Bài 4. Hồ Gươm

20/02/2006 04:03:36 PM

I. Hội thoại:

LEE:

Anh Trung ơi sao các vị thần trong truyền thuyết Việt Nam toàn là rùa nhỉ? Truyền thuyết Hồ Gươm này, truyền thuyết An Dương Vương này...

TRUNG:

Truyền thuyết là những chuyện hoang đường .

LEE:

Đúng là như vậy nhưng sao người dân Việt Nam không chọn những con vật khác lại chọn con rùa?

TRUNG:

Tôi cũng chẳng rõ nữa. À, mà anh có nhớ con rùa ở đền Ngọc Sơn không? Con rùa rất to được trưng bày trong tủ kính ấy.

LEE:

Sao lại không nhớ. Con rùa ấy to đến mức làm cho chúng tôi kinh ngạc.

TRUNG:

Hay người xưa thấy rùa này đặc biệt nên nghĩ nó là thần.

LEE:


À, thì ra thế. Bây giờ trong hồ có bao nhiêu con rùa? Anh có biết không?

TRUNG:

 

Điều đó thì không ai biết được. Ở Việt Nam có những nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu về rùa nhưng thậm chí họ cũng không biết chắc chắn. Nhiều người nhìn thấy rùa rồi đấy. Ngay cả tôi cũng nhìn thấy rồi, mặc dù rất ít khi tôi ngồi bên hồ.

LEE:

Thì ra anh nhìn thấy rồi à? Rùa có to không? Tôi hay đi dạo quanh hồ lắm nhưng sao không bao giờ thấy nhỉ!

TRUNG:

 

To lắm, lưng nó đầy rêu. Trước đây rùa thường bò lên cái đảo ở giữa hồ hoặc nổi lên mặt nước trong những ngày nắng nóng. Thậm chí có người làm nghề cắt tóc ở cạnh hồ còn thuộc đặc điểm của từng con. Bây giờ chúng ít khi nổi lên nữa. Có lẽ vì đông người quá mà.

LEE:

Tiếc quá. Tôi nghe nói rùa sống rất lâu năm, nhưng sao con rùa bày trong đền lại chết nhỉ?

TRUNG:

À, đó là từ hồi chiến tranh. Chẳng ai rõ nguyên nhân vì sao cả.

Bảng từ

thần
truyền thuyết
tủ kính
hoang đường
kinh ngạc


nổi
thuộc
đặc điểm
rêu

II. Chú thích ngữ pháp:

1. Ngay cả, thậm chí, đến mức, đến nỗi

Các cụm từ này được dùng để nhấn mạnh cho danh từ sau nó.

a.                

Ngay cả        danh từ   +   cũng   +   động từ

Thậm chí

Các kết cấu nhấn mạnh những hoạt động hoặc tính chất nêu ra có tính phổ biến không loại trừ các đối tượng đang được nói đến mặc dù nó có những đặc điểm riêng, khác biệt các đối tượng khác.

Ví dụ:

- Bữa tiệc hôm nay rất vui nên ngay cả mẹ tôi cũng hát.

 


- Thậm chí
người bạn thân nhất của tôi cũng hiểu nhầm tôi.

* Chú ý: Ở một số trường hợp danh từ bổ ngữ thường được đảo lên đầu câu.

Ví dụ:

- Ngay cả tôi anh ấy cũng không tin.

 

- Thậm chí từ dễ nhất nó cũng không hiểu.


b.   

A

   đến mức, đến nỗi

B

 

   thậm chí

 

Các liên từ nối hai mệnh đề để nhấn mạnh mức độ được diễn đạt trong mệnh đề chính (A) và chỉ dùng sau những tính từ mà không đi kèm các phó từ chỉ mức độ như rất, lắm, quá.

Ví dụ:         - Anh ấy yêu cô ấy đến mức có thể chết vì cô ấy. 

2.    

Câu   +  

Ngữ khí từ thường được dùng ở cuối câu trong hai trường hợp sau:

a. Phản đối ý kiến của người khác:

Ví dụ:

- Em chưa làm bài à?

 

- Em làm rồi mà. (phản đối ý kiến của chị)

b. Giải thích, phân trần:

Ví dụ:

- Anh ấy chữa bệnh giỏi lắm.

