Giải đáp về việc xin nhập quốc tịch Việt Nam

20/07/2008 09:47:38 AM
Hỏi: Tôi xin hỏi về một trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam, như sau: Người chồng là người Campuchia chạy loạn sang Việt Nam từ 1972, thất lạc toàn bộ các loại giấy tờ, từ năm 1972 cho đến nay, lúc thì ở Long Khánh, lúc thì ở TPHCM. Năm 1976, lấy vợ là người Chăm ở tại TPHCM, ở nhà vợ và sinh được 6 người con từ năm 1977 đến 1992...

Trong giấy khai sinh của những người con, người chồng lúc thì khai là người Indonesia, quốc tịch Indonesia, lúc thì khai là người Chăm quốc tịch Việt Nam nên có 4 người con mang quốc tịch Indonesia không thể làm chứng minh thư được, còn 2 người con khác thì làm chứng minh thư được và có quốc tịch Việt Nam. Đến năm 2004, thì người vợ nhập hộ khẩu TPHCM và có chứng minh thư.

Đến nay, người chồng và 4 người con mang quốc tịch Indonesia (quốc tịch này là do họ khai chứ người chồng không có một loại giấy tờ nào liên quan đến đất nước và con người Indonesia) mong muốn được nhập quốc tịch Việt Nam để có chứng minh thư và có đầy đủ quyền công dân. Vậy phải làm thế nào? Rất mong nhận được sự chỉ dẫn của quý báo.

Xin trân trọng cảm ơn!

Trả lời:

Theo thông tin Bạn cung cấp, người chồng là người Campuchia nhưng đã bị thất lạc toàn bộ giấy tờ có liên quan, do vậy, người chồng không thể chứng minh được mình là người Campuchia, đồng thời cũng không chứng minh được mình là người Indonesia. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người chồng thuộc đối tượng người không quốc tịch (Điều 2 Luật Quốc tịch 1998).

Để có Quốc tịch Việt Nam, người chồng phải thực hiện thủ tục xin nhập Quốc tịch Việt Nam tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đang cư trú.

Hồ sơ xin nhập Quốc tịch Việt Nam bao gồm (Điều 8, Điều 9 Nghị định số 104/1998/NĐ-CP ngày 31/12/1998 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam):

a. Bản sao Giấy khai sinh hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế;

b. Bản khai lý lịch theo mẫu do Bộ Tư pháp quy định;

c. Phiếu xác nhận lý lịch tư pháp;

đ. Giấy xác nhận về thời gian đã thường trú liên tục ở Việt Nam do ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là ủy ban nhân dân cấp xã), nơi người chồng thường trú cấp;

e. Giấy xác nhận về chỗ ở do ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người chồng thường trú cấp.

Hồ sơ xin nhập Quốc tịch Việt Nam được lập thành 4 bộ. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ xin nhập Quốc tịch, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ thẩm định hồ sơ và trình Chủ tịch nước xem xét kí quyết định cho nhập Quốc tịch Việt Nam.

Mức lệ phí xin nhập Quốc tịch Việt Nam là 2.000.000 đồng/01 người.

Trường hợp của bốn người con, nếu muốn chuyển sang Quốc tịch Việt Nam, thì phải thực hiện thủ tục xin nhập Quốc tịch Việt Nam theo đúng hồ sơ, trình tự, thủ tục được nêu ở trên. Xin lưu ý, trong hồ sơ xin nhập Quốc tịch của bốn người con phải có thêm Bản cam kết từ bỏ Quốc tịch Indonesia.

Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
Số 8, ngõ 7, phố Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội