Cách đặt tên con của người Mông, Điện Biên

15/09/2014 08:19:49 AM
Tuy cuộc sống hiện nay có nhiều thay đổi song người Mông (Điện Biên) vẫn bảo tồn và lưu giữ tốt văn hóa truyền thống đặc sắc và đa dạng của dân tộc mình. Một trong những nét độc đáo đó là phong tục đặt tên cho con.

Đồng bào dân tộc Mông ở bản Huổi Múa, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông có rất nhiều nghi lễ độc đáo, trong đó nghi lễ đặt tên mang ý nghĩ vô cùng quan trọng, nó chứng tỏ sự tồn tại của thành viên mới trong gia đình, là dấu mốc đầu tiên trong cuộc đời của con người. Phong tục tốt đẹp mang ý nghĩa nhân văn này hiện vẫn được bảo tồn và duy trì trong cuộc sống của cộng đồng dân tộc Mông.

Từ khi sinh ra đến khi nhắm mắt trở về với tổ tiên, người Mông trải qua rất nhiều nghi lễ như: Lễ đặt lại tên đệm (đối với người đàn ông), lễ cưới, lễ ma… trong đó đặt tên là nghi lễ đầu tiên của một đời người. Nghi thức này được thực hiện khá đơn giản gồm hai phần là gọi hồn và nhận tên.



Được đặt lại tên đệm khẳng định người đàn ông đã có sự ổn định trong cuộc sống gia đình. 

Một em bé Mông tròn 3 ngày tuổi gia đình đã chuẩn bị làm lễ gọi hồn về để đặt tên cho bé. Khi đã chọn được ngày, giờ và mời những thành viên có liên quan trong gia đình, dòng họ đến đông đủ, lễ đặt tên của dân tộc Mông mới chính thức được tổ chức tại gia đình nơi có đứa trẻ ra đời. Chủ lễ có thể là người trong dòng họ hay chính là ông nội của đứa trẻ được đặt tên.

Từ sáng sớm tinh mơ, lễ đặt tên đã được bắt đầu với việc cúng trình báo các ma nhà. Chủ lễ lấy gà sống và quả trứng sống đặt trên bát gạo rồi đốt 2 nén hương đặt lên trên để trước cửa chính. Tay ông chủ lễ cầm 2 mảnh sừng trâu, vừa khấn vừa nhìn ra cửa. Trong bài cúng, ông trình báo cho ma cột chính và các ma nhà (ông bà, tổ tiên) thông báo gia đình đã có một đứa trẻ mới ra đời cầu các ma cho nó được mạnh khỏe, lớn khôn.

Trong nghi lễ đặt tên này thì nghi thức quan trọng nhất là việc chọn và đặt tên chính thức cho trẻ. Tên của đứa trẻ được tất cả mọi người bàn bạc, thảo luận và chủ lễ là người quyết định. Khi khấn báo ma nhà xong, gà sống được đem làm chín rồi chủ lễ tiếp tục khấn gọi hồn đứa trẻ về. Người Mông quan niệm, khi đứa trẻ mới sinh ra hồn của nó còn đi lang thang khắp nơi nên phải làm cái lễ này để gọi hồn về. Gọi hồn của đứa trẻ về xong, chủ lễ lấy 4 nén hương cắm ngay vào chân giường, nơi đứa trẻ nằm, với ý nguyện sau này đứa trẻ sẽ lớn khôn với đức tính cần cù, chịu khó.

Trong khi chủ lễ thực hiện các nghi thức đặt tên thì mọi người mổ gà, chuẩn bị rượu, thịt, bàn ghế, quét dọn nhà cửa để cúng tổ tiên… Khi công việc chuẩn bị đã xong, anh em, gia đình dòng họ cùng quây quần quanh gian chính ngôi nhà. Nghi lễ cúng kết thúc cũng là lúc anh em họ hàng và mọi người đến tặng cho trẻ trứng gà, đôi gà trống mái, bao gạo ngon, ít tiền cùng lời chúc trẻ sẽ khôn lớn, biết làm ruộng nương, giỏi đi rừng…

Lễ đặt tên là một trong những nét độc đáo trong kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, nó mang ý nghĩa nhân văn cao cả và là nét văn hóa truyền thống độc đáo cần được lưu giữ và phát triển./.

(Theo dantocviet.vn)