 


- Bác sĩ mà. (giải thích tại sao anh ấy chữa bệnh giỏi)

3. Thì ra (là) ... Hóa ra (là) ...

    Thì ra thế ... Hóa ra thế ...

a. Thì ra ... , Hóa ra ... là những tổ hợp biểu thị điều sắp nêu là điều mới biết.

b. Thì ra thế ... , Hóa ra thế ... là những tổ hợp biểu thị điều vừa nói đến là điều mới biết.

* Chú ý: Cách dùng

a. Thì ra ... , Hóa ra ... dùng ở đầu câu.

b. Thì ra thế... , Hóa ra thế... dùng như một câu độc lập tiếp theo một câu tường thuật.

Ví dụ:

- Thì ra anh đã nói dối tôi.

 

- Anh là người gây ra tai nạn à? Hóa ra thế.

III. Bài luyện: 

1. Thêm "ngay cả ... cũng" hoặc "thậm chí ... cũng" vào các câu sau. Chú ý nhấn mạnh những từ được gạch dưới.

Mẫu:

Tiếng Việt của anh ấy kém lắm. Anh ấy không nói được những câu đơn giản.

Ngay cả những câu đơn giản anh ấy cũng không nói được.

Thậm chí những câu đơn giản anh ấy cũng không nói được.

a. Bố tôi rất cứng rắn nhưng bộ phim này cảm động quá nên bố tôi khóc.

b. Hôm nay tôi rất đói, tôi muốn ăn cơm nguội.

c. Em ấy rất mê sách. Em ấy xem sách khoa học.

d. Anh ấy đi xa nhưng không ai biết tin gì vì anh ấy cũng không viết thư

e. Bài toán ấy khó quá. Thầy giáo tôi cảm thấy lúng túng.

f. Hôm qua cả lớp tôi không làm bài tập. Lớp trưởng bình thường rất chăm chỉ nhưng hôm qua lớp trưởng cũng không làm bài.

g. Nó rất thích ăn sữa chua nhưng hôm nay nó dỗi nên không ăn sữa chua.

2. Hoàn thành các câu sau:

a. Bà ấy nói nhiều đến nỗi .........................................................................................

b. Tối qua trời lạnh đến nỗi .......................................................................................

c. Món ăn Huế cay đến nỗi ........................................................................................

d. Bài tập này khó đến nỗi .........................................................................................

e. Cái áo ấy chật đến nỗi ..........................................................................................

f. Băng nhạc này hay đến nỗi ....................................................................................

g. Chương trình ca nhạc ấy chán đến nỗi ................................................................

h. Ông ấy giàu đến nỗi ...............................................................................................

3. Viết tiếp các câu sau:

a. Hôm qua tôi tưởng anh đến nhà tôi. Thì ra ..........................................................

b. Tôi tưởng chỉ tôi có cái áo này. Thì ra .................................................................

c. Chiều nay tôi tìm cô ấy khắp cơ quan mà không gặp. Hóa ra ..........................

d. Trên ô tô buýt có một cái ghế trống nhưng không ai ngồi. Thì ra ...........................

e. Ở thành phố ấy không ai ăn thịt bò. Hóa ra ........................................................

f. Đầu tiên tôi không hiểu tại sao khi ra đường ai cũng nhìn cô ấy. Hóa ra ...........................

g. Tôi mở cửa mãi không được. Thì ra ...................................................................

4. Chọn "Thì ra...", "Hóa ra..." hoặc "Thì ra thế...", "Hóa ra thế...", "Thế mà" để điền vào chỗ trống trong các câu sau:

a. Hôm trước anh mượn đồng hồ của tôi à? ...................... tôi nghĩ rằng tôi mất đồng hồ rồi.

b. Em nghĩ mãi mà không biết ai gửi quà cho em....................... là anh.

c. Chuông cửa nhà anh bị hỏng à? ...................... tôi đợi mãi mà không ai mở cửa.

d. ...................... anh làm việc ở đây à?

e. Tôi tưởng từ trước đến giờ anh vẫn tốt với tôi. ...................... tôi đã nhầm.

f. Chúng ta học cùng nhau hai mươi năm trước à? ......................  tôi cũng thấy bà quen quá.

g. Cháu nghe có người gọi nhưng không biết là ai? ................... ông.

