Nam Phi đối mặt với tình trạng khủng hoảng thất nghiệp tồi tệ

05/02/2020 02:18:00 PM
Trong 10 năm qua, mỗi ngày Nam Phi có thêm khoảng 1.700 người tham gia thị trường lao động nhưng chỉ dưới 500 người trong số đó có thể tìm được việc làm.

 Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nam Phi Massmart Holdings mới đây đã sa thải 1.440 nhân công. (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN)

Báo cáo mới công bố của Trung tâm Phát triển và Doanh nghiệp (CDE) cho biết Nam Phi đang ở trong tình trạng khủng hoảng về việc làm tồi tệ nhất và dài nhất trên thế giới với 10,3 triệu người trong tổng số 38,6 triệu người ở độ tuổi lao động (15-64 tuổi) thất nghiệp và con số này tiếp tục tăng lên.

Đây là hậu quả của hơn 40 năm tăng trưởng kinh tế thấp, thiếu lao động tay nghề và nhiều lựa chọn chính sách chưa phù hợp của quốc gia này.

Phân tích của báo cáo “Mười triệu người và nhiều hơn: Nam Phi cần làm gì để giải quyết thảm họa việc làm” cho biết cuộc khủng hoảng thất nghiệp tại Nam Phi - vốn được mô tả là sâu sắc nhất trên thế giới, đã trở nên tồi tệ hơn bởi chính phủ nước này không giải quyết được các nguyên nhân cơ bản của của vấn đề do tăng trưởng kinh tế thấp và các chính sách thị trường lao động khiến các doanh nghiệp không muốn tuyển dụng người lao động không có kỹ năng.

Hiện chỉ có 42% người trong độ tuổi lao động của Nam Phi có việc làm, giảm từ 46% trong năm 2008. Ở tất cả các nước thu nhập trung bình cao (bao gồm cả Nam Phi), trung bình 61% người trưởng thành có việc làm.

Từ năm 2008 đến 2019, số người mong muốn làm việc nhưng không thể tìm được việc làm hoặc đã ngừng tìm kiếm việc làm tại Nam Phi đã tăng từ 6,5 triệu lên 10,3 triệu.

Trong giai đoạn trên, số người trong độ tuổi lao động của Nam Phi tăng thêm hơn 7 triệu người nhưng chỉ dưới 2 triệu lao động tìm được việc làm.

Trong 10 năm qua, mỗi ngày đất nước Cầu Vồng có thêm khoảng 1.700 người tham gia thị trường lao động và chỉ dưới 500 người trong số đó tìm được việc làm.

Tình trạng của nhóm lao động trẻ tuổi (độ tuổi 15-34) thậm chí còn tồi tệ hơn. Giai đoạn 2008-2019, số lao động trẻ tuổi tăng thêm 2,2 triệu nhưng số người tìm được việc làm lại giảm hơn 500.000 người.

Tỷ lệ thất nghiệp cao hiện nay là do tăng trưởng kinh tế thấp. Sau năm 2008, tình trạng tham nhũng hệ thống (cấu kết giữa quan chức nhà nước và khu vực tư nhân để trục lợi từ ngân sách) lan rộng và môi trường kinh doanh không thuận lợi khiến hiệu quả quản trị gần như tê liệt.

Ngoài ra, trong thời gian dài người lao động không được đào tạo bài bản, hậu quả nặng nề của chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid khiến nhiều người phải chịu cảnh đói nghèo, đô thị hóa què quặt, cũng như nhiều lựa chọn chính sách không hiệu quả trong 2 thập kỷ qua.

Để giải quyết tình trạng khủng hoảng việc làm hiện nay, báo cáo cho rằng Nam Phi cần đảm bảo nguồn cung điện năng, hướng tới tài chính bền vững, giải quyết vấn đề khủng hoảng kỹ năng lao động thông qua cải cách cơ bản về giáo dục và đào tạo, cũng như khuyến khích nhập cư lao động tay nghề cao.

Ngoài ra, cần bãi bỏ các chính sách làm suy yếu quyền sở hữu, cải thiện môi trường kinh doanh, đánh giá lại vai trò của các thị trường và quy mô của nhà nước.

Ngoài những biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nói trên, Nam Phi cần nhanh chóng cải cách thị trường lao động theo hướng tránh làm tổn hại đến mức sống của những người lao động hiện tại và thúc đẩy các hoạt động sử dụng nhiều lao động lao động phổ thông mới.

Chính phủ cần xem xét ưu đãi cho các công ty nhỏ và doanh nghiệp mới thành lập. Các chính sách công nghiệp sử dụng nguồn vốn lớn cũng cần được xem xét lại và mở rộng khuyến khích thuế việc làm để thu hút nhiều công nhân hơn và trong thời gian dài hơn, cũng như tạo điều kiện cho các công ty dễ dàng hơn trong sa thải nhân viên trong thời gian thử việc nhằm giảm rủi ro cho quyết định tuyển dụng./.

Đình Lượng/ TTXVN/Vietnam+