Bài 27. Bàn bạc công chuyện, hợp đồng kinh tế

04/07/2005 04:26:18 PM

 

I. Các tình huống hội thoại 


1. Chuẩn bị số liệu để hội đàm

GIÁM ĐỐC
(với thư ký):
 Ngày mai Giám đốc công ty kinh doanh bất động sản của Singapore sẽ đến đây làm việc với xí nghiệp ta, cô chuẩn bị các báo cáo số liệu cụ thể để hội đàm với họ về khả năng hợp tác nhé!
 

THƯ KÝ:
 
Dạ thưa, báo cáo về những mặt nào ạ?
 
GIÁM ĐỐC
 
Về đội ngũ thợ xây dựng, về máy móc thiết bị và khả năng phát triển vốn đầu tư...
 

THƯ KÝ:
 
Vâng ạ.
 

2. Hellen và Hà đi qua khách sạn Metropole (Thống Nhất cũ)

HÀ:
 Helen đã vào khách sạn này sau khi sửa chữa và nâng cấp chưa?
 
HELEN:
 
Đã, mình đã vào rồi. Hôm nọ mình đến thăm giáo sư Paul, mới ở Mỹ sang.
 

HÀ:
 
Nghe nói bên trong bây giờ hiện đại lắm phải không?
 
HELEN:
 
Cũng chỉ mới đạt tiêu chuẩn bốn sao thôi. Bước một, vốn đầu tư hơn 11 triệu đô-la dành cho việc nâng cấp khách sạn Thống Nhất cũ. Bước hai là xây dựng thêm một khu mới bên cạnh, vốn đầu tư còn nhiều nữa. Chắc khu mới sẽ đẹp và hiện đại hơn. Công ty liên doanh Việt - Pháp đang huy động vốn đầu tư từ hai nguồn: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và bốn ngân hàng Pháp là Credit Lyonnais, Worm, BFCE và Indo-Suez.
 

3. Điện thoại công việc

BẮC:
 Alô! Công ty Cửu Long ở thành phố Hồ Chí Minh đấy phải không?
 
NAM:
 
Alô! Văn phòng Công ty Cửu Long đang nghe đây. Đâu gọi đấy?
 
BẮC:
 
Vụ Hợp tác Quốc tế Bộ Công nghiệp nhẹ đây. Đề nghị báo cho ban Giám đốc Công ty biết ngày mai 16/10 có đoàn các nhà doanh nghiệp Pháp từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh chuyến 8 giờ 30 sáng. Đoàn sẽ làm việc với Công ty Cửu Long về kế hoạch hợp tác xuất nhập khẩu trong năm tới. Đề nghị Ban giám đốc cho ôtô đón ở sân bay. Cần liên hệ ngay với văn phòng Bộ ở phía Nam.
 

NAM:
 
Tôi nghe rõ. Xin cho biết đoàn có mấy người?
 
BẮC:
 
Phía khách có ba người. Cùng đi với đoàn có ông Xuân, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế của Bộ.
 

4. Một cuộc phỏng vấn

PHÓNG VIÊN:
 Trong việc làm ăn với Việt Nam hiện nay ông thấy có những thuận lợi và khó khăn gì?
 
NHÀ ĐẦU TƯ:
 
Trước hết tôi phải nói đến những thuận lợi. Đó là việc Nhà nước Việt Nam có luật đầu tư khá hấp dẫn. Tình hình chính trị và xã hội tương đối ổn định. Việt Nam đang thật lòng muốn hoà nhập cộng đồng quốc tế. Còn khó khăn thì...
 

PHÓNG VIÊN:
 
Xin ông cứ nói thẳng, nói thật cho.
 
NHÀ ĐẦU TƯ:
 
Tôi xin nói thật nhé. Có một số khó khăn, như: việc thẩm định các dự án mất quá nhiều thời gian. Dịch vụ về tư vấn và kỹ thuật cũng như việc đi lại, sinh hoạt còn yếu kém...
 

PHÓNG VIÊN:
 
Nhưng, các ông vẫn đầu tư chứ?
 

NHÀ ĐẦU TƯ:
 
Dù sao, thưa ông, chúng tôi cũng tin tưởng rằng những khó khăn sẽ được vượt qua và quan hệ làm ăn giữa các ông và chúng tôi sẽ không ngừng được cải thiện.
 

PHÓNG VIÊN:
 
Xin chân thành cảm ơn ông.
 

II. Ghi chú ngữ pháp

1. Giới từ "về": nối bổ ngữ thuyết minh với vị ngữ. Động từ vị ngữ thường gặp là "bàn, thảo luận, nghiên cứu, hội đàm, làm việc,..."