5. Dưới đây có một số câu dùng "mà" ở cuối câu và một số tình huống. Bạn xem câu nói nào phù hợp với tình huống nào và những câu đó có mục đích gì?

Mẫu:

Ông bảo cháu chưa học bài thì đừng đi chơi.

 

(Thực tế cháu học bài rồi nên cháu nói: "cháu học rồi mà" - có ý phản đối ý kiến của ông)

* Cho các câu dùng "mà" sau:

a. Cháu học rồi mà.

b. Con uống thuốc rồi mà.

c. Tôi trả tiền rồi mà.

d. Cái xe ấy hỏng mà.

e. Em gửi thư rồi mà.

* Tình huống nào dưới đây phù hợp với câu nào:

1) Khách hàng trả tiền người bán hàng rồi nhưng không hiểu tại sao người bán hàng nói rằng chưa trả. Khách hàng nói: "..........."

2) Chị Nga nói với Thu là cái xe ấy hỏng nhưng Thu cứ đi. Chị Nga nói: "......."

3) Ông bảo cháu chưa học bài thì đừng đi chơi. Thực tế cháu học bài rồi. Cháu nói:  "......."

4) Chị nghĩ rằng em chưa gửi thư giúp chị nên mãi chị chưa nhận được thư trả lời. Nếu em gửi rồi thì em nói:  "........"

5) Mẹ bảo con nếu không uống thuốc thì sẽ không bao giờ khỏi bệnh. Con uống thuốc rồi nên con nói:  "........"

6. Dùng "mà" để viết tiếp một câu giải thích:

Mẫu:

- Cái ti vi ấy tốt lắm.

- Ti vi Sony mà.

a. Chị ấy nói tiếng Việt giỏi lắm.

b. Anh ấy chụp ảnh rất đẹp.

c. Nó thi trượt rồi.

d. Xe của anh ấy nhanh hỏng quá.

e. Cô ấy nghỉ học một tuần rồi.

f. Nhiều người nước ngoài thích sống ở gần Hồ Gươm.

IV. Bài đọc:

Truyền thuyết Hồ Gươm

Thế kỷ XV, giặc Minh xâm lược nước Việt Nam. Ở vùng Lam Sơn, nhân dân đã nhiều lần nổi dậy chống lại chúng nhưng họ luôn luôn bị thất bại vì giặc quá mạnh. Thấy vậy, một vị thần tên là Long Quân quyết định cho họ mượn gươm để giết giặc.

Hồi ấy, ở Thanh Hóa có một người đánh cá tên là Lê Thận. Một lần đi đánh cá, anh bắt được một thanh sắt rất nặng. Anh vứt thanh sắt xuống sông rồi đi chỗ khác. Nhưng ba lần kéo lưới sau đó anh vẫn kéo được thanh sắt ấy. Cuối cùng, anh quyết định mang thanh sắt về nhà. Thì ra, đó là một lưỡi gươm. Một thời gian sau, Lê Thận tham gia nghĩa quân và có nhiều thành tích. Anh được tướng Lê Lợi đến thăm nhà. Trong gian nhà tối lưỡi gươm bỗng nhiên phát sáng. Lê Lợi thấy lạ, xem đi xem lại nhưng ông cũng không biết đó là vật quí.

Một hôm, khi đi qua một khu rừng, Lê Lợi nhìn thấy ánh sáng trên một ngọn cây. Ông trèo lên xem thử. Hóa ra, đó là một cái chuôi gươm. Nhớ đến lưỡi gươm ở nhà Lê Thận, ông mang cái chuôi gươm ấy về. Và rất lạ là cái chuôi gươm trên rừng ấy lại lắp vừa lưỡi gươm mà Lê Thận bắt được ở dưới sông.

Từ đó, thanh gươm không bao giờ rời Lê Lợi. Cũng từ đó, sức mạnh của nghĩa quân càng ngày càng tăng làm cho quân giặc khiếp sợ. Thanh gươm ấy đã giúp nghĩa quân cho đến khi họ giành được thắng lợi hoàn toàn.

Một năm sau khi thắng giặc Minh, Lê Lợi bấy giờ đã là vua - đi thuyền chơi xung quanh hồ Lục Thủy (bây giờ là Hồ Gươm). Khi thuyền đi đến giữa hồ, bỗng nhiên có một con rùa vàng rất to nổi lên mặt nước. Con rùa đến sát thuyền vua và nói tiếng người:

- Xin vua trả gươm cho Long Quân.

Nghe rùa nói vậy, vua hiểu ra rằng hóa ra Long Quân đã cho nghĩa quân mượn gươm thần để giết giặc. Khi đất nước đã hòa bình, Long Quân sai rùa vàng đến đòi gươm. Vua thả gươm xuống nước. Nhanh như chớp, rùa há miệng, ngậm thanh gươm rồi lặn mất.

Từ đó, hồ Lục Thủy có tên là Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm.

Bảng từ

thế kỷ
giặc
xâm lược
thất bại
đánh cá
bắt được
vứt
kéo lưới
băn khoăn
thanh sắt 
lưỡi gươm

nghĩa quân 
phát sáng
chuôi gươm
lắp
thắng lợi
nổi
sát
hòa bình
ngậm
lặn

V. Bài tập: 

1. Dựa vào bài đọc để hoàn chỉnh các câu sau:

a. Giặc Minh xâm lược nước Việt Nam và đối xử với nhân dân Việt Nam rất ......................

b. Thấy nghĩa quân luôn luôn thất bại, Long Quân rất thương họ và muốn ......................

c. Lê Thận phải mang thanh sắt về nhà vì ......................  

d. Lê Lợi nhìn thấy lưỡi gươm ở nhà Lê Thận nhưng ......................

e. Khi bắt được chuôi gươm, Lê Lợi quyết định mang nó về vì ......................

f. Từ khi có thanh gươm thần, sức mạnh của nghĩa quân ......................

g. Lê Lợi gặp rùa vàng khi ......................

h. Sau khi nghe rùa đòi gươm, vua hiểu ra rằng ......................

2. Trả lời các câu hỏi sau:

a. Giặc Minh xâm lược Việt Nam vào thời gian nào? Chúng đối xử với nhân dân Việt Nam như thế nào?

b. Tại sao Long Quân cho nghĩa quân mượn gươm thần?

c. Ai đưa gươm của Long Quân cho nghĩa quân?

d. Khí thế của nghĩa quân trước và sau khi có thanh gươm như thế nào?

e. Tại sao hồ có tên là Hồ Gươm?

3. Điền từ vào chỗ trống:

nhanh nhẹn
thất bại
hoang đường

kéo lưới
thành tích

vô tình
ngọn cây

a. Truyền thuyết và chuyện cổ tích có nhiều yếu tố ......................

b. ...................... là nơi cao nhất của cây.

c. Khi đi biển tôi rất thích xem các ngư dân ......................

d. Từ trái nghĩa với chậm chạp là ......................

e. Em ấy đạt được nhiều ...................... trong học tập.

f. Tôi ...................... biết chuyện bí mật của anh ấy.

g. Người ta trưởng thành hơn sau vài lần ......................

4. Điền vào chỗ trống:

đến
về
cho

lên
để 

được
với
xuống

a. Giặc Minh đối xử .......................... nhân dân Việt Nam rất tàn bạo.

b. Ở Hồ Gươm, thỉnh thoảng có những con rùa to nổi .................. mặt nước.

c. Long Quân quyết định .............. nghĩa quân mượn gươm................ giết giặc.

d. Nhiều nhà chuyên môn nghiên cứu .............. rùa ở Hồ Gươm.

e. Công việc của tôi không liên quan ............... vấn đề mà anh ấy đang nghiên cứu.

f. Trong truyền thuyết Hồ Gươm rùa nói .............. tiếng người.

g. Sau khi lấy được thanh gươm, rùa vàng lặn ngay ............ nước.

