Bài 34. Mỹ thuật - hội hoạ

22/08/2005 08:18:52 AM

 

I. Các tình huống hội thoại


1. Gặp Bảo tàng Mỹ thuật.

Lan:
 
A-lô! Bảo tàng Mỹ thuật đấy phải không?
 

Tiếng máy:
 
Vâng! Bảo tàng Mỹ thuật đây. Ai gọi đấy? 

Lan:
 
Dạ, em là Lan ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Em muốn hỏi xem chúng em dẫn một đoàn khách nước ngoài đến tham quan, có được không?

Tiếng máy:
 
Được chứ! Bao giờ thì đoàn đến?

Lan:
 
Đầu tuần sau được không chị?
 
Tiếng máy:
 
Đầu tuần cũng được. Nhưng nhớ đừng đến vào ngày thứ hai, vì thứ hai hàng tuần Bảo tàng đóng cửa.

Lan:
 
Vâng ạ! Chị cho em hỏi thêm Bảo tàng có người giới thiệu không ạ?

Tiếng máy:
 
Bình thường thì không. Khách mua vé vào cửa và xem tự do, còn muốn có người giới thiệu thì phải báo trước. 

Lan:
 
Thế còn khách nước ngoài sau khi xem muốn mua tranh thì sao ạ?

Tiếng máy:
 
Tốt quá! Mời họ đến xem và mua. Bảo tàng vừa trưng bày vừa bán tranh mà.
 

Lan:
 
Em cám ơn chị.
 

2. Trong Triển lãm Mỹ thuật.


Người giới thiệu:
 
Đây là một số bức tranh lụa nổi tiếng của hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh.
 

Ông Baker:
 
Bức "Chơi ô ăn quan" này tôi đã được nghe nói đến nhiều, nay mới được xem.
 

Người giới thiệu:
 
Thưa ông! "Chơi ô ăn quan" là bức tranh lụa đầu tiên của Nguyễn Phan Chánh được vẽ từ năm 1931 và cũng đã từng trưng bày ở Paris.
 

Ông Stephan:
 
Hình như Nguyễn Phan Chánh là hoạ sĩ chuyên về tranh lụa?
 

Người giới thiệu:
 
Vâng ạ. Tranh lụa là sở trường của Nguyễn Phan Chánh. Ông được coi là người mở đường cho tranh lụa và tranh lụa của ông ghi đậm sắc thái tranh lụa Việt Nam.
 

3. Bức chân dung


Hoàng:
 
Cậu có biết chân dung ai đây không?

Bắc:
 
Hình như chân dung hoạ sĩ Bùi Xuân Phái phải không?

Hoàng:
 
Đúng đấy! Ông tự hoạ đấy. Chả trách ông là hoạ sĩ vẽ chân dung nổi tiếng.
 

Bắc:
 
Nhưng Bùi Xuân Phái trước hết là hoạ sĩ của Hà Nội. Những bức tranh vẽ phố phường Hà Nội của ông đã được trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và ở nhiều bảo tàng mỹ thuật nước ngoài.
 

Hoàng:
 
Và có lẽ ông cũng là hoạ sĩ bậc thầy về vẽ tranh chân dung. Ông có vẽ chân dung nhà văn Nguyễn Tuân. Chỉ với vài ba nét bút ông đã làm toát lên cốt cách của nhà văn.
 

Bắc:
 
Mình đã xem. Đó không phải là bức chân dung bình thường mà là cảm xúc về một cuộc đời được diễn đạt bằng ngôn ngữ hội hoạ.
 

II. Ghi chú ngữ pháp

Xem: trợ từ, đặt sau động từ khi chưa xác định rõ kết quả cuối cùng, thường dùng trong câu ghi vấn.

Ví dụ:
 - Em muốn hỏi xem... có được không?
 
- Anh đến hiệu sách xem có quyển sách đó không?
 
- Anh ăn xem có ngon không?
 

Chú ý: có thể dùng kết hợp với thử thành "thử + D + xem" hoặc "Đ + thử + xem".

Ví dụ:
 - Anh thử ăn xem có ngon không?
 
- Anh thử đến đó xem công việc thế nào?
 
- Anh thử ăn xem có ngon không?
 

2. Mà: ngữ khí từ, dùng để nhấn mạnh, khẳng định một ý kiến, một nhận xét có liên quan đến một ý kiến, một nhận xét khác.

Ví dụ:
 - Bảo tàng Mỹ thuật vừa trưng bày vừa bán tranh mà.
(liên quan đến ý kiến: Không biết có bán không?)
 

- Anh ấy bảo là anh ấy sẽ đến mà.
(liên quan đến ý kiến: Anh ấy đã nói như thế rồi)
 
 
- Tôi không biết mà.
(liên quan đến ý kiến: Tôi đã nói trước đây rồi là tôi không biết)
 

3. Trạng ngữ phương tiện, công cụ: thường đặt ở đầu câu, có cấu tạo gồm: với/bằng + danh ngữ.

Ví dụ:
 - Với vài ba nét bút, ông đã làm toát lên cốt cách của nhà văn.
 

- Bằng nghị lực và quyết tâm, anh ấy đã chiến thắng.
 

- Với hai bàn tay trắng, bạn tôi đã xây dựng lên sự nghiệp to lớn.
 

III. Bài đọc

Nguyễn Gia Trí và tranh sơn mài

Sự kiện đặc biệt quan trọng ở thời kỳ đầu xây dựng nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại là sự xuất hiện tranh sơn mài. Trong số người có công lớn phải kể đến nghệ sĩ Nguyễn Gia Trí. Ông vốn nổi tiếng là người say mê sáng tác, lại có sức làm việc không biết mệt mỏi nên chỉ trong một thời gian ngắn từ 1938-1944 ông đã vẽ được những tác phẩm rất có giá trị, đưa nghệ thuật sơn mài vào thời kỳ cực thịnh.

Ông chuyên vẽ các đề tài phong cảnh, phụ nữ. Đến bây giờ người ta vẫn thấy hiện ra rõ rệt trong ký ức dáng điệu kiều diễm của các thanh nữ trong các bức tranh của ông như Hồ Hoàn Kiếm, Vườn xuân....

Với những đỉnh cao các tác phẩm đầu tiên mà ông đã đạt được từ trước Cách mạng, tên tuổi Nguyễn Gia Trí gắn liền với lịch sử nghệ thuật sơn mài Việt Nam.

Lời khuyên đối với một hoạ sĩ

Có một người đến thăm bạn mình là hoạ sĩ. Họ trao đổi, thảo luận về nghệ thuật một cách say mê. Trong lúc cao hứng, anh hoạ sĩ hỏi bạn:

- Mình định quét vôi trắng trong phòng khách này sau đó vẽ tranh lên tường. Cậu thấy thế nào?

Người bạn của hoạ sĩ trả lời:

- Với tình cảm chân thành mình khuyên cậu nên làm ngược lại: mới đầu cậu vẽ tranh lên tường rồi sau hãy mời thợ quét vôi đến.