Tha thứ và hành trình hạnh phúc

11/03/2020 08:00:00 AM
Tha thứ là một liều thần dược giúp hàn gắn vết thương trong lòng. Bạn sẽ vẫn nhớ những gì đã xảy ra nhưng không còn bị nó chi phối. Biết cách ‘làm bạn’ với cảm xúc, hiểu mình cần gì để rèn luyện sức mạnh nội tâm giúp bạn có khả năng làm chủ bản thân trong bất kỳ tình huống nào. Tha thứ là phương pháp tuyệt vời để trân trọng yêu thương chính mình và tri ân cuộc sống.

 Tha thứ là phương pháp tuyệt vời để trân trọng yêu thương chính mình và tri ân cuộc sống

Bạn đời không chung thủy, bị bạn thân phản bội hay bị đánh mắng oan khi còn nhỏ… Hầu hết mỗi chúng ta đều có những ‘nỗi uất hận’ của riêng mình. Bạn có nên tha thứ và nếu có thì tha thứ như thế nào?

Tha thứ là món quà bạn dành tặng chính mình

Mặc dù giờ đây cơn sóng giận dữ đã tạm thời lắng xuống, nhưng chúng ta phải đối diện với một thách thức mới, đó là: Bạn có nên tha thứ cho ai đó? Bằng cách tha thứ, bạn sẽ buông bỏ được tất cả những nỗi đau, thù hận trĩu nặng trong tâm và trái tim bạn sẽ được hàn gắn. Tuy nhiên, đó là lý thuyết, thực tế không hề dễ dàng như vậy, nhất là khi bạn bị tổn thương sâu sắc.

Phần lớn chúng ta hiểu lầm về sự tha thứ. Để học cách tha thứ, đầu tiên bạn cần nhận rõ những nhầm lẫn này.

  • Tha thứ không có nghĩa là bạn biện hộ hay bào chữa cho lỗi lầm của người khác.
  • Tha thứ không có nghĩa là bạn cần phải nói với ai đó rằng bạn đã tha thứ cho họ.
  • Tha thứ không có nghĩa là bạn sẽ không có cảm xúc gì về chuyện đó nữa.
  • Tha thứ không có nghĩa là mối quan hệ đó giờ đã ổn thỏa tốt đẹp.
  • Tha thứ không có nghĩa là bạn phải quên đi những gì đã xảy ra.
  • Tha thứ không có nghĩa là bạn phải tiếp tục giữ mối quan hệ với người đó.

Tha thứ nghĩa là chấp nhận những gì đã xảy ra và tiến về phía trước.

Đó có thể một quá trình đòi hỏi thời gian. Tha thứ không phải điều bạn làm cho người đã khiến bạn tổn thương, đó là món quà tốt đẹp bạn dành tặng chính mình. Học tha thứ là học nghệ thuật buông xả, giảm bớt bám chấp để sống an nhiên tự tại.

Tha thứ là giải phóng những nỗi đau, hay định kiến của bạn gắn với một ai đó, là sự buông bỏ được cảm giác tức nghẹn, cay đắng hay thù hận, những nhân tố vốn đã được khoa học chứng minh là nguồn gốc của rất nhiều loại bệnh tật như tim mạch hay thậm chí cả tiểu đường.

Tại sao tha thứ lại khó khăn đến vậy?

Có một số nguyên nhân: bạn bị ám ảnh bởi mong muốn trừng phạt hay trả thù; bạn hiếu thắng, thích hơn người; bạn hoang mang không biết giải quyết vấn đề như thế nào; bạn thích ‘cảm giác mạnh mẽ’ bởi nội tiết tố adrenaline mà cơn giận mang lại, tâm lý tự coi mình là nạn nhân; bạn cho rằng tha thứ là không công bằng... Những vấn đề này có thể được giải quyết nếu chúng ta học cách thay đổi góc nhìn, nhận diện những suy nghĩ, cảm xúc của mình, hiểu bản thân, những giới hạn và nhu cầu của chính mình.