5. Hãy liệt kê những chi tiết bạn cho rằng không có thật trong "Truyền thuyết Hồ Gươm".

6. Nghe băng bài nói về Hồ Tây:  

7. Dựa vào bài nghe, chọn khả năng đúng:

1) Hồ Tây nằm ở phía .................. Hà Nội.

a. Đông Bắc

b. Tây Bắc

c. Tây Nam

 2) Hồ Tây đang được qui hoạch thành một trung tâm ..................

 a. Văn hóa và chính trị 

b. Kinh tế, du lịch và thể thao

c. Văn hóa, du lịch và thể thao

3) Trước khi được gọi là Hồ Tây, hồ có tên .................

a. Đâm Dàm

b. Dâm Đàm

c. Dam Dầm

4) Phong cảnh Hồ Tây rất ..................

a. Nhộn nhịp

b. Vắng vẻ

c. Nên thơ

5) Hồ Tây có món bánh tôm .................. 

a. Nổi tiếng

b. Hiếm có

c. Cổ truyền

6) Xung quanh Hồ Tây có nhiều ..................

a. Nhà thờ

b. Đền chùa

c. Cung điện

8. Trả lời các câu hỏi sau: 

a. Hồ Tây nằn ở nội thành hay ngoại thành Hà Nội?

b. Tổng diện tích của Hồ Tây là bao nhiêu héc-ta?

c. Hồ Tây đã được qui hoạch thành một trung tâm văn hóa, thể thao lớn, phải không?

d. Về nguồn gốc, Hồ Tây là một phần còn lại của sông gì?

e. Tên Hồ Tây có từ thế kỷ bao nhiêu?

f. Hồ Tây hấp dẫn du khách về điều gì?

g. Những đền chùa xung quanh Hồ Tây đều mới được xây dựng phải không?

9. Hãy viết một truyền thuyết nổi tiếng ở nước bạn đang sinh sống.

VI. Bài đọc thêm:

Lê Lợi - người anh hùng dân tộc

Lê Lợi sinh ra ở vùng Lam Sơn (Thanh Hóa). Khi bắt đầu lớn lên, ông đã chứng kiến nhiều thay đổi lớn của đất nước. Triều Trần sau thời kỳ thịnh trị đã sụp đổ, Triều Hồ thay thế, cố gắng cải cách đất nước nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong lúc đó, nhà Minh mang 20 vạn quân sang xâm lược Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống quân Minh do nhà Hồ lãnh đạo đã thất bại. Hơn 60 cuộc khởi nghĩa đã diễn ra nhưng đều không giành được thắng lợi.

Từ vùng rừng núi Lam Sơn, Lê Lợi đã theo dõi những sự kiện đó. Năm 1416, Lê Lợi cùng 18 người bạn kết nghĩa anh em, thề cùng sống chết, quyết tâm tìm đường giải phóng dân tộc. Sau đó Lam Sơn trở thành địa điểm tập trung của anh hùng khắp nơi. Năm 1418, cuộc khởi nghĩa chính thức diễn ra và sau 10 năm thì giành được thắng lợi.

Sau khi đất nước được giải phóng, Lê Lợi làm vua, lập ra triều Lê. Trong thời gian làm vua, Lê Lợi đã cố gắng khắc phục những hậu quả thời Minh thuộc, củng cố nền độc lập. Ông đã ban hành nhiều chính sách để xây dựng lại đất nước.

VII. Từ ngữ thông tục và thành ngữ:

1. “Không cánh mà bay”

Thành ngữ dùng để nói về một vật gì đó bỗng nhiên mất, mất một cách bất ngờ.

Ví dụ: 

- Chị ấy vô cùng ngạc nhiên khi thấy cái ví của mình đã không cánh mà bay rồi.

2. “Mau nước mắt”

Đây là cụm từ dùng để nói về những người hay khóc.

Ví dụ: 

- Bà ấy mau nước mắt lắm, vừa kể cho tôi nghe chuyện gia đình bà ấy vừa khóc.

3. “Bùi tai

Bùi có nghĩa là ngon. Từ này nói về những lời nói hay, có sức thuyết phục, làm cho người ta nghe theo.

Ví dụ:

- Nghe ông ấy nói bùi tai quá nên tôi cho ông ấy vay tiền, thế mà mãi chẳng trả.