Chú Tư, con là ai (phần 11)

09/04/2010 09:33:20 AM
...Tôi vui vẻ theo dượng tới chỗ làm. Dượng dắt tôi qua cầu vô phố. Lúc đi trên cầu, nhìn dòng sông nước đổ cuồn cuộn, tôi nôn nao nhớ chú Tư, nhớ xóm ghe. Nhưng nỗi nhớ chỉ thoáng qua, để chỗ cho nỗi sợ hãi ập tới. Tôi đi nép vô dượng vì sợ, sợ mấy chiếc xe hơi phóng xẹt ngang trước mặt xịt khói làm mắt cay sè, sợ mấy người cảnh sát bận đồ màu vàng đeo súng gườm gườm đứng ở góc đường. Tôi không dám dòm kỹ những cửa hàng bên đường đồ bán bầy la liệt, mình quê quá biết gì mà dòm...
 

(...) Một buổi tối dượng trở về nhà, thì thào với má:

- Có người trong phố hỏi mướn con Nhung đi bán hàng ăn, má nó tính sao?

Má tôi hỏi ngay:

- Người ta trả bao nhiêu tiền?

- Cỡ tám chục ria, ăn ngủ tại đó luôn.

- Được quá. Ba biểu nó đi. Nó lớn rồi.

Đó, lần đầu tiên tôi nghe má nói tôi lớn rồi.



Ảnh minh họa Internet 

Tôi vui vẻ theo dượng tới chỗ làm. Dượng dắt tôi qua cầu vô phố. Lúc đi trên cầu, nhìn dòng sông nước đổ cuồn cuộn, tôi nôn nao nhớ chú Tư, nhớ xóm ghe. Nhưng nỗi nhớ chỉ thoáng qua, để chỗ cho nỗi sợ hãi ập tới. Tôi đi nép vô dượng vì sợ, sợ mấy chiếc xe hơi phóng xẹt ngang trước mặt xịt khói làm mắt cay sè, sợ mấy người cảnh sát bận đồ màu vàng đeo súng gườm gườm đứng ở góc đường. Tôi không dám dòm kỹ những cửa hàng bên đường đồ bán bầy la liệt, mình quê quá biết gì mà dòm. Gần chợ có vô số những cửa hàng ăn, mùi thịt nướng bốc lên thơm ngào ngạt trong lúc bụng tôi lép xẹp. Tôi quay đi nhưng nước miếng vẫn trào ra. Đi một hồi dưới nắng sớm thì dượng đưa tới cửa hàng khách ăn ra vô tấp nập. Chủ hàng mời dượng và tôi hai người hai tô hủ tiếu. Lần đầu tôi được ăn hủ tiếu thịt vằm, ăn tới đâu thấy ấm người và tỉnh táo tới đó. Ăn xong dượng về, tôi ở lại làm luôn. Nhà hàng có hai lầu, lầu dưới đánh bạc, lầu trên bán cơm. Chỉ hai ba ngày sau tôi đã quen việc, tôi chạy bàn ở lầu dưới, đưa thực đơn đến cho từng người khách, họ gọi gì tôi đưa nhà bếp làm xong lại bê đến tận bàn cho họ. Khách đánh bạc người được người thua cũng đều cho tôi ít tiền. Công việc đang vui thì chừng một tháng sau có bắn nhau ngoài đường, khách chơi bạc bỗng không ai tới, nhà hàng vắng teo. Chị chủ bèn sang tên cho người khác, cho người làm nghỉ hết nhưng gọi riêng tôi ra biểu:

- Mày về làm thuê cho ba má chị đi, đang cần mướn người.

Chị đưa tôi tới một ngôi nhà rất lớn và sang trọng. Tôi đứng dưới ngước lên lầu thấy ở ban công có những chậu hoa giấy màu đỏ rất đẹp, hoa xum xuê sáng bừng dưới nắng. Một người đàn bà đã cao lại ốm và đen ra mở cổng. Bà ta lễ phép hỏi:

- Cô đưa người ở đến?

- Vô biểu bà cô tìm được con này nhanh nhẹn, bà giữ lấy.

- Bà chủ trong nhà. Mời cô vô.

- Để lúc khác, cô đang bận.

Nói rồi chị chủ quay đi. Tôi khép nép theo vô nhà, đứng im một góc. Bà chủ giao tôi cho một chị người Miên. Chị này không nói năng gì, mặt nặng chịch, làm như tôi cướp mất cơm mất gạo của chị. Cả ngày tôi cứ phải đi theo riết chị, không biết phải làm cái gì, chân tay thừa ra, đứng dở ngồi dở, tới bữa ngượng ngập không dám ăn no. Tôi nghĩ nếu cứ thế tôi chết mất, thà cả đời tôi phải đi vợt ốc, đi kiếm rau chai nuôi heo còn sung sướng hơn là cả ngày đi theo học việc trong cái nhà vừa to vừa rộng vừa vắng người như thế này. Ba hôm sau bà chủ gọi chúng tôi hỏi:

- Con nhỏ này đã biết việc chưa?
Chị người Miên trả lời:

- Thưa bà nó còn chậm lắm.

Bà chủ bĩu môi:

- Tối ngày tụi bay chỉ biết phủi chân lên giường với đàn ông là giỏi.

Tuy tiếng Campuchia tôi rất kém nhưng tôi vẫn hiểu được ý tứ câu nói ấy. Tôi tức lắm, nếu có thể bỏ được tôi đã bỏ đi ngay. Nhưng không thể, tôi thừa biết nhà còn nghèo lắm, cả má tôi cả mấy đứa em cùng má với tôi đang cần có tiền để sống, tôi không thể bỏ đi được. Bà chủ nói:

- Dạy nó thêm một tuần, nếu không làm được thì đuổi đi.

Tôi càng tức, quyết không để người ta coi rẻ mình. Từ hôm ấy, tôi vừa làm, vừa để ý những thói quen của ông bà chủ. Việc gì tôi cũng xông vô, nấu cơm, giặt quần áo, lau nhà, đánh giày..., tôi làm tuốt. Ông bà chủ khó tính, một ngày mắng tôi mấy lần là đồ nói trước quên sau. Họ nói gì tôi cũng nhăn răng cười, mắng thế nào tôi cũng chỉ cười. Như thế riết rồi ông bà chủ cũng thương. Một năm sau mọi việc trong nhà đều do tôi quản, kể cả việc lấy quần áo cho ông chủ đi làm mỗi buổi sáng. Ngày nào bận đồ nào, đi giầy nào ông chỉ sai tôi làm. Ông biểu tôi sáng dạ lại cẩn thận, không bị lẫn đồ như những đứa khác. Có khách đến nhà ông bà chủ đều khoe có đứa ở người Việt. Một lần có một vị khách kêu tôi dẫn ra phòng toa lét. Khi chỉ có hai người, ông hỏi tôi:

- Một tháng mày được trả bao nhiêu?

- Một trăm ba ria.

- Thế thì làm cho tao, tao trả trăm rưởi.

- Không. Bao nhiêu cháu cũng không đi.

Câu chuyện ấy đến tai ông bà chủ, họ càng mến tôi, thường giữ tôi ở cạnh để hầu chuyện cho vui. Người con trai của ông bà học luật, đi suốt ngày, về đến nhà biến ngay vô phòng riêng, đóng cửa im ỉm, không khi nào chuyện trò với ba má.

Tôi biết ông chủ có vợ lẽ. Chiều nào ông chủ cũng dắt chó ra ngoài chơi rồi đến nhà vợ lẽ tắm ở đấy. Ông chủ giấu vợ chứ không giấu bọn người ở. Tôi sợ lắm, sợ mình biết mà không nói ra thì bà chủ sẽ coi mình là đồng loã, nói ra thì như thể thọc vô chuyện của ông chủ. Có điều tôi không ngờ là bà chủ cũng biết việc này từ lâu nhưng lặng im. Một lần ông vừa về thì bà chộp lấy, hỏi:

- Ông mới mua cái áo này?

- Áo nào?

- Lại còn giả bộ. Cái áo ông đang bận đó.

- Áo này bận thường đấy chớ, là bà mua cho tôi.

- Tôi chưa mua áo này bao giờ mà cũng chưa bao giờ thấy ông bận áo này.

Thì ra ông sang tắm ở nhà vợ lẽ, tắm xong đổi áo mà không hay. Bà hỏi giọng nặng trịch:

- Giờ ông nói đi, có đúng là ông có vợ lẽ không?

Ông đứng phắt dậy, quát:

- Giờ tao có thiệt thì làm sao!

- Có thì có nhưng không được cho tôi thấy mặt nghen! Dắt nó đi đâu xa thì dắt chứ đừng có dắt nó đến trước mặt tôi nhá.

- Tao đâu có ngu mà đưa nó tới trước mặt vợ.

- Ít bữa nữa tôi đi Pháp, tôi không có đây cũng không cho ông dắt nó vô nhà đâu nhá.

- Tao thề mà dắt nó vô nhà thì trời đánh tao chết đi.

Mấy bữa sau bà chủ đi Pháp với con gái, trong nhà chỉ còn ông chủ và người con trai. Ông chủ ngày nào cũng đi với vợ lẽ nhưng không cho lên nhà. Tôi chờ ông đi ra nên trông thấy bà ta. Buổi tối người con trai đi vắng cả đêm, một mình ông chủ buồn nên thường tìm tôi nói chuyện. Ông biểu tôi:

- Mai mốt mày thấy tao đi với nó, nó đến cổng mày đóng cổng lại, đừng cho nó vô.

- Sao bác không dắt bả vô?

- Tao sợ trời đánh.

- Trời nào có.

- Trời là bác gái mày chớ còn trời nào.

- Bả đòi vô cháu sao giữ nổi?

- Nói là bác gái không cho vô. Nó đòi thì mày cản giùm,sợ bác cản nó lại dỗi nữa, cực lắm.

- Cực sao hả bác?

- Cực chớ sao. Tao sang nhà bà kia không tắm thì bà ấy dỗi tao. Tao phải tắm. Về nhà tao sợ bác gái, không tắm thì bà ấy biết, tắm nhiều quá có bữa bị cảm.

- Vậy chớ sao bác còn đi?

- Tao lỡ thương nó mất rồi. Mày thấy bác gái với bà kia ai đẹp?

- Cháu chỉ dòm thấy bả trong xe. Bác gái đẹp hơn.

- Vậy à?

- Bà kia chỉ có trắng thôi, trắng nhưng xấu. Bác gái đẹp hơn, dáng xinh hơn, mắc tội hơi đen.

- Dáng bà kia ra sao?
Tôi lấy tay vòng một vòng, như người ta ôm một cái gốc cây bự.

- To đùng, mập vậy nè.

Ông chủ cười, đứng lên tả cái dáng bà ấy đi, õng ượt.

- Phải rồi, bà ấy đi xấu vậy nè.

- Vậy sao bác còn thương?

- Tao thương nó nên thấy nó đẹp. Nó mở tiệm ủi quần áo, ngồi ở quầy nên chỉ ngó thấy khúc trên này thôi. Tao lỡ lấy nó rồi, bây giờ tao cũng thấy nó xấu lắm.

Ông cười, nửa hài lòng, nửa chua chát. Ông bỏ đi ra một lát rồi quay lại, hớt hải biểu tôi:

- Thằng Van Ty đi với bồ giờ này chưa về. Mày gọi nó về cho tao.

- Cháu gọi ảnh đâu có chịu về.

- Đúng vậy, để tao, tao là bố nó chớ thường đâu.

Ông chủ gọi điện chọc tức con trai. Đến khi thấy xe hơi con trai về, ông chui tọt vô phòng, đóng cửa lại. Anh con trai chạy huỳnh huỵch lên lầu, đập cửa phòng đùng đùng.

- Mở cửa ra, ông có mở cửa ra không?

Khi ông chủ mở cửa, người con trai chộp một khúc côn trong phòng, giống như cái chày, đập vô ghế, mạnh tới mức cái ghế gỗ gãy đôi. Anh ta bực tức la lên:

- Ông đi theo con khác được, đến tôi thì sao mà ông cứ phá!

- Mày còn trẻ, mày phải học hành, mày phải đi cho có giờ có giấc.

- Ông đi được thì tôi cũng đi được.

- Mày hỗn, mày là con tao chớ mày là cái gì mà mày hỗn. Tao đập bể mặt mày ra.

- Có ngon thì ông đập đi.

Ông chủ hung hăng cầm mảnh ghế gỗ đập vô mặt con trai thiệt. Anh ta ôm mặt kêu đau, khi buông tay ra tôi thấy có máu. Tôi đứng dòm hai cha con cãi nhau to mà sợ run, không biết làm thế nào can ra. Người con trai đùng đùng chạy lên phòng mình lấy cái máy chụp hình, giơ máy vô mặt mình chụp lia lịa. Xong rồi anh ta lại chạy xuống.

- Ông đập tôi chảy máu, tôi chụp hình mặt tôi, mai tôi đi thưa ông.

- Mày tưởng học luật mà đòi thưa tao hả? Mày là con tao chớ mày là cái gì!

- Ông đợi đó, mai tôi đi thưa ông.

Ông chủ đẩy con trai ra, định đóng cửa đi ngủ nhưng người con trai vẫn đập vô cửa ầm ầm, miệng la lên là ngày mai nhứt định đi thưa. Tôi đứng kế bên ngửi thấy hơi rượu nồng nặc, mệt muốn ói. Ông chủ tức quá, mở bung cửa ra. Tôi thấy ông cầm lăm lăm trong tay khẩu súng lục đen ngòm mà sợ muốn xỉu. Tôi la lên khi thấy ông chĩa khẩu súng vô con trai, khi thấy mắt ông như muốn nổ tung ngay cả trước khi có tiếng súng nổ. Đúng lúc nguy kịch ấy anh gác cổng đã kịp lao vô túm lấy nòng súng. Một tiếng nổ vang lên, tôi nhắm nghiền mắt lại. Viên đạn bay trượt trên tay anh gác cổng. Không có anh ta ghì cái nòng súng lại chắc viên đạn đã lủng vô bụng người con trai. Người con trai sợ quá, chạy lên nhà gọi điện cho má ở bên Pháp.

Hôm sau ông chủ tìm tôi, nói:

- Mày vô phòng nó ăn cắp cái máy chụp hình xuống cho bác.
Nói vậy là tôi biết ông có ý sợ rồi. Tôi biểu ông:

- Cháu không biết anh để đâu mất rồi, cháu không nhìn thấy.
Buổi chiều ông lững thững ra phố, khi về ông kêu tôi:

- Bác mua cam và thuốc, đây là thuốc uống, còn đây là thuốc xức. Cháu mang lên cho anh đi.
Tôi mang các thứ lên. Anh con trai hỏi tôi:

- Ai kêu mày mang lên?

- Bác trai kêu em mang lên.

Anh ta tức giận quát:

- Mang xuống trả ông ấy đi. Đánh người ta bể mặt lại còn mua cam mang lên. Để tao đánh ông ấy bể mặt rồi tao lại mua cam cho ông ấy ăn.

Tôi lo sợ mang xuống. Ông chủ hỏi:

- Sao mày không để trên tủ cho anh mà lại mang xuống?

- Anh không chịu. Anh nói để anh đánh bác bể đầu rồi anh mua cam cho bác, bác có ưng không.

Cả mùa khô hai cha con thường cãi nhau như vậy. Bọn người ở chúng tôi không được yên, luôn phải can ngăn hoặc xử kiện, bên nào cũng phải bênh, phải mãi tới bác gái ở Pháp về mới dẹp yên mọi chuyện trong nhà. Cũng đúng dịp dượng tôi tới xin ông bà chủ cho tôi về. Bà chủ nói:

- Mày ở với bác quen rồi, mày ở lại thì tao cho lên lương nữa.

Nói vậy nhưng qua câu chuyện của dượng chắc bà biết lần này tôi về thì khó quay lại. Bà nói:

- Chắc má mày gọi về gả chồng cho mày. Lấy chồng rồi chắc gì đã sướng, coi bác đây thời biết. Sau này khổ cứ trở về đây, bác lại nhận làm cho bác.

(Còn nữa)

Thăng Sắc