bia rượu ở Mỹ không phải siêu thị hay bang nào cũng được chính phủ liên bang cấp giấy phép bán. Nhưng khi một siêu thị được cấp giấy phép thì những người vào mua phải trên 18 tuổi và trình ID (như chứng minh thư nhân dân) để lưu lại trong hệ thống quản lý. Và những đối tượng thường xuyên mua và mua nhiều cũng sẽ được theo dõi qua mạng internet của các cơ quan chức năng giám sát. Mỗi khi có những sự cố không tốt trong xã hội xảy ra (tất nhiên không phải sự việc nào cũng do bia rượu) thì các cơ quan chức năng giám sát không mất quá nhiều chi phí cho việc điều tra. 

Cuộc sống vốn nhẹ nhàng và đơn giản như vậy. Tuy nhiên ở Việt Nam, dù đang từng bước được cải thiện nhưng hệ thống quản lý còn nặng về thủ tục giấy tờ hành chính nên nhiều khi đã gây ra những hệ lụy và tạo nên bức xúc trong nhân dân.  

Ngày 6/9 vừa qua tại Hà Nội, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), đóng góp nhiều ý kiến cụ thể đối với các quy định trong 2 phương án về xử lý tài sản, thu nhập không minh bạch là nên đánh thuế hay giải quyết tại Toà án. Theo thiển nghĩ của cá nhân tôi thì dù giải quyết theo phương án nào mà nếu phải lập ra cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản cán bộ đều không hiệu quả và rất tốn kém cho ngân sách. Bởi lẽ những quy định ấy dẫn đến quá nhiều cơ quan có chức năng quản lý nhưng không thực chất. Hơn nữa những sự việc dù to hay nhỏ xảy ra và tiến trình xử lý theo hình thức nào cũng phức tạp và tốn kém không thể đong đếm.

Cái mất mát lớn nhất của một quốc gia trong con mắt thế giới đó chính là tệ tham nhũng và nhiều tệ nạn xã hội, hệ thống quản lý quốc gia yếu kém và chỉ số minh bạch thấp. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân các nước phát triển ít có dự án lớn đầu tư vào các nước có hệ thống quản lý yếu kém và chỉ số minh bạch không cao. Như Hoa Kỳ, nếu xét trên phương diện quan hệ ngoại giao với nước ta hiện nay là phát triển rất tốt; tuy nhiên nếu xét về đầu tư tại Việt Nam thì hiện nay chỉ ở mức 10 tỷ USD trên tổng mức đầu tư của Hoa Kỳ ra nước ngoài (mỗi năm trên 300 tỷ USD). Mức thu hút đầu tư của Việt Nam như thế chứng tỏ chưa thực sự hấp dẫn. Có nhiều nguyên nhân trong việc ấy nhưng tính minh bạch là một yếu tố cần thiết đối với các nhà đầu tư. Và cũng chính từ sự thiếu minh bạch nên một số nhà đầu tư nước ngoài ở một số quốc gia cũng có chỉ số minh bạch thấp đã tìm mọi cách đầu tư và lợi dụng để làm méo mó thêm sự yếu kém trong hệ thống quản lý của ta. 

Muốn có được sự quản lý tốt và minh bạch của một xã hội phát triển văn minh cần phải có công nghệ cao để đáp ứng cho hệ thống quản lý. Sự mong muốn ấy là khát vọng của mọi người dân nhưng để có được hệ thống công nghệ ứng dụng cho mỗi người dân sử dụng cập nhật hàng ngày để nâng cao chất lượng cuộc sống vẫn không hề đơn giản.

