Hiểu làn da theo từng vị trí cơ thể

30/04/2021 09:40:00 AM
Làn da là “lá chắn” bảo vệ cơ thể trước các tác động từ môi trường, nhưng bạn có thực sự thấu hiểu làn da để chăm sóc và nuôi dưỡng phù hợp?

 

Làn da con người ở từng bộ phận có sự khác nhau nhất định về cấu trúc giải phẫu và sinh lí. Da có 3 thành phần chính: biểu bì, trung bì và hạ bì.

Lớp biểu bì trên khuôn mặt mỏng hơn các phần còn lại của cơ thể, ngoại trừ bộ phận sinh dục. Ở da mặt, các tế bào sừng có kích thước nhỏ hơn nhưng số lượng nhiều hơn khi so sánh với những vùng da khác trên cơ thể. Sự di chuyển da từ đáy lên bề mặt sừng thường diễn ra nhanh hơn so với da ở những vùng khác trên cơ thể. Da mặt thường có 4-8 lớp tế bào sừng, trong đó da cơ thể có 11-17 lớp, da lòng bàn tay, bàn chân có 23-71 lớp, vùng sinh dục giống da mặt khi có 4-8 lớp. Tuy có cùng số lượng 15 tế bào sắc tố/mm2, tùy điều kiện môi trường tiếp xúc ánh sáng mà vật liệu melanosome chứa melanin sẽ nhiều hơn ở vùng phơi bày ra ánh sáng như mặt, cổ, tay, chân…

Ở lớp bì, cũng có sự khác nhau giữa mặt và các vị trí khác. Mặt thường có nhiều mạch máu hơn để điều hòa nhiệt độ các cơ quan quan trọng. Mặt là nơi tập trung nhiều tuyến bã nhờn, khoảng 900 tuyến/cm2 da. Ở trên cơ thể cũng có sự phân bố tuyến bã nhờn, ngoại trừ lòng bàn tay, chân. Tuyến bã nhờn lớn nhất ở vùng lưng. Tuyến mồ hôi ở mặt thường là tuyến mồ hôi bài tiết nước. Trong khi đó, ở trên cơ thể, tuyến mồ hôi vùng nách, quầng vú, đáy chậu thường tiết dầu nên tạo mùi cơ thể. Tuyến mồ hôi nhiều nhất ở lòng bàn tay, chân, 2 bên má và trán. Lông ở mặt chủ yếu là lông tơ, dưới sự tác động hormone nam, một số vùng trên da mặt, lông tơ chuyển hóa thành râu. Ở cơ thể, vào giai đoạn dậy thì, một số vùng như nách, bộ phận sinh dục, tay chân lông tơ cũng chuyển hóa thành lông trưởng thành.

Ở lớp hạ bì, chủ yếu khác nhau ở sự phân bố mỡ trên cơ thể. Trên da mặt, lớp mỡ thường tập trung nhiều ở hai bên má. Trong khi ở cơ thể, vùng bụng và đùi thường có lớp mỡ dày hơn.

Sự khác biệt về cấu trúc da giữa các vùng dẫn đến sự khác biệt về màu sắc da và độ thẩm mỹ của da. Da mặt là phần da được phơi bày dưới ánh sáng nhiều, tuyến bã nhờn nhiều nên có một số vấn đề thường gặp là lỗ chân lông to, mụn, thâm, rỗ, khô da, nếp nhăn, lão hóa…. Yếu tố nội tiết cũng dẫn đến tình trạng nám má đặc biệt ở phụ nữ giai đoạn sau 35 tuổi. Các vùng da được che phủ bởi quần áo thường có xu hướng mềm mịn hơn, ít lão hóa hơn. Các khu vực da khác như da tay, da chân, vùng cổ… cũng dễ gặp các vấn đề về lão hóa do tác động của ánh sáng như đốm nâu, đồi mồi, nhăn, lão hóa…

Khác nhau trong chăm sóc

Đặc điểm lớp sừng ở vùng da mặt mỏng hơn những vùng da khác trên cơ thể do đó các sản phẩm dùng cho vùng da mặt chủ yếu mang tính chất dịu nhẹ. Tuyến bã nhờn trên da mặt nhiều cho nên các sản phẩm này chủ yếu mang tính chất kiềm dầu, cấp ẩm để tránh tình trạng gây bít tắc lỗ chân lông gây mụn.

Riêng các vùng da lòng bàn tay bàn chân, sự hạn chế về số lượng tuyến bã nhờn khiến da khu vực này thường có xu hướng khô trừ một số trường hợp bệnh lý như mồ hồi tay… do đó các sản phẩm cho vùng da này cần có sự chuyên biệt trong cấu trúc, thành phần để quá trình cấp ẩm, dưỡng ẩm được tốt hơn giúp da vùng lòng bàn tay bàn chân được mềm mại, tránh tình trạng khô, bong tróc…

Kích ứng và dị ứng có giống nhau?

Kích ứng và dị ứng là hiện tượng khác nhau nhưng có những biểu hiện khá tương tự nhau nên dễ dẫn đến nhầm lẫn trong nhận định, xử trí các vấn đề của làn da khi sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm.

Kích ứng da: Thường có các dấu hiệu như da bị châm chích, ngứa, nổi mẫn đỏ, nóng rát, bong tróc… nhưng chỉ diễn ra tại vùng da có tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng. Nguyên nhân có thể do sử dụng mỹ phẩm chứa các thành phần hóa chất không phù hợp như các thành phẩn tẩy, chất bảo quản, hương liệu… có trong các sản phẩm mỹ phẩm hoặc có thể do một số nguyên nhân tiếp xúc khác như hóa chất, dịch tiết côn trùng… Kích ứng da cũng có liên quan độ dày của lớp biểu bì da như da mặt, mặt trong cánh tay, đùi dễ bị kích ứng hơn so với da mu bàn tay, bàn chân… cũng như nồng độ của tác nhân kích ứng. Tình trạng kích ứng có thể được cải thiện khi loại bỏ các tác nhân kích ứng và chăm sóc phù hợp sau thời gian ngắn hoặc một vài ngày. Một số loại thuốc đặc biệt dùng trong da liễu cũng có thể gây ra một số hiện tượng tương tự như kích ứng; nhưng khi ngưng thuốc các dấu hiệu sẽ biến mất cũng như không xuất hiện các tình trạng tổn thương khác trên da.

Dị ứng da: Dị ứng da có thể xem là một phản ứng quá mẫn của cơ thể và có mức độ nguy hiểm cao hơn so với kích ứng da. Dị ứng có liên quan đến các phản ứng miễn dịch, giải phóng các kháng thể để chống lại các tác nhân gây dị ứng. Biểu hiện của dị ứng khá giống với kích ứng da, nhưng phạm vi ảnh hưởng sẽ rộng hơn có thể là toàn bộ cơ thể khi các tác nhân kích ứng có thể đi thấm qua da và đi vào hệ thống tuần hoàn máu, thời gian da bị dị ứng cũng có thể kéo dài hơn.

 Ths.BS TẠ QUỐC HƯNG (theo suckhoedoisong.vn)