Vội vã ra đi, vội vã trở về

09/04/2020 02:27:00 PM
Giai đoạn sống cách ly vì Covid-19, mới thấm thía hai chữ “Tự do”.

 Đường vào bến tàu điện ngầm không một bóng người.

Thời cách ly, ở siêu thị, người ta chen nhau tranh mua đồ thực phẩm về dự trữ tưởng như chiến tranh sắp xảy ra. Siêu thị ở Paris vẫn đầy hàng. Người Pháp 3 tuần đầu chấp hành cách ly khá nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, hơn 6000 người bị phạt vì vi phạm. Ra ngõ phải tự viết một cái giấy khai lý do và giờ xuất hành. Mỗi người chỉ được phép đi trong 1 tiếng với lý do chính đáng. Ra ngoài mua thực phẩm là một lý do duy nhất dễ được cảnh sát chấp nhận.

Siêu thị vắng ngắt. Chỉ có dăm người. Ai cũng lịch sự tế nhị chờ người kia chọn xong đi ra chỗ khác mới tiến đến chọn vì sợ lây nhiễm.

Các trường học đóng cửa. Tôi nhớ thời chiến ở Hà Nội, mỗi lần đi qua trường cũ thấy đóng cửa lại bùi ngùi, chỉ mong hết chiến tranh, để khỏi phải đi sơ tán. Chiến tranh cứ kéo dài, tuổi thơ của những đứa trẻ sinh ra ở Hà Nội lại trôi dạt giữa những cánh đồng lúa, lũy tre. Đêm đêm, đám trẻ sơ tán đi theo trẻ nông thôn đơm cá dưới trăng. Tự do ban đầu thích lắm như đi nghỉ hè, đến lúc vài tháng mới khóc thầm nhớ gia đình. Dạ dày thường trực thèm ăn. Cái gì cũng thèm. Sơ tán nơi Hưng Yên, mùa nhãn chín nhìn những quả nhãn trĩu trịt trên cây thèm rỏ rãi không dám hái, sợ bị la mắng. Chỉ chờ được chủ nhà cho dăm quả nếm. Chị chủ phải hái mang ra chợ bán kiếm tiền nuôi hai đứa con nhỏ. Nhờ được chút học bài nhanh, kèm con chủ nhà, và cho bạn bè chép bài nên tôi được ưu đãi, thỉnh thoảng được đẵn mía, củ khoai, mấy con châu chấu nướng… Bây giờ trẻ phải ở nhà vì trường đóng cửa tạm thời. Con virus corona rút đi thì trường lại mở.

Bên Pháp, Tổng thống Macron ví cuộc chiến chống virus Corona là một cuộc chiến tranh. Chiến tranh này không chỉ ở một quốc gia mà có thể gọi là đại chiến thế giới lần thứ 3. Chưa bao giờ có một liên minh trong chiến tranh lớn đến thế. Cả thế giới cùng liên minh chống Covid-19.

Tuy nhiên, thực phẩm ở Paris không thiếu. Thành phố vắng tanh. Thỉnh thoảng mới có một người đi mua hàng và mua thuốc. Ba dịch vụ chính mở là cửa hàng thực phẩm, cửa hàng thuốc, bệnh viện. Bệnh viện tấp nập người cấp cứu. Đọc nhật báo tin người chết tăng vùn vụt thấy rùng mình. Một ngày có nước có hơn 1000 người ra đi. Số người mất tăng chóng mặt. Chết cô đơn vì không ai được phép vào lúc nhắm mắt để tránh truyền nhiễm cho chính bản thân và cộng đồng. Ốm đau cấp cứu, cũng không được ai vào thăm. Một số thoát được tử thần trở về, vài gia đình không dám đến đón về, sợ lây. Cô đơn nối cô đơn.

 Nơi sinh viên tụ tập ngồi trao đổi bài trước khi vào thi.

Nỗi sợ nhất là nghe còi xe cấp cứu. Cả phố yên tĩnh, bỗng còi hú lên vang đường. Lại nhớ tiếng còi báo động thời chiến tranh “Đồng bào chú ý máy bay địch cách Hà Nội 30 cây số… các lực lượng vũ trang chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu…”. Những đứa trẻ Hà Nội chạy chui xuống hầm mặc muỗi hay rết… Tiếng còi Paris không có thông báo nhưng ai cũng hiểu có một người đang khó thở. Chỉ có những người khó thở mới được gọi cứu thương. Một cặp vợ chồng Việt gần 90 tuổi ở Paris kể: Bà vợ đau tim gọi cấp cứu. Xe cứu thương đến cấp cứu đưa vào bệnh viện. Ông cụ lò dò vào thăm bị mời về. Hôm sau bệnh viện cho xe đưa bà cụ về và nói: “Ở bệnh viện, nguy cơ lây nhiễm cao, bà đã qua cơn đau tim, vậy đưa bà về an toàn hơn, hàng ngày bác sĩ y tá đến chăm sóc tại gia”.

Bị dính Covid-19 có gọi bác sĩ, chỉ để nghe dặn dò cách tự điều trị. Còi hú lên là điềm báo buồn cho khu vực. Thời chiến nghe bom rơi, biết có người chết, bị thương. Con số tử vong không ai thông báo vì thời không máy móc hiện đại, nhiều người có khi chết ngạt trong hầm vì nhà sập, và thiếu phương tiện để đưa ra cứu… Bây giờ thì thấy lù lù ra đấy, mà đôi khi bất lực không cứu được, vì sợ lây. Trước ở Hà Nội, hiếm khi nghe tiếng còi cứu thương thời đó. Điện thoại làm gì có. Hàng xóm tự cứu nhau và đưa nhau vào bệnh viện. Tình người bao la. Bây giờ hiện đại, thông tin nhanh nên con Covid-19 cũng lợi dụng khoa học lan tỏa rất nhanh. Nó lên máy bay, tàu thủy, theo con người đi khắp bốn phương. Nhưng sự cô đơn lên đến đỉnh điểm dù có đủ phương tiện liên lạc.

Trước đồ đạc bỏ ngoài đường do chuyển nhà không tha được, có người lượm về bán chợ cũ hoặc tái sử dụng. Bây giờ chẳng ai dám lấy về. Thứ nhất không được ra đường, lơ mơ cảnh sát hỏi. Thứ hai họ sợ đồ của người bị Covid-19. Nghe nói Covid-19 bám dai đến hơn 15 ngày. 

Trại dưỡng lão, nội bất xuất ngoại bất nhập. Các cụ như ngọn đèn trước gió. Một vài cụ ra ngoài hóng mát đã đem cô virus 19 trẻ trung về làm náo loạn cả khu. Nhiều người ra đi sớm vì tuổi cao. Thông cáo trên 60 tuổi nên ở trong nhà vì khả năng đề kháng kém.

Bệnh viện thiếu khẩu trang đến mức báo động. Bên Pháp, ưu tiên khẩu trang cho y tế. Nguyên tắc cứ 4 tiếng là phải thay khẩu trang. Trước kia chỉ khám cho bệnh nhân thường, bác sĩ cũng vứt luôn khẩu trang vào thùng rác. Bây giờ các bác sĩ phải tiết kiệm tối đa. Có nơi còn dùng bàn là, sấy nóng lại tạm tái sử dụng.

Những hình ảnh hài hước cười ra nước mắt về tình trạng thiếu khẩu trang. Áo bờ lu giấy tả tơi vì làm việc như con thoi của đội ngũ y tế. Khẩu trang y tế đòi hỏi đúng tiêu chuẩn, không thể tự may được. Thiên hạ cứ bảo ngành y hái ra tiền. Những lúc này mới thấy họ mệt mỏi và vất vả thế nào. Một số bác sĩ đã ra đi vì bị lây Covid-19.

Khu trung tâm thi cử, đại học, đều đóng cửa. Nơi lúc nào cũng thấy thanh niên tấp nập hối hả đứng đầy đường chờ vào thi nay vắng bóng lớp trẻ như vắng mùa xuân. Tuy nhiên, hoa vẫn nở trong sân trường. Công viên - nơi hẹn hò của những nụ hôn - những chiếc ghế đá trống trơn, không chờ đợi.

 Vườn xuân nhà nở hoa thời Covid-19

Trời Paris nắng chan hòa, hoa nở tưng bừng, nhưng “nắng đẹp chan hòa có nghĩa gì đâu”. Xuân và hoa đâu hay biết gì Covid-19. Một số người dân Pháp bất chất luật phong tỏa, chui ra đón nắng. Có người bị phạt vì thèm nắng xuân. Xuân đến không ai được thưởng thức, trừ một số có chút vườn. Giờ mới thấy mẩu vườn giá trị hơn mấy nhà 5, 6 tầng. Mảnh đất tự do đơm hoa với bầu không khí. Hoa và cây xanh làm cho con người cảm thấy vẫn yêu cuộc sống dù bị cách ly phong tỏa. Ra cửa hàng thực phẩm chẳng ai dám đứng xem kỹ như mọi khi. Lấy nhanh để về vì sợ lây. Ra mua thực phẩm nhớ câu hát của nhạc sĩ Phú Quang “vội vã ra đi, vội vã trở về”.

Giai đoạn sống cách ly vì Covid-19, mới thấm thía hai chữ “Tự do”. Cái khẩu trang bịt miệng đến khó chịu. Hơi thở mất luôn tự do. Nhìn con chim bay trên bầu trời, ước ao mình có đôi cánh để bay tự do. Máy bay ra đời là tưởng thỏa mãn khát khao của con người bay trên trời và đi khắp bốn phương, bây giờ cũng phải tạm ngưng nhiều vì cấm du lịch. Chỉ có loài chim là không cần visa, và không thể cấm được.

Ôi ước gì ta được là chim!

Trần Thu Dung (Pháp)