Trong hơn 2 năm từ 2016 đến nay, tôi cùng một số đồng nghiệp đang triển khai về một công nghệ ứng dụng kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo để định lượng một cách căn bản và khoa học về thực chất của nguồn nhân lực, nhưng không hề đơn giản. Bởi vì nhà trường không thể ứng dụng công nghệ thông tin nếu không được sự chấp thuận của cơ quan quản lý cấp trên là phòng giáo dục của quận, huyện và sở giáo dục. Nếu phòng giáo dục của quận, huyện muốn đầu tư cho các trường học thì phải được sự chấp thuận của sở giáo dục và đào tạo. Còn sở giáo dục muốn ứng dụng thì có 2 điều phụ thuộc là tài chính để đầu tư cho công nghệ thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, còn chuyên môn thì phụ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Một khi đã phụ thuộc dây chuyền như thế thì nảy sinh nhiều việc phải xử lý rất tốn kém, mà cái tốn kém nhất là mất thời gian và thiếu tính chủ động, sáng tạo của nhà trường. Trong khi công nghệ thế giới đang phát triển rất nhanh và đi vào ứng dụng tiện ích cho mọi người, thì chính chúng ta đang phụ thuộc nhiều cơ chế chồng chéo nên thiếu tính chủ động và làm chậm trễ công việc. Đơn cử trong  hơn 2 năm qua, chúng tôi đã tiến hành các cuộc hội thảo và tổ chức rất chuyên nghiệp cho các sở, trường trên khắp 3 miền của đất nước nhưng hiệu quả không được như mong muốn. Bởi một lẽ chúng tôi miễn phí hoàn toàn cho một số trường ứng dụng thì rất tốt và hiệu quả, nhưng không được cơ quan chủ quản đồng ý thì các trường không được phép ứng dụng các phần mềm quản lý.

 Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng coi CMCN 4.0 là cơ hội để kinh tế Việt Nam bứt phá

Đây cũng là lý do mà không ít nhà khoa học, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài còn e dè với các lời mời hợp tác của các tổ chức trong nước. Về việc này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng trăn trở: “ Một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng các chiến lược về cách mạng công nghiệp 4.0 chính là việc làm thế nào để tạo điều kiện tốt nhất để huy động nguồn nhân lực người Việt chất lượng cao trong và ngoài nước  tham gia ngay vào việc triển khai các nhiệm vụ chiến lược quốc gia về 4.0. Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 là thời cơ ngàn năm có một đối với nước ta, bởi với các cuộc cách mạng khác, chúng ta đã chậm quá nhiều so với các nước. Lần này nếu chúng ta không nắm được cơ hội như vậy, chúng ta sẽ tụt hậu ngày càng xa; khả năng rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển ngày càng khó khăn hơn. Thời cơ tốt như vậy, chúng ta phải cùng nhau nỗ lực, phấn đấu với một tinh thần chung tay, đồng lòng để góp phần tạo ra kết quả to lớn hơn nữa trong năm 2018,  đưa đất nước đi lên hiện đại và thịnh vượng, là cơ hội để Việt Nam vươn lên trở thành nước công nghiệp hiện đại hóa trong thời gian sớm nhất và Việt Nam cần tập trung mọi nguồn lực để thực hiện thành công cuộc cách mạng này”.

Thực tế chúng tôi đã trải qua và lăn lộn với việc chuyển giao công nghệ hơn 2 năm qua ở Việt Nam nên hiểu được tại sao trong khi Hoa Kỳ và các nước phát triển đã rời ga và tiến xa trong kỷ nguyên mới- kỷ nguyên phát triển vũ bão của cách mạng 4.0 và hiện thực hoá công nghệ ứng dụng vào đời sống thường nhật của người dân, thì Việt Nam vẫn loay hoay trong sân ga nông nghiệp nhỏ hẹp với cách thức còn lạc hậu. Tuy nhiên, tôi tin rằng hiện nay Đảng và Chính phủ đã đồng hành và là điểm tựa để những người làm công nghệ trong các lĩnh vực có điều kiện phục vụ đất nước và nhân dân, thì đất nước ta sẽ không một lần nữa bỏ lỡ cơ hội lên chuyến tàu công nghiệp 4.0 đồng hành cùng bạn bè quốc tế, như lời Giáo sư Jason Furman - Cố vấn của cựu Tổng thống Obama - đã nói: “Việt Nam hoàn toàn có khả năng nhảy vọt về kinh tế trí tuệ nhân tạo”.

Hà An (Hoa Kỳ)