Việt Nam là một đối tác quan trọng hàng đầu của Mỹ ở Đông Nam Á

13/05/2022 07:00:00 AM
Theo Giáo sư Freund Larus, Mỹ tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp nước này chuyển hoạt động sản xuất, kinh doanh sang các nước trong ASEAN, trong đó coi Việt Nam là một ưu tiên.

 Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. Nguồn: TTXVN

Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ diễn ra tại thủ đô Washington D.C ngày 12-13/5 có ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt đối với hai bên sau hơn hai năm ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.

Việc hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp đã cho thấy các nhà lãnh đạo của cả ASEAN và Mỹ đều nhận thấy tầm quan trọng của sự kiện trong việc đảm bảo lợi ích chung cũng như củng cố quan hệ song phương.

Đây là nhận định của chuyên gia Elizabeth Freund Larus, Giáo sư Khoa học chính trị và Các vấn đề quốc tế Đại học Mary Washington trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Washington D.C nhân sự kiện này.

Theo Giáo sư Freund Larus, đại dịch COVID-19 đã khiến bối cảnh địa chính trị quốc tế có nhiều thay đổi trong hai năm qua.

Các nước ASEAN muốn duy trì chính sách đối ngoại cân bằng và hiện nay hầu hết các nước ASEAN đều có quan hệ tốt với Mỹ.

Về phần mình, Mỹ vẫn nỗ lực thúc đẩy quan hệ với các nước ASEAN và hiện đang ngày càng chú trọng đến lĩnh vực kinh tế.

Mỹ tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp nước này chuyển hoạt động sản xuất, kinh doanh sang các nước trong ASEAN, trong đó coi Việt Nam là một ưu tiên.

Giáo sư Freund Larus cho rằng hiện Mỹ và các nước thành viên ASEAN đều đang trong quá trình phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, điều này mở ra cơ hội về triển vọng hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực kinh tế.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị gián đoạn, đại dịch một lần nữa đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước thành viên ASEAN đã bắt đầu từ nhiều năm trước khi mức thu nhập ở Trung Quốc tăng lên, khiến giá nhân công tăng. Xu hướng này tiếp tục mở rộng nhanh chóng những năm gần đây.

Chuyên gia Freund Larus nhấn mạnh trong số các quốc gia nổi lên về thu hút đầu tư, Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn ở Đông Nam Á.

Việc Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài, chi phí sản xuất và kinh doanh có tính cạnh tranh cao, cũng như việc Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do và môi trường đầu tư ngày càng rộng mở đã giúp Việt Nam trở thành địa điểm lý tưởng đối với những nhà đầu tư Mỹ đang nỗ lực giảm chi phí và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Đây chính là sự thuận lợi trong hợp tác giữa Mỹ và ASEAN, nhất là trong bối cảnh hai bên đều trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Giáo sư Freund Larus nhận định Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ có vai trò quan trọng trong chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với khu vực Đông Nam Á nói riêng và chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung.

Thông qua hội nghị, Mỹ thể hiện định hướng chính sách theo hướng coi trọng hợp tác với các đồng minh, đối tác, bao gồm cả các nước thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế.

Bà Freund Larus nêu rõ trong số những đối tác tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung, Mỹ coi Việt Nam là một đối tác quan trọng hàng đầu.

Đánh giá về triển vọng quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam trong thời gian tới đây, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác kinh tế khi Việt Nam tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đánh giá là một điểm đến an toàn, thân thiện, duy trì được tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị, Giáo sư Freund Larus cho rằng Việt Nam có tiềm năng to lớn khi là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới trong những năm qua.

Ngoài ra, Việt Nam còn có một số lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực nhằm thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ như chi phí nhân công thấp, tính bảo mật cá nhân cao, người dân Việt Nam có đánh giá tích cực về Mỹ, chính phủ và hệ thống chính trị ổn định.

Việt Nam cũng có đường bờ biển dài với các cảng cần thiết cho sản xuất và xuất khẩu. Việt Nam có trung tâm kinh tế là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ở cả miền Bắc và miền Nam, thuận tiện cho việc kinh doanh.

Hơn nữa, Việt Nam là một đất nước tươi đẹp, thu hút nhiều người nước ngoài đến sống, học tập và làm việc tại đây.

Theo Giáo sư, đa số các doanh nghiệp Mỹ kinh doanh tại Việt Nam hiện nay đều đánh giá tích cực về triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn và đang cân nhắc sẽ gia tăng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới./.

Kiều Trang-Ngọc Ánh / TTXVN/Vietnam+