Theo quan kiến Phật giáo, tất cả những gì xảy đến với chúng ta đều có lý do của nó. Cuộc sống vốn vận hành theo quy luật nhân quả và nghiệp báo. Có những điều xảy ra tưởng chừng như bất công nếu nhìn trong khuôn khổ cuộc đời ngắn ngủi này, nhưng dưới tuệ nhãn của Đức Phật thì nó đều bắt nguồn từ nhân đã gieo từ nhiều đời trước. Bởi vậy mà ‘cuộc đời như giấc mộng trả vay’ và là sự hiện bày của nhân quả. Vì vậy, thay vì nuôi hận thù và tạo thêm những nhân bất thiện, người có trí sẽ chấp nhận nghịch cảnh, những gì không thay đổi được và tập trung vào giải pháp.

Để tha thứ, trước tiên bạn phải có mong nguyện tha thứ. Nhiều khi bạn không muốn tha thứ cho ai đó vì bị tổn thương sâu sắc hoặc vì kẻ kia quá lạm dụng hay không hề tỏ ra ăn năn. Trước khi tha thứ, bạn cần nhận diện, cảm nhận trọn vẹn, bộc lộ cảm xúc, cũng như giải phóng cơn giận và nỗi đau trong mình. Theo tiến sỹ tâm lý học Andrea Brandt, bạn không cần cố ép mình nếu chưa thực sự sẵn sàng. Một khi đã quyết định sẽ tha thứ, hãy dành thời gian riêng một mình ở một nơi yên tĩnh để quán chiếu và nhận diện những suy tư, cảm xúc trong tâm. Khi đó, bạn có thể thực hiện các bước sau:

  1. Nghĩ về sự việc đã làm bạn tức giận. Chấp nhận sự việc đó, chấp nhập cảm xúc và phản ứng của mình. Để tha thứ, bạn cần chấp nhận thực tế đã xảy ra như thế nào và bạn đã bị tác động ra sao.
  2. Nhận ra rằng bạn có thêm trải nghiệm và trưởng thành hơn sau biến cố. Tự hỏi bạn đã hiểu thêm điều gì về chính mình, về những nhu cầu và giới hạn của bản thân? Cuối cùng thì mọi chuyện cũng đã qua, có lẽ bạn đã trưởng thành hơn sau sóng gió.
  3. Bây giờ hãy suy ngẫm về người khiến bạn tổn thương. Tất cả chúng ta đều là con người, ai cũng có khiếm khuyết và sai lầm. Họ đã hành động dựa trên những quan niệm, tư duy hạn hẹp và sai lệch, cũng như chúng ta ai cũng có những định kiến nhất định dẫn dắt hành động. Bản thân họ cũng có những uẩn ức và nỗi đau trong lòng cũng như những nhu cầu chưa được giải tỏa. Hãy suy ngẫm về điều này.
  4. Cuối cùng, bạn có thể quyết định nói với người đó rằng bạn đã tha thứ cho họ hay không. Nếu không muốn nói trực tiếp, bạn hãy tự mình thực hiện điều đó: Hãy nói to “Tôi tha thứ cho bạn/anh/chị…” và đưa ra lời giải thích mà bạn cho là thỏa đáng.

Tha thứ là một liều thần dược giúp hàn gắn vết thương trong lòng. Bạn sẽ vẫn nhớ những gì đã xảy ra nhưng không còn bị nó chi phối. Biết cách ‘làm bạn’ với cảm xúc, hiểu mình cần gì để rèn luyện sức mạnh nội tâm giúp bạn có khả năng làm chủ bản thân trong bất kỳ tình huống nào. Tha thứ là phương pháp tuyệt vời để trân trọng yêu thương chính mình và tri ân cuộc sống. Đó là sự khẳng định rằng bạn xứng đáng được sống hạnh phúc.

Theo Ngân Hoàng/ http://songhanhphuc.net/