Phòng chống tham nhũng: Biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế

15/12/2020 09:25:00 AM
Trong 8 năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được thực hiện với quyết tâm chính trị rất cao, nỗ lực lớn, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngơi nghỉ…

 Phòng chống tham nhũng: Biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế. Ảnh: TTXVN

Tham nhũng đã bước đầu được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần giữ gìn Đảng trong sạch, vững mạnh và củng cố niềm tin của nhân dân. Tuy nhiên, ở đâu đó “dưới vẫn lạnh”, vẫn còn tâm lý e ngại nếu quyết liệt chống tham nhũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Để thực hiện thành công công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nhưng trên hết phải biến quyết tâm thành hành động thực tế của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.

131 nghìn đảng viên bị thi hành kỷ luật trong 8 năm qua, riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật 87 nghìn cán bộ, đảng viên trong đó, có hơn 3 nghìn 200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý… Kết quả này chứng tỏ việc thực hiện nghiêm tư tưởng chỉ đạo, quan điểm: "Nói đi đôi với làm, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào".

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá: “Dấu ấn nổi bật nhất chúng ta đã tiến hành đồng bộ các giải pháp. Những vấn đề gì phát hiện được đã xử lý về cơ bản nghiêm minh, kịp thời theo đúng quy định của pháp luật. So với thời gian trước, những vụ việc xử lý không còn “mật” nữa mà công bố công khai cho mọi người dân biết để theo dõi, giám sát. Góp phần cảnh tỉnh, răn đe những đối tượng có ý định hoặc sẽ có ý định thực hiện vi phạm.”

Cùng với đó, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phối hợp chặt chẽ, giải quyết nhanh chóng, dứt điểm nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, phức tạp được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ. Những cái tên Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng; Lê Nam Trà; Châu Thị Thu Nga; Phan Văn Anh Vũ; Đinh Ngọc Hệ…lần lượt chịu sự trừng phạt của pháp luật. Phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” có tác dụng răn đe, xử lý dứt điểm, nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng kinh tế đặc biệt nghiêm trọng.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: “Siết chặt kỷ luật Đảng, siết chặt pháp Luật của nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII để cảnh báo mọi cán bộ Đảng viên dù ở cấp nào cũng phải chịu sự chi phối của kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, chứ “không có vùng cấm” và không có chuyện “hạ cánh an toàn”. Có dấu hiệu vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước thì tiếp tục xử lý và có ý nghĩa giáo dục với tất cả những cán bộ đương chức hiện nay”.

Mặc dù vậy vẫn còn tình trạng "trên nóng dưới lạnh" như người đứng đầu Đảng và Nhà nước Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng đã nhiều lần lưu ý. Một thực tế hiện nay vẫn còn không ít cán bộ ở địa phương có tâm lý e ngại, lo lắng nếu quyết liệt chống tham nhũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Ông Lê Bá Hùng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre nêu thực tế: “Ở đây chưa nói sâu về bệnh thành tích nhưng sợ khi xử lý sai phạm người này, người khác, lĩnh vực này lĩnh vực khác có ảnh hưởng chung đến địa phương. Nhiều khi còn e ngại, chưa mạnh dạn để xử lý quyết liệt. Thực tế cũng cho thấy các đoàn công tác Trung ương xuống địa phương kiểm tra hồ sơ rồi phải chỉ đạo xử lý nghiêm, lúc đó các cơ quan tố tụng mới xem vụ việc, lúc đó mới khởi tố, truy tố, xét xử”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng vốn là cuộc chiến đầy cam go, phức tạp, được ví là cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, là “tự ta đánh ta”. Để thực hiện thành công việc này trong thời gian tới rất cần các Bộ, ngành địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Điều quan trọng nhất là cần sớm hoàn thiện các cơ chế, một mặt để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của quần chúng nhân dân, mặt khác bảo vệ nhân dân trong tố giác các hành vi tham nhũng, để công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng thực sự là phong trào lan tỏa mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân.

Ông Nguyễn Đăng Dung, Hội đồng tư vấn Dân chủ, Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng: “Phòng chống tham nhũng có vai trò của nhân dân rất lớn, trước tiên người dân bằng lá phiếu của mình có thể thay người có tai tiếng tham nhũng, có hành vi tham nhũng, động cơ tham nhũng, có mưu đồ tham nhũng thì không bỏ phiếu cho họ. Tai mắt của dân rất phong phú. Người ta có thể phát hiện ra vấn đề này, vấn đề kia. Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền phải coi trọng ý kiến của người dân”.

Công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, không ngừng nghỉ ở tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực. Làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao, đồng thời biến quyết tâm ấy thành hành động và phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, một cơ chế răn đe trừng trị nghiêm khắc để không dám tham nhũng, một cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí./.