Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo cải cách hành chính

19/10/2022 10:00:00 AM
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định cải cách hành chính là khâu quan trọng nhằm xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp.  Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Sáng 19/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì họp Phiên thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết cải cách hành chính luôn được Đảng, Nhà nước xác định là cấu phần quan trọng trong đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế; là khâu quan trọng nhằm xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ, vì sự phát triển của đất nước.

Trong 9 tháng vừa qua, dưới sự lãnh đạo thống nhất, xuyên suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự giám sát, đồng hành của Quốc hội; sự chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, của các thành viên Ban Chỉ đạo, công tác cải cách hành chính đã được triển khai thực hiện đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực trên cả 06 mặt công tác của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần sớm khắc phục để mau chóng khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi nhanh, phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức phiên họp thứ hai nhằm đánh giá kết quả công tác 9 tháng đầu năm 2022, triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm 2022. Do đó, Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với công cuộc cải cách hành chính của đất nước, của bộ, ngành mình.

Từ đó, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công, đẩy mạnh cải cách hành chính trong các tháng cuối năm 2022, với cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả theo phương châm hành động của Chính phủ "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển."

Thủ tướng nhận định thời gian tới tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, biến động, tác động nhiều chiều; nguy cơ suy thoái, khủng hoảng kinh tế hiện hữu... Do đó, mỗi cấp, mỗi ngành, lĩnh vực phát huy tinh thần nỗ lực tạo sức mạnh của cả đất nước, dân tộc vượt qua khó khăn này.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, công tác cải cách hành chính thời gian qua được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; tích cực triển khai trên cả 6 mặt công tác; đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó nổi bật. Trong đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được đặc biệt quan tâm, đổi mới và có nhiều chuyển biến.

Chính phủ đã tổ chức 6 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật để thảo luận, cho ý kiến đối với 30 dự án luật, pháp lệnh, đề nghị xây dựng luật; đã ban hành 96 văn bản quy phạm, trong đó, nhiều nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần hỗ trợ, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được triển khai sâu rộng, tập trung vào cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, tăng cường phân cấp giải quyết thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành. Qua đó đã cắt giảm, đơn giản hóa 657 quy định kinh doanh tại 73 văn bản; phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 183 quy định tại 19 văn bản quy phạm pháp luật. Cập nhật gần 17.800 quy định hiện hành trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh; phê duyệt phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699/5.187 thủ tục hành chính trên 100 lĩnh vực; ban hành kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025.

Bên cạnh đó, 11.700 bộ phận một cửa các cấp trên cả nước được thành lập (56 Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh); 53/63 địa phương hợp nhất Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử. Hơn 4.000 trung tâm hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến (trên 61%) và hoàn thành tích hợp, cung cấp 21/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt. Nhờ đó, đã ban hành Nghị định về tổ chức bộ máy của 11 bộ, cơ quan, qua đó giảm 7 tổng cục, 10 cục, 60 vụ (thuộc bộ và thuộc tổng cục), 9 đơn vị sự nghiệp công lập. Các bộ, ngành đã nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định pháp luật có liên quan đến phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước (3 luật; 27 nghị định, 9 thông tư và một số nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Cải cách chế độ công vụ được đẩy mạnh, nhất là ở công tác xây dựng hoàn thiện thể chế và tinh giản biên chế. Theo đó, đã ban hành 02 Nghị định, 4 Thông tư liên quan đến chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; 3 dự thảo Nghị định đang trong giai đoạn trình ban hành.

Cả nước tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; trình Bộ Chính trị đồng ý bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên cho giai đoạn 2022-2026 để tháo gỡ việc thiếu giáo viên, bảo đảm nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên đứng lớp.

Đáng chú ý, công tác xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đạt kết quả tích cực. Nhiều văn bản quan trọng được ban hành; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia tiếp tục được hoàn thiện, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; các nền tảng, hệ thống thông tin hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp tiếp tục được vận hành, phát triển; hệ thống theo dõi thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao được xây dựng, đưa vào vận hành; các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đã số hóa và tạo lập gần 100 triệu dữ liệu dân cư được cấp số định danh cá nhân; cấp hơn 73 triệu thẻ căn cước có gắn chíp điện tử cho công dân./.

Phạm Tiếp / TTXVN/Vietnam+