Ví dụ:
 - Hội đàm với họ về khả năng hợp tác.
 
- Bàn về văn học và nghệ thuật.
 
- Nghiên cứu về lịch sử.
 

2. "Hơn": thường đi kèm với kết cấu "số từ + danh từ" để biểu thị một số lượng tương đối, không chính xác (nhiều hơn).

Ví dụ:
 - Hơn 11 triệu đô la.
 
- Tôi còn hơn 10 ngàn.
 
- Trong phòng có hơn chục người.
 

Chú ý: Nếu số lượng tương đối, không chính xác (ít hơn) có thể dùng: non, gần.

Ví dụ:
 - Anh ấy đã đi non một tháng.
 
- Vốn đầu tư non 11 triệu đô-la.
 
- Tôi có gần 10 ngàn.
 

3. Kết cấu "dù... cũng/vẫn...": nối 2 vế câu có quan hệ nhượng bộ - tăng tiến nhưng nhấn mạnh. Trong hoàn cảnh nào hành động cũng xảy ra.

Ví dụ:
 - Dù trời mưa chúng tôi vẫn đi.
 
 
 
- Dù gặp nhiều khó khăn họ vẫn hoàn thành kế hoạch.
 
 
 
- Dù anh không đồng ý chúng tôi vẫn làm.
 

Chú ý: Ở vế câu nhượng bộ, có thể chỉ dùng: dù sao, dù thế nào...

Ví dụ:
 Dù sao, thưa ông, chúng tôi cũng tin tưởng rằng những khó khăn sẽ được vượt qua.
 

4. Ngữ khí từ "cho": biểu thị ý nghĩa cầu khiến trong trường hợp đối thoại nhẹ nhàng, hoặc lời yêu cầu không kiên quyết.

Ví dụ:
 - Xin ông cứ nói thẳng, nói thật cho!
 
 
 
- Nhờ ông giúp cho!
 
 
 
- Để tôi làm cho!
 

II. Bài đọc


1. Dù có chết cũng không đưa 

Có một anh rất keo kiệt, anh ta chỉ lấy của người khác chứ không đưa cho ai cái gì. Một hôm không may anh ta bị ngã xuống giếng. Anh ta cố vùng vẫy nhưng không làm sao lên được. Mọi người chạy đến, định cứu anh ta. Một anh thanh niên khoẻ mạnh cúi xuống thành giếng, bảo: "Đưa tay đây để tôi kéo lên cho!". Nghe nói "đưa" anh ta vội từ chối ngay: "Không! Không! Dù chết tôi cũng không đưa đâu!". Một ông già biết tính anh ta nói: "Đừng bảo "đưa đây" mà bảo "cầm lấy" thì anh ta mới đồng ý". Quả nhiên, khi anh thanh niên bảo: "Cầm lấy tay tôi, tôi kéo lên cho!" thì anh ta cầm ngay. Anh ta được cứu sống còn mọi người thì được một trận cười.

2. Đoàn thương mại chính phủ Pháp họp báo

Tối 13-2, tại Nhà khách Chính phủ, Đoàn thương mại Chính phủ Pháp do ông Giăng Nô-en Gian-nây, Quốc vụ khanh phụ trách ngoại thương dẫn đầu, đã họp báo. Cùng dự có Đại sứ nước Cộng hoà Pháp tại nước ta Clốt Blăng-sơ-me-dông, nhiều nhà kinh doanh và nhà báo Pháp. Đông đảo các nhà báo trong nước và nước ngoài tại Hà Nội đã tới dự.

Ông G.N. Gian-nây nêu bật ý nghĩa cuộc thăm lần này của Đoàn thương mại Pháp là nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác và trao đổi về thương mại giữa hai nước. Chính phủ Pháp và các nhà doanh nghiệp Pháp rất quan tâm đến Việt Nam vì Việt Nam đang trên đà đổi mới và đổi mới nhanh chóng. Sau khi phân tích tính chất đặc biệt của mối quan hệ Việt Nam - Pháp, ông nói: "Do vị trí địa lý của mình, nước Pháp mong muốn đóng vai trò cầu nối phát triển quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và các nước châu Âu. Trong năm nay, các khoản viện trợ kinh tế của Pháp dành cho Việt Nam sẽ được tăng đáng kể, nhằm xây dựng hạ tầng cơ sở và một phần dành cho việc đào tạo cán bộ của Việt Nam. Chúng tôi rất vui mừng được đóng góp phần mình vào sự thành công của công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ thành công".