Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai: Một bước tiến nhỏ cũng đã là thành công

28/02/2019 11:05:00 AM
Các chuyên gia phân tích cho rằng những bước đi, dù là nhỏ nhất, cũng được nhìn nhận là thành công nếu điều này đủ sức tạo nền móng cho sự tiến triển của cả hai nước trong tương lai.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp riêng tại ngày làm việc thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội, ngày 28/2/2019. Ảnh: AFP/TTXVN 

Chưa rõ kết quả tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, song các chuyên gia phân tích cho rằng những bước đi, dù là nhỏ nhất, cũng được nhìn nhận là thành công nếu điều này đủ sức tạo nền móng cho sự tiến triển của cả hai nước trong tương lai.

Giới quan sát cho rằng trong cuộc gặp lần này, hai nhà lãnh đạo sẽ có một chương trình nghị sự ở mức vừa phải nhằm thúc đẩy cả hợp tác và phi hạt nhân hóa.

Những chuyển biến, từ các tuyên bố mang tính đe dọa chiến tranh tới những hứa hẹn hòa bình, luôn được xem là thành quả to lớn đối với mọi chính quyền.

Tổng thống Trump đã nhận được sự hoan nghênh khi thuyết phục thành công Bình Nhưỡng tạm ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong hơn một năm qua. Hơn thế nữa, việc hai nhà lãnh đạo có cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm cũng được đánh giá là một điều phi thường.

Các chuyên gia nhận định một thỏa thuận về việc ngay lập tức xúc tiến tiến trình phi hạt nhân hóa sẽ là kết quả tuyệt vời nhất, song điều này rất khó xảy ra, nhất là trong ngắn hạn. Ngay cả khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẵn sàng tiến tới thỏa thuận, đúng như những gì Tổng thống Trump tin tưởng, thì việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn không thể diễn ra "một sớm một chiều".

Khả năng thành công là không lớn, song những tia hy vọng đang rõ ràng hơn rất nhiều so với bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Đây là cơ hội cần được nắm bắt, và Tổng thống Trump đã đúng khi theo đuổi nó.

Theo nhà báo Alex Ward của Vox, có thể hai bên sẽ nhất trí thực hiện bốn bước tiến, cụ thể là thông qua tuyên bố hòa bình chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên; hợp tác trong việc hồi hương hài cốt các binh sỹ Mỹ từng thiệt mạng trong cuộc chiến; thiết lập các văn phòng liên lạc tại Washington và Bình Nhưỡng; và thúc đẩy Triều Tiên đình chỉ sản xuất nguyên liệu hạt nhân để đổi lấy sự ủng hộ của Mỹ trong việc dỡ bỏ một số đòn trừng phạt mà Liên hợp quốc đã áp đặt.

Nhà báo này cũng cho rằng bốn bước trên trở thành hiện thực chắc chắn sẽ tạo nền tảng cho việc nhanh chóng tăng cường hợp tác và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Việc thay đổi cơ bản bối cảnh khu vực, với những biện pháp được đề cập tới ở trên, sẽ là cách để tạo điều kiện cho một thỏa thuận phi hạt nhân hóa toàn diện, với nội dung bao gồm cả việc trao đổi vũ khí và cuối cùng là tên lửa để đổi lấy những lợi ích khác cho Triều Tiên như dỡ bỏ trừng phạt, tham gia các tổ chức quốc tế và nhiều hơn nữa.

Đơn cử như việc Triều Tiên chấp nhận đóng cửa tổ hợp hạt nhân chính Yongbyon cũng là một tiến triển quan trọng. Trong khi đó, việc Triều Tiên cứng rắn với một chương trình hạt nhân luôn trong trạng thái sẵn sàng và không ngừng mở rộng kho hạt nhân trở thành một Triều Tiên hòa bình và hợp tác, với một chương trình vũ khí và kho hạt nhân kiềm chế, rõ ràng là thành quả rất đáng hoan nghênh.

Bế tắc trên bán đảo Triều Tiên đã kéo dài hơn bảy thập kỷ và khó có thể chấm dứt điều này chỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ đang đứng trước cơ hội làm được điều mà chưa người tiền nhiệm nào có thể làm được.

Một thỏa thuận dù chỉ ở mức tương đối cũng sẽ đem lại những tác động to lớn nếu nó trở thành nền tảng cho những thay đổi và cải cách sau này./.


(TTXVN/Vietnam+)