Dân tộc Si La

08/09/2014 08:11:52 AM
Người Si La là một trong 5 dân tộc ít người nhất trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chung tay của cộng đồng, đời sống của đồng bào đang ngày một tốt đẹp và ấm no hơn và bà con đã chú ý hơn đến việc gìn giữ những nét văn hóa của dân tộc mình.



Trang phục dân tộc Si La

Đồng bào Si La sống du canh, du cư và chủ yếu bằng nghề trồng lúa nương, ngô. Khoảng vài thập niên gần đây, phong trào định canh định cư được đẩy mạnh, họ đã bắt đầu khai phá đất đai làm ruộng, tạo cơ sở vật chất để đảm bảo cuộc sống định cư.

Người Si La ở nhà đất, hai gian và hai chái nhỏ, có hiên phía trước và chỉ có một cửa ra vào. Không bao giờ cửa ra vào và bàn thờ chung một gian. Thường thì góc trái trong cùng là nơi để thờ cúng tổ tiên, trên có một chén rượu nhỏ và một quả bầu. Nhà có hai bếp, bếp chính ở giữa nhà, kê ba ông đầu rau bằng đá. Ông đầu rau quan trọng nhất quay lưng về hướng bàn thờ, người Si La cho rằng tổ tiên thường ở đấy trông coi bếp lửa của gia đình.

Trang phục của phụ nữ có nhiều nét độc đáo, đặc biệt là mảng ngực áo bằng vải khác màu, áo cài khuy bên nách phải, nổi bật trên áo là vạt ngực gắn đầy những đồng xu bạc, xu nhôm không theo hàng lối nhất định. Cổ và tay áo được trang trí bằng cách đắp thêm những đường vải màu khác nhau. Váy màu đen hay chàm không thêu, khi mặc giắt ra phía sau lưng. Ngày nay các em gái và thiếu nữ Si La mặc váy cũng giắt phía trước như người Thái. Khăn đội đầu phân biệt theo lứa tuổi và tình trạng hôn nhân (thiếu nữ đội khăn trắng, phụ nữ đã có chồng đội khăn đen) và họ thường đeo túi đan bằng dây gai rừng, được trang trí bằng nhiều tua chỉ đỏ.



Trang phục truyền thống của phụ nữ  Si La

Trước kia đồng bào thích nhuộm răng. Đàn ông nhuộm răng đỏ (bằng cánh kiến đỏ), phụ nữ nhuộm răng đen. Ngày nay phần lớn đều để răng trắng như các dân tộc anh em khác.

Quan hệ hôn nhân của người Si La theo nguyên tắc người trong cùng họ không được lấy nhau, mặc dù khác chi. Con trai và gái của anh em trai được phép lấy con trai và gái của chị em gái vì khác dòng họ. Con dì con già (con của hai chị em gái) được lấy nhau nếu bố chúng khác họ.

Người Si La có tục cưới hai lần. Thường thường nếu đôi trai gái yêu nhau, đến đêm người con trai có thể tới nhà người yêu. Sau ba đêm nếu hai người thực sự yêu nhau, đêm nào người con trai cũng có thể đến với người con gái. Vài tháng sau làm lễ cưới thứ nhất. Lễ cưới lần thứ hai được tổ chức sau khoảng một năm. Nhà trai phải có khoản tiền cưới trao cho nhà gái mới được đón dâu về nhà mình.

Trong tang ma, sau khi khâm niệm xong con cái mới đi chọn đất đào huyệt. Mộ bao giờ cũng đặt phía dưới bản và đặt gần mộ của những người cùng họ. Người Si La không có tục cải táng và tảo mộ. Để chịu tang cha mẹ, con trai lấy dây buộc túm ít tóc trên đỉnh đầu, con gái phải tháo vòng cổ, vòng tay, vòng tai. Bố mẹ chết ba năm sau con cái mới được lấy vợ, lấy chồng.

Người Si La rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên. Nhà nào cũng có bàn thờ nhưng chỉ thờ bố mẹ đã khuất. Mỗi bàn thờ phải có chén thờ lấy từ chén cúng cơm cho bố mẹ trong ngày làm ma. Nhà có bao nhiêu con trai thì có bấy nhiêu chén và tất cả để lên bàn thờ. Đến khi chia nhà, mỗi anh em lấy một trong những chiếc chén đó đi để lập bàn thờ riêng. Thờ tổ tiên từ đời ông trở lên do người trưởng họ đảm nhận. Người Si La chỉ cúng tổ tiên vào dịp tết, cơm mới và cưới xin của con cháu.

Trước kia, hàng năm vào cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai, người Si La tổ chức lễ cúng bản như người Hà Nhì, La Hủ. Đây là lễ cúng to nhất trong năm, với mục đích cầu mong cả bản không ai ốm đau, bệnh tật, lợn gà không bị thú rừng bắt. Đồng bào có phong tục cứ 7 năm lại tổ chức lễ gọi hồn lúa, dùng vợt bắt cá, gạo đưa đường để dẫn hồn lúa về tới nhà kho trên nương, về bản, rồi vào nhà.

Kho tàng văn học dân gian của người Si La khá phong phú, gồm nhiều thể loại sử ca, dân ca tục ngữ, truyện cổ tích, thần thoại… Sử ca gồm những bài hát kể về sự tích ngày xưa của dân tộc, có nhiều bài hát khá dài thường được người già hát trong những ngày lễ, tết. Trai gái hát với nhau trong lao động sản xuất, trong lúc hội hè hay hát giao duyên trong đêm khuya thanh vắng ca ngợi tình yêu, thiên nhiên và lòng chung thủy. Các em nhỏ Si La thường chơi các đồ chơi tự chế từ tre gỗ hay đất sét. Đồng thời, chúng cũng có các trò chơi tập thể rất vui nhộn./.

(Theo Langvietonline